Kỷ niệm 51 năm Ngày ký hiệp định Paris (27-1-1973 - 27-1-2024): 823 ngày đêm không thể quên

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, cuộc sống mỗi người trải qua nhiều biến động, nhưng khi nhắc 823 ngày đêm của trận địa đặc biệt - đấu tranh để thi hành và bảo vệ Hiệp định Paris (HĐ), các chứng nhân vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

3c-3579.jpg
Cán bộ chiến sĩ