
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã từng đưa ra những dự đoán lạc quan và sáng sủa về tình hình kinh tế thế giới (KTTG): tăng trưởng của KTTG năm nay vào khoảng 4,1% và 3,9% năm 2009. Nhưng thực tế không như vậy. Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra hồi tháng 8-2007 khi bong bóng thị trường bất động sản ở Mỹ vỡ tung cộng hưởng với giá năng lượng và lương thực tăng vọt khiến nền KTTG chao đảo trong một năm qua. Năm nay, theo số liệu của IMF, GDP toàn cầu tăng trưởng chỉ ở mức dưới 3%, đồng nghĩa với một thời kỳ suy thoái.
Suy thoái đang trở thành một mẫu số chung cho các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Bức tranh toàn cảnh kinh tế của các nước lớn là tăng trưởng ảm đạm, lạm phát kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, mức tiêu thụ và sức sản xuất ngày càng tuột đốc.
Khi đầu tàu chững lại

Tìm một việc làm mới sau khi thất nghiệp. Theo: Digerati Life
Tăng trưởng kinh tế của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới – lần đầu tiên trong 6 năm qua đang chậm lại, chỉ ở mức 1,9% trong quý 2-2008.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Mỹ thì thâm hụt ngân sách của nước này trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên con số 102,8 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2007, sẽ tăng lên con số 400 tỷ USD khi kết thúc quý 3 và dự kiến của chính phủ Mỹ đến hết năm nay mức thâm hụt ngân sách sẽ là 482 tỷ USD – mức thâm hụt ngân sách cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng thế chấp ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng. FDIC – công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang - cho biết lợi nhuận của các ngân hàng và quỹ tiết kiệm trong quý 2-2008 đã giảm 86,5%. Khoảng 8.500 ngân hàng, quỹ tiết kiệm và các công ty tài chính đã phải bù lỗ 50,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng các ngân hàng và các công ty tài chính có nguy cơ phá sản đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, danh sách này lên đến con số 117, theo chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair, số lượng các ngân hàng như thế có thể không dừng ở đó.
Đầu tháng 8, Bộ Lao động cho biết con số thất nghiệp của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 6 năm qua, từ đầu năm đến nay tổng số lao động thất nghiệp là 463.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp cuối tháng 7 tăng vọt lên 5,7% so với mức 5,5% của tháng 6. Theo đà này, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ lên đến 6% vào đầu năm 2009. Số lượng lao động bị sa thải nhiều nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô và tài chính ngân hàng.
Trong bản báo cáo của Cục thống kê dân số Mỹ, số người nghèo ngày một gia tăng, năm 2006 là 26,5 triệu, đến 2007 là 37,3 triệu người. Nguyên nhân: chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, thất nghiệp gia tăng, tình hình kinh tế khó khăn. Dự báo tình hình này tiếp tục xấu thêm trong năm nay.
Ngoài 2 vũng lầy chiến tranh Iraq và Afghanistan thì kinh tế suy thoái là một trong những mối quan tâm hàng đầu không chỉ của người dân Mỹ mà còn là trọng tâm trong chính sách của chính phủ Mỹ và là thách thức đối với hai ứng cử viên đang trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Những mảng màu tối của lục địa già
Theo số liệu thống kê, lần đầu tiên kể từ khi đồng euro ra đời, khu vực này tăng trưởng tồi tệ ở mức –0,2%. Và cũng là lần đầu tiên trong 4 năm qua, châu Âu xói mòn một cách thảm hại với những con số ảm đạm như tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 vừa qua tăng tới 7,3%, giá cả sinh hoạt tiếp tục tăng và lạm phát đến 4,1% trong tháng 7.
Nền kinh tế nước Pháp tăng trưởng xấu trong quý 2 và khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2,25% cho năm nay, mà theo dự báo chỉ đạt mức 0,8-1,5%, đồng thời bội chi ngân sách gia tăng ở mức báo động và có nguy cơ phá vỡ mức trần 3,0% do EU đề ra. Hiện nền kinh tế Pháp cũng như nhiều đồng minh trong khu vực đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế như tiêu dùng trì trệ, các hoạt động dịch vụ suy yếu, thất nghiệp tăng lên, các hộ gia đình chán nản, giới doanh nghiệp mất niềm tin.
Đức – nền kinh tế hàng đầu châu Âu – tăng trưởng đã giảm 0,5% trong quý 2 so với quý 1. Lần đầu tiên trong 4 năm qua, kinh tế Đức tăng trưởng âm (-0,2%).

Bức tranh thời kinh tế thịnh vượng - Người người tay xách nách mang khi rời siêu thị. Theo: Bloomberg
Tại Anh, IMF dự báo nền kinh tế tiếp tục xuống dốc trong 2 năm tới đồng thời hạ mức tăng trưởng của nước này trong năm nay xuống còn 1,4% so với mức 1,8% dự đoán trước đó. Tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm 2009 sẽ còn tồi tệ hơn năm nay với mức 1,1%.
Nếu tình hình đúng như dự đoán thì đây là sự tăng trưởng kinh tế yếu kém nhất của nước này kể từ năm 1990. Ngân hàng quốc gia Anh (BoE) thừa nhận kinh tế nước này đang rơi vào suy thoái với tỷ lệ lạm phát tăng từ 4% đến 5% trong vài tháng tới và lạm phát trong tháng 7 vừa qua là mức cao nhất trong vòng 16 năm qua (4,4%). BoE dự đoán tăng trưởng ở Anh chỉ ở mức 0,9% trong năm 2009.
Tổ chức Lao động thế giới công bố tổng số người thất nghiệp ở Anh tháng 7-2008 lên đến 846.700 người, tăng 20.000 người so với tháng 6 – một mức tăng đến chóng mặt. Tỷ lệ thất nghiệp còn tăng mạnh khi tình trạng cắt giảm lao động trong ngành xây nhà cửa, (đã giảm 35.000 lao động kể từ năm ngoái) tăng lên. Hiện nay ngành xây dựng nhà cửa ở nước này đang trì trệ khi giá nhà đất sụt giảm 1,7% trong tháng 7 – mức sụt giảm mạnh nhất kể từ 1991 đến nay.
Tây Ban Nha cũng trong tình trạng tương tự. Tăng trưởng của “xứ bò tót” không lấy gì làm sáng sủa với mức 1,6% năm nay so với 3,8% năm 2007; tỷ lệ thất nghiệp 8%, nguyên nhân lớn nhất vẫn là khủng hoảng ngành xây dựng – một ngành then chốt trong nền kinh tế Tây Ban Nha - hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực này đã bị cắt giảm trong thời gian qua.
Không có chuyện “miễn nhiễm”
Khi “cơn bão giá” càn quét trên toàn cầu khiến sức đề kháng của các nền kinh tế hàng đầu suy giảm thì không có chuyện “bình an vô sự” cho bất cứ một nền kinh tế nào ở bất cứ khu vực nào.
Nhật Bản, đầu tàu ở châu Á, cũng là một nhân tố góp phần làm ảm đạm thêm triển vọng tăng trưởng KTTG. Sản xuất công nghiệp trong tháng 7 vừa qua ở xứ Phù Tang đã giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp, báo hiệu sự kết thúc của một chu kỳ tăng trưởng dài hơi nhất.
Xuất khẩu và đầu tư – 2 động lực quan trọng nhất trong sự phát triển kinhh tế Nhật Bản - đã bị chững lại do ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ trì trệ. Xuất khẩu đã giảm 2,3% trong quý 2-2008, nhập khẩu lại đạt mức kỷ lục trong tháng 6 tăng 17,8% so với tháng 6 năm ngoái. Đầu tư doanh nghiệp – nhân tố thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế – giảm 0,2%, trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trong quý 2-2008 của nước này giảm 0,6% so với quý 1 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo IMF, lạm phát ở các nước đang phát triển đạt tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay: 8-9,1%. Tỷ lệ lạm phát chính thức do chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia công bố ở mức 8-10%, đồng nghĩa với sự xuống dốc của nền kinh tế...
NGUYÊN TÂM