Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đang tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh (9-2-1913 – 9-2-2013). Ngược dòng thời gian, PV Báo SGGP tìm về những dấu tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Kon Tum trong 100 năm qua, mà nay vẫn còn đang hiện hữu.
Nhà thờ Gỗ tọa lạc tại trung tâm TP Kon Tum, nơi được xem là di tích cổ và đẹp nhất của tỉnh Kon Tum, niềm tự hào của người dân vùng cực Bắc Tây Nguyên. Nhà thờ Gỗ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1913 (cũng là thời điểm tỉnh Kon Tum được thành lập). Mặc dù trải qua gần 100 năm tuổi đời nhưng Nhà thờ Gỗ Kon Tum vẫn giữ nguyên nét đẹp hài hòa giữa kiến trúc Roman và nhà sàn của người Ba Na. Đây là kiểu kiến trúc độc đáo, thể hiện sự giao thoa và sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng là di tích lịch sử Ngục Kon Tum, một di tích gắn chặt với truyền thống đấu tranh của người dân Kon Tum và sự hình thành phát triển của tỉnh Kon Tum. Nhà ngục được thực dân Pháp xây dựng năm 1930, là nơi giam giữ tù chính trị bị địch đưa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế về, đồng thời cũng là nơi cung cấp nhân công khai phá miền cao nguyên, mở đường 14.
Tại Ngục Kon Tum đã từng nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là các cuộc “đấu tranh lưu huyết” và “đấu tranh tuyệt thực” của những người tù chính trị vào tháng 12-1931. Đáng chú ý, trong thời điểm hiện nay, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) được du khách nhìn nhận là “Đà Lạt thứ hai” ở khu vực Tây Nguyên. Ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, Măng Đen có nhiệt độ trung bình 18°C - 20°C, có cảnh quan đẹp với nhiều hồ, thác, suối đá, rừng tự nhiên còn nguyên sơ, đặc biệt là hàng trăm biệt thự ẩn mình dưới rừng thông...
Đức Trung - Công Hoan