Kinh tế châu Á tiếp tục phát triển năng động

Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực kinh tế phát triển năng động bất chấp viễn cảnh ảm đạm dường như đang định hình một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế thế giới.
Công nhân lắp ráp xe hơi tại một nhà máy ở Weifang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
Công nhân lắp ráp xe hơi tại một nhà máy ở Weifang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Tăng trưởng 4,6%

Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của IMF, ông Krishna Srinivasan, dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay đạt 4,6%, tăng 0,3% so với mức dự báo 3,8% đưa ra hồi tháng 10-2022. Sự điều chỉnh tăng này là do tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Khu vực này sẽ đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển của châu Á trong năm nay sẽ chậm lại, ở mức 1,6%, thấp hơn so với kỳ vọng của IMF đưa ra vào năm ngoái. Cụ thể, với Nhật Bản, tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 1,3% vào năm 2023, nhờ được hỗ trợ bởi các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng.

Tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2023 được điều chỉnh xuống 1,5%, phản ánh đà tăng trưởng chậm lại một phần do chu kỳ công nghệ đi xuống và kết quả kinh doanh yếu trong quý 4-2022.

Tại Ấn Độ, đà tăng trưởng sẽ bắt đầu chậm lại do nhu cầu trong nước yếu đi bù đắp cho nhu cầu dịch vụ bên ngoài mạnh mẽ; tăng trưởng dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 6,8% năm 2022 xuống 5,9% trong năm nay.

Các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng giảm từ 5,7% vào năm 2022 xuống còn 4,6% vào năm 2023, do đà tăng của nhu cầu trong nước giảm nhẹ, chính sách thắt chặt tiền tệ, giá cả hàng hóa thấp hơn và nhu cầu bên ngoài từ Mỹ, châu Âu yếu hơn.

Không tự mãn, cần cảnh giác

IMF cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của các nước châu Á - Thái Bình Dương không nên tự mãn do khu vực vẫn phải đối mặt với 4 thách thức chính sách quan trọng.

Thứ nhất, lạm phát vẫn cao và khu vực cần thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong thời gian dài hơn.

Thứ hai, những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu cho đến nay có tác động hạn chế đến thị trường châu Á, nhưng các lỗ hổng liên quan đến đòn bẩy cao và rủi ro trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn, các cơ quan giám sát tài chính cần duy trì cảnh giác.

Ba là, mức nợ công trong khu vực đã tăng đáng kể so với trước đại dịch và có nguy cơ tăng cao hơn do hầu hết các chính phủ trong khu vực dự kiến sẽ thắt chặt ngân sách tài chính trong năm nay và năm tới.

Cuối cùng là tăng trưởng năng suất ở châu Á được dự báo sẽ giảm. Tăng trưởng của Trung Quốc, mặc dù phục hồi mạnh mẽ trong năm nay, dự kiến sẽ giảm trong trung hạn. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, đặc biệt là đối với những nền kinh tế có liên kết thương mại quan trọng với Trung Quốc.

Theo khuyến cáo của IMF, các nhà hoạch định chính sách nên cảnh giác, cần theo dõi chặt chẽ những căng thẳng về tài chính và phát triển các kế hoạch dự phòng. Giới làm chính sách phải đạt được sự cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương và giải quyết các mối lo ngại về nợ.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á cũng phải ưu tiên các sáng kiến chính sách thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Cải cách cơ cấu là cần thiết để thúc đẩy đổi mới và số hóa, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm rủi ro từ sự phân mảnh và đảm bảo an ninh lương thực.

Ông Daniel Leigh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế thế giới, thuộc Vụ Nghiên cứu của IMF, nhận định, Việt Nam là một trong những điểm sáng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 và 2024. Dù tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ở mức cao, dự kiến 5,8% vào năm 2023 và 6,9% vào năm 2024. Lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp (3,15% vào năm 2022) và đang tăng lên, một phần do nền kinh tế năng động, nhưng IMF cho rằng lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu, khoảng 4,3% vào năm 2024.

Tin cùng chuyên mục