Kolkata - TPHCM, ấm nồng tình kết nghĩa

Kolkata - TPHCM, ấm nồng tình kết nghĩa

Vượt qua tiết trời se lạnh ở thủ đô New Dehli, chuyến bay mang số hiệu AI 112 đưa chúng tôi đến với TP Kolkata đầy nắng. Tại đây, những cán bộ của Ủy ban Đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ đã cầm sẵn biểu ngữ, hình ảnh của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Trung Tín (Trưởng đoàn quan chức và doanh nghiệp của TPHCM sang tham dự Hội chợ thương mại Ấn Độ - ASEAN) và khoác hoa lên từng thành viên trong đoàn (ảnh). Sự mệt mỏi bỗng chốc tan biến, thay vào đó niềm vui, sự xúc động cùng những cái bắt tay, siết chặt tình kết nghĩa giữa 2 TP Kolkata - TPHCM.

1 – TP Kolkata (tên gọi cũ Calcutta) cách thủ đô New Dehli khoảng 2 giờ bay. Đây là thủ phủ của bang Tây Bengal, diện tích 185 km² thuộc vùng châu thổ sông Hằng, trải dài dọc theo bờ sông Hooghly theo hướng Bắc - Nam, cách vịnh Bengal 154 km về phía Nam. Kolkata ban đầu là vùng đất ngập nước rộng lớn, sau đó được san lấp qua nhiều thập kỷ để cư dân sinh sống. Với dân số trên 14 triệu người, Kolkata xếp hàng thứ 3 về mật độ đông dân cư và là TP lớn thứ 4 của Ấn Độ sau Mumbai, New Dehli và Bangalore. TP được chia thành 141 quận hành chính với 15 khu vực. Kolkata là TP cảng, trung tâm thương mại và tài chính của phía Đông Ấn Độ. Nơi đây có sàn giao dịch chứng khoán Calcutta lớn thứ 2 của Ấn Độ. Đây cũng là cửa ngõ thương mại và quân sự quan trọng, TP duy nhất trong vùng có sân bay quốc tế.

Từng là thủ đô và TP hàng đầu của Ấn Độ, Kolkata trải qua thời kỳ kinh tế trì trệ từ sau Ấn Độ giành được độc lập năm 1947 do tình hình chính trị hỗn loạn, các cuộc nổi dậy liên miên và dòng người di cư hỗn loạn. Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ 20, cùng với sự xuất hiện của các nhà cải cách, nền kinh tế Ấn Độ dần hồi sinh. Đến nay, kinh tế của Kolkata đã có dấu hiệu khởi sắc với các hoạt động xuất khẩu đa dạng. Chỉ riêng ngành dịch vụ công nghệ thông tin, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 70%/năm, gấp đôi so với mức tăng bình quân của cả nước. Kolkata cũng đầu tư khá mạnh vào nhà đất và cơ sở hạ tầng. Đây cũng là nơi có nhiều nhà máy, các tập đoàn nổi tiếng của Ấn Độ như ITC, Bata India, Birla Corpotion, Công ty Hóa dầu Haldia…

2 – Giống như các TP lớn khác, Kolkata đang đương đầu với các vấn đề trong quá trình phát triển đô thị như đói nghèo, ô nhiễm và ùn tắc giao thông. Dọc hai bên đường, từ sân bay quốc tế Netaji Subhash Chandra Bose đến khách sạn Hindusthan International, những công trình xây dựng mới cầu đường, nhà ở và văn phòng nối đuôi mọc lên, khiến Kolkata giống như một công trường còn ngổn ngang các hạng mục. Dù chỉ dừng chân ở Kolkata 2 ngày, nhưng cảm nhận chung của đoàn chúng tôi là người dân rất hiền lành, thân thiện và hiếu khách. Số người dân trung lưu ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Nếu GDP năm 2005 của Kolkata chỉ đạt 94 tỷ USD thì năm 2010 đã tăng lên 150 tỷ USD. Ấn Độ nói chung, Kolkata nói riêng có thể tự hào về tầng lớp trung lưu độc lập ngày càng nhiều với khoảng 400 triệu người. Lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ấn Độ dù lớn hay nhỏ, đều chủ yếu đi đến túi của người dân hơn là nhà nước.

