
Năm 2005, Công ty Sasaki Associates (Mỹ) đã làm việc cùng Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), Viện Quy hoạch TPHCM cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn tất một dự án đồ sộ. Đó là đồ án Cải thiện Quy hoạch tổng thể KĐTMTT năm 1996 và năm 1998 đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đồ án đã được chấp thuận, bán đảo Thủ Thiêm sẽ là khu vực mở rộng của trung tâm TP hiện hữu và là một không gian mở; là trung tâm thương mại, tài chính, công sở, nhà ở, văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí, nghiên cứu khoa học; đồng thời đảm nhận một số chức năng khác mà trung tâm TP hiện nay còn yếu và hạn chế. Đây có thể nói là một công trình trọng điểm của TPHCM trong thế kỷ 21 này.

Mô hình toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo thiết kế, khu trung tâm KĐTMTT có tổng dân số định cư là 130.000 người; tổng số lao động: 350.000 người/ngày; lượng khách vãng lai: 1 triệu người/ngày và có khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng.
Nhìn tổng thể đồ án thiết kế KĐTMTT của Công ty Sasaki (đoạt giải nhì, không có giải nhất cuộc thi thiết kế), KĐTMTT được thiết kế với nhiều loại hình cảnh quan khác nhau nhưng vẫn tôn vẻ đẹp mênh mang của vùng sông nước. Ví dụ như cảnh quan công viên mặt nước kết hợp với khu nhà ở.
Tại khu này, lòng hồ nằm giữa vùng lõi bán đảo sẽ được cải tạo, nuôi trồng thêm các loại thủy sản, cây cỏ thủy sinh. Xung quanh hồ là đường đi bộ, công viên và phía sau là khu nhà ở cao cấp; Cảnh quan châu thổ sẽ tái hiện một phần những hình ảnh đặc trưng nhất của vùng châu thổ sông Sài Gòn thời mới khai phá; Kênh đô thị, các tòa nhà thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa hai bên bờ sẽ soi bóng xuống lòng kênh và Công viên mặt nước đô thị, nằm ở phía Nam Thủ Thiêm, uốn lượn theo sông Sài Gòn, sẽ là nơi giải trí xanh mát, trong lành.
Nơi đây cũng sẽ có vườn bách thảo, công viên nước, viện nghiên cứu và trung tâm TDTT; Công viên hồ trung tâm với nhà bảo tàng văn hóa Nam bộ, tái hiện cảnh đi mở cõi, hòa quyện văn hóa Việt với các nền văn hóa Khmer, Chăm, Hoa. Là khu đô thị có thiết kế mở nên các mảng xanh và mặt nước tự nhiên sẽ được tận dụng tối đa, kể cả trồng mới, cải tạo để có một không gian sống yên lành, giảm thiểu nạn ô nhiễm bụi, tiếng ồn.
Các con đường và công trình xây dựng được coi là “linh hồn” của KĐTMTT cũng mang những tên gọi lãng mạn. Đại lộ thì có tên Vòng Cung, đường Châu Thổ; công viên thì mang tên Vầng Trăng. Về các vùng dân cư, KĐTMTT sẽ hình thành các khu chính: Khu trung tâm; Khu dân cư phía Bắc; Khu đa chức năng đại lộ Đông-Tây; Khu dân cư phía Đông và phía Nam… với các mục tiêu chức năng rõ rệt. Khu trung tâm có thể nói là “trái tim” của KĐTMTT, đây là nơi tập trung các tháp văn phòng thương mại, tài chính quốc tế với các quảng trường công cộng rộng lớn như quảng trường trung tâm và công viên Vòng cung.
Những nét nổi bật ở đây là TT du khách, TT Hội nghị rộng 50.000m2 nằm trên diện tích có thể mở rộng đến 20ha, sân vận động ngoài trời có sức chứa 17.000 người, tháp truyền hình cao 300m… cùng nhiều công trình giải trí, văn hóa khác. Ở khu này, chiều cao công trình tối đa là 40 tầng. Khu dân cư phía Bắc sẽ có 3 con kênh đô thị trao đổi nước tự nhiên với sông Sài Gòn, có quy hoạch cho 50.000 người sinh sống. Ở đây có khu giải trí thư giãn với một công viên rộng 120m, dài 1,8km chạy dọc sông Sài Gòn. Độ cao xây dựng dao động từ 10 đến 32 tầng. Khu đa chức năng đại lộ Đông-Tây là khu “trí thức” nhất trong tương lai với Viện bảo tàng văn hóa Nam bộ ở hướng Tây và Viện nghiên cứu y khoa ở hướng Đông. Khu này quy hoạch cho 25.000 người sống và làm việc, độ cao xây dựng dao động từ 3 đến 16 tầng.
Khu dân cư phía Đông được quy hoạch cho 15.000 người sinh sống, có độ cao xây dựng từ 4 đến 12 tầng. Ở đây có khu trường học, công viên trung tâm sinh hoạt cộng đồng và một khách sạn nghỉ dưỡng trên một đảo nhỏ. Khu dân cư phía Nam được thiết kế là một khu châu thổ sông nước, rừng tràm. Điểm nhấn của khu này là các khách sạn, công viên nước và Viện nghiên cứu châu thổ. Các công trình trọng điểm được đánh giá là một “khung xương” của KĐTMTT đều nằm trải đều ở các khu dân cư vừa nêu trên. Đó là các công trình Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế; Quảng trường trung tâm rộng 20ha được giới hạn bởi khu tài chính-văn phòng, hồ trung tâm và sông Sài Gòn; Tháp quan sát nằm ở phía Nam đại lộ Đông-Tây, nằm trên diện tích 0,8ha (nằm ở đỉnh tháp truyền hình) từ trên độ cao 300m, rất đắc địa để quan sát, ngắm toàn bộ cảnh quan TPHCM; Khu liên hợp thể thao gồm sân vận động, nhà thi đấu và hệ thống hồ bơi tiêu chuẩn quốc tế, có tổng diện tích 11ha; Công viên Vầng trăng giáp sông Sài Gòn cũng sẽ là khu tài chính-văn phòng có độ dài xây dựng là 2km và rộng 80m.
Đại lộ Đông-Tây và hầm Thủ Thiêm, khi hoàn thành sẽ nối Thủ Thiêm với quận 1, quận 5 và đồng bằng sông Cửu Long về phía Tây; nối với quốc lộ 1A đi Long Thành về phía Đông. Ngoài cầu Thủ Thiêm nối với quận Bình Thạnh đang gấp rút thi công để kịp thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay, các cây cầu khác nối KĐTMTT như cầu Ba Son nối Thủ Thiêm với quận 1 ở đường Tôn Đức Thắng, cầu nối Thủ Thiêm với quận 4, cầu nối với quận 7 cũng đã được lên kế hoạch xây dựng. Ngoài ra, trong tương lai Thủ Thiêm, sẽ có 3 tuyến metro nối với các khu trung tâm của đô thị ở công viên trung tâm, hồ trung tâm và Viện nghiên cứu y khoa. Bên cạnh đó, hàng ngày để thu hút 1 triệu khách vãng lai đến KĐTMTT, một bến taxi thủy 10 chiếc sẽ hình thành để đưa đón khách. Sau khi “nối mạng” với KĐTMTT, TPHCM sẽ có quy mô 10 triệu dân nhưng chắc chắn áp lực dân cư khu nội đô hiện nay sẽ giảm đi đáng kể, đó là nhờ một “phố Đông” xanh, sạch, hiện đại lung linh và huyền ảo bên bờ sông Sài Gòn, trong tương lai.
3 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 (từ năm 2007 đến 2010) với diện tích phát triển là 375ha, hoàn thành cơ bản 50% hạ tầng khu đô thị gồm các tuyến đường chính, hạ tầng dân sinh, xây dựng các khu tái định cư, trường học, các trung tâm triển lãm, các đầu mối giao thông, khu thương mại đa năng; đầu tư 150 triệu USD. Giai đoạn 2 (từ năm 2011 đến 2015), tiếp tục xây dựng các hạ tầng kết nối và hạ tầng cơ bản, hoàn thành việc đắp nền, chuẩn bị mặt bằng bàn giao toàn bộ cho Thủ Thiêm. Xây dựng các tuyến đường kết nối vùng, đường chính nội vùng, cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2, cầu bộ hành, đường vành đai qua khu dân cư, cầu qua kênh rạch. Giai đoạn 3 (từ năm 2016 đến 2020), hình thành các khu dân cư bờ sông, khu căn hộ cao cấp, khu phức hợp thể thao, quảng trường sân khấu và hoàn chỉnh các công trình còn lại. |
QUỐC ĐỊNH - TẤN VIỆT