Ký kết Hiệp định EVFTA và EVPA: “Chúng ta mới chỉ bắt đầu cuộc đua chứ không phải bắt đầu bữa tiệc“

Chiều 20-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng "Nếu không chuẩn bị kỹ càng, rất có thể tiệc thì người khác ăn, mà nợ thì chúng ta gánh". Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng "Nếu không chuẩn bị kỹ càng, rất có thể tiệc thì người khác ăn, mà nợ thì chúng ta gánh". Ảnh: VIỆT DŨNG

Bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra về các hiệp định này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA và EVIPA sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích.

“Các dòng thuế về 0% sẽ tạo cơ hội cho hàng hoá Việt Nam vào châu Âu nhiều hơn, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận hàng hoá châu Âu với giá cả phải chăng, chất lượng tốt. Ký kết sớm cũng sẽ thu hút được dòng đầu tư nước ngoài có chất lượng từ châu Âu”, ĐB Trần Hoàng Ngân bình luận.

Ký kết Hiệp định EVFTA và EVPA: “Chúng ta mới chỉ bắt đầu cuộc đua chứ không phải bắt đầu bữa tiệc“ ảnh 1 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để các hiệp định phát huy hiệu quả, đại biểu nêu ra 4 khuyến nghị, trong đó có việc “phiên dịch” hiệp định (với ngôn ngữ lập pháp quốc tế chặt chẽ) thành ngôn ngữ dễ hiểu, dễ thực hiện đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về yêu cầu hoàn thiện văn bản pháp luật với một lộ trình cụ thể.

Trong khi cũng công nhận những lợi ích rõ ràng của việc phê chuẩn các hiệp định, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) bày tỏ mối quan tâm đến nhiệm vụ phát triển nội lực, từ lực lượng lao động, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng… nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: quốc gia, thị trường, doanh nghiệp. “Phải có một kế hoạch tổng thể quốc gia để triển khai thực thi các hiệp định”, ông Sơn nhấn mạnh.

Sử dụng một hình ảnh rất dễ nhớ, ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Theo nhận thức của tôi thì ngay cả khi các hiệp định này có hiệu lực, chúng ta mới chỉ bắt đầu cuộc đua chứ không phải bắt đầu bữa tiệc. Nếu không chuẩn bị kỹ càng, rất có thể tiệc thì người khác ăn, mà nợ thì chúng ta gánh. Chúng ta phải rút được kinh nghiệm từ hội nhập 20 năm qua để chuyển mạnh sang kinh tế số; đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như đại dịch Covid-19”... Do đó, theo ông, trước mắt còn nhiều rất việc phải làm, cả đối nội lẫn đối ngoại.

Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận xét, kế hoạch của Chính phủ nhằm triển khai thực thi các hiệp định “mới chỉ tạo ra sân chơi hấp dẫn cho người chơi đủ năng lực”, mà còn chưa có kế hoạch để bồi bổ thêm năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào sân chơi. Bài học dễ thấy là sau khi ký Hiệp định CPTPP, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang các nước thành viên Hiệp định không tăng trưởng như mong muốn, chỉ tăng 7,4%, trong khi xuất khẩu chung tăng 8,5%. “Cần đánh giá lại ta xem phải làm gì để đạt được tiêu chuẩn của EU; phấn đấu để tự tạo cho mình tấm vé vào sân chơi”.

Tin cùng chuyên mục