Tại Ấn Độ khoảng cách thu nhập thành thị và nông thôn liên tục giảm xuống từ đầu những năm 1990. Theo một báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu Pricewaterhouse Cooper (PwC), Ấn Độ có thể vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tính trên sức mua tương đương vào năm 2012. Nhiều sự kiện như việc áp dụng chính sách “hướng về phía Đông” của Chính phủ Ấn Độ, việc khai trương đèo Nathu La ở Sikkim làm con đường buôn bán biên giới với Trung Quốc và mối quan tâm rộng lớn đến các quốc gia Đông Nam Á để đi vào thị trường Ấn Độ, đã đặt Kolkata vào một vị trí có lợi.

3 – Chúng tôi đến Kolkata vào đúng mùa hoa gạo rực đỏ. Ở đây, đi đến đâu người ta cũng thấy hoa gạo. Có khá nhiều cây đã trở thành cổ thụ, tán và hoa che phủ cả không gian rộng lớn. Với những người đã từng sống ở phía Bắc như tôi, hoa gạo gợi nhớ biết bao kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu. Kolkata không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng bởi di sản văn hóa và nghệ thuật phong phú.

Từng là thủ đô của Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa Anh nên du khách dễ dàng nhận thấy sự hiện hữu của các công trình kiến trúc nghệ thuật của người Anh ở TP này. Đặc biệt, khu D.B.D Bagh nơi có những tòa nhà nguy nga, tráng lệ, gợi lại quá khứ huy hoàng của TP Kolkata như cung điện tưởng niệm Nữ hoàng Victoria, tòa nhà hành chính (Writers’ Building), Dinh thự của Thủ hiến bang Tây Bengal… Kolkata cũng nổi bật với nhiều kiến trúc Baroc, Gothic, La Mã, Hồi giáo được xây dựng từ thời Anh cai trị.

Kolkata còn gắn liền với tên tuổi của nhà thơ nổi tiếng Rabindranath Tagore (1861 - 1941). Có lẽ vì Kolkata là quê hương của Tagore nên ở Kolkata tập trung nhiều nhà xuất bản lớn của Ấn Độ. Kolkata cũng là quê hương của nhà làm phim nổi tiếng Satyajit Ray (1921 - 1992), người vinh dự được nhận giải “Oscar thành tựu trọn đời” vì những cống hiến đối với ngành điện ảnh.

Ở Kolkata người ta có thể đến tham quan nhiều danh thắng hấp dẫn như khu Maidan (Maidan có nghĩa “Cánh đồng rộng lớn”) rộng 400 ha. Đây cũng là lá phổi xanh của TP. Ở đây có sân thi đấu bóng chày Cricket Eden Garden có sức chứa lớn nhất Ấn Độ. Trong năm 2011, nhiều trận đấu hấp dẫn đang diễn ra trên sân Eden trong khuôn khổ giải World Cup Cricket do Hội đồng Cricket thế giới tổ chức, trong đó Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka là 3 nước đồng chủ nhà. Ngoài ra, Kolkata còn có Vườn quốc gia Sundarbans được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1997. Ở Kolkata còn có lễ hội Durga Puja kéo dài 5 ngày vào tháng 10 hàng năm. Theo thần thoại Hindu, các thần đã ban cho thần Durga sức mạnh đặc biệt có thể tiêu diệt lực lượng tà ác.

4 – “Tên tôi, tên anh, Việt Nam, Việt Nam”. Đây là câu khẩu hiệu mà người dân Kolkata đã hô vang trong cuộc biểu tình lịch sử năm 1970 để thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Trước đó, năm 1946, hàng ngàn sinh viên Kolkata đã xuống đường biểu tình, phản đối quân Anh, ủng hộ Việt Nam. Trong không khí hừng hực lúc bấy giờ, 2 sinh viên của Kolkata đã anh dũng hy sinh trước làn đạn của cảnh binh Anh. Người dân Kolkata đã gọi sự hy sinh này là “tình hữu nghị đỏ”, tình hữu nghị được ghi bằng máu giữa 2 dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.

