
Ngày 27-6, đông đảo bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình cùng các sinh viên, bà con Việt kiều tại Thụy Sĩ đã tụ họp tại khu vực quảng trường Liên hiệp quốc tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ, cùng tham gia diễu hành, ký kháng thư phản đối Trung Quốc thay đổi nguyên trạng biển Đông.

Việt kiều cùng bạn bè quốc tế diễu hành tại quảng trường Liên hiệp quốc ở Geneve, phản đối Trung Quốc.
Không thể chấp nhận
Đại diện cho giới trẻ, anh Lưu Vĩnh Toàn, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ, đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến các cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu đời của Việt Nam. Các hoạt động của Trung Quốc xây dựng, bồi lấp làm thay đổi nguyên trạng các quần thể đảo ở Trường Sa trên biển Đông là điều nhân dân Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận.
Bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam nêu rõ: “Các nước trên thế giới cần hiểu rõ bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; bên cạnh việc cần ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, cũng cần lên tiếng vì hòa bình và công lý, vì một thế giới không có chiến tranh”. Bà Bea Camara, đang sinh sống tại thành phố Zurich, cho biết, bà đã đi hơn 300km đến Geneve để thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Bà cảm thấy lo ngại trước các hành vi của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền phi lý ở biển Đông.
Đối thoại Ấn - Mỹ - Nhật về an ninh hàng hải ở biển Đông
Không chỉ những người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Thụy Sĩ, mà tất cả mọi người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên thế giới cùng lên tiếng phản đối những hành động xây dựng, bồi lấp làm thay đổi nguyên trạng các đảo tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Họ đã bày tỏ bất bình trước việc Trung Quốc không tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tiếp tục các hành động xâm lấn biển Đông, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cũng chưa thực lòng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); bày tỏ lo ngại sau khi hoàn tất việc cải tạo trái phép tại Trường Sa, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tuyên bố vùng nhận diện phòng không tại biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông.
Những người tham gia diễu hành cùng ký kháng thư đề nghị Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, các tổ chức quốc tế có trách nhiệm lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc và có hình thức can thiệp cần thiết để giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không của các nước tại khu vực biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28-6 đã thông báo cho biết, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành cuộc đối thoại 3 bên lần thứ 7 tại Hawaii để thảo luận về hợp tác 3 bên nhằm đảm bảo an ninh hàng hải đồng thời trao đổi về những động thái bất ổn ngày một gia tăng của Trung Quốc tại biển Đông. Trước đó, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken lên án Trung Quốc đe dọa đến hòa bình và ổn định bằng việc cải tạo quy mô lớn trên biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động này: “Yêu cầu trước mắt đối với Trung Quốc là chấm dứt những hoạt động cải tạo và giải quyết sự khác biệt theo quy định của luật pháp”.
VIỆT ANH (tổng hợp)