Chúng tôi, những thế hệ 7X, chỉ biết về tình bạn gắn bó và thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Nehru của đất nước Ấn Độ, của sự ủng hộ Việt Nam bằng máu trong chiến tranh qua sách vở, nhưng khi đến Kolkata, mọi người không thể ngờ tình cảm của người dân nơi đây lại vẫn nồng nhiệt và thiết tha đến thế. Ở đâu các thành viên Việt Nam cũng được đón tiếp thật nồng hậu, được mọi người “tay bắt mặt mừng”, hỏi han đủ thứ. Tôi thực sự bất ngờ khi rất nhiều người Ấn Độ hiểu rất rành về Việt Nam. Đặc biệt là vị Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ Geetesh Sharma, người có tình yêu kỳ lạ với Việt Nam. Năm nay ông Sharma đã 78 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Nói về Việt Nam, ông có thể nói vanh vách về lịch sử, văn hóa, về các danh nhân Việt Nam và đặc biệt là về Bác Hồ. Trong gian phòng nhỏ chưa đầy 10m² của trụ sở ủy ban đã đón tiếp 58 đoàn cán bộ của Việt Nam ghé thăm và làm việc, trong đó có cả chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đã cảm động nói với ông Sharma: Khi tôi chưa được sinh ra, đã có những người bạn chí tình, chí nghĩa đã ủng hộ Việt Nam. Với những tình cảm này, xin cho tôi được gọi vị Chủ tịch Sharma là “Chú Sharma”. Còn với Thủ hiến bang Tây Bengal Buddhadev Bhattacharya, Việt Nam đã trở thành hai tiếng thân thương ngay từ khi ông còn là sinh viên, tham gia vào đoàn sinh viên phản chiến tại Kolkata, ủng hộ Việt Nam. Con gái của ông cũng đã nhiều lần đến tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam.

Kolkata không chỉ là TP kết nghĩa với TPHCM mà còn là nơi đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, nơi đầu tiên trên thế giới biểu tình phản đối cuộc chiến tại Việt Nam, nơi đầu tiên đặt tượng đài Bác Hồ… Bác Hồ trong suy nghĩ của người dân Ấn Độ không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà là một nhà lãnh đạo lỗi lạc của phong trào cộng sản thế giới. Xúc động và bất ngờ nhất, khi tôi bắt gặp con đường mang tên Hồ Chí Minh ngay giữa lòng một trong những TP sầm uất nhất Ấn Độ. Con đường khá thông thoáng và có một tấm phù điêu in chân dung Bác rất đẹp. Cuối đường là một công viên to đẹp, bên trong có một bức tượng bán thân Bác Hồ được dựng lên đầy trân trọng. Khó diễn tả hết được cảm xúc của những người con TP mang tên Bác được đặt hoa, nghiêng mình tưởng nhớ Bác ngay trên đất bạn! Chỉ tiếc rằng đoàn chúng tôi không đủ thời gian để đến thăm Kalihat, được xem là thủ phủ của Đảng Cộng sản Ấn Độ. Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đã đủ bởi “Ấn Độ và Việt Nam mãi mãi là những người bạn chí thiết của nhau” như tâm nguyện của ông Sharma và Thủ hiến bang Tây Bengal khẳng định.

Cảm xúc trong tôi cũng dâng lên mạnh mẽ khi vị Chủ tịch Sharma nhẹ nhàng trách: “Bốn năm qua, TPHCM đã không ghé thăm trụ sở của ủy ban. Hãy nhớ, trong căn phòng nhỏ này hàng ngày chúng tôi vẫn nhớ đến Việt Nam, nhớ đến TPHCM thắm thiết tình kết nghĩa!”

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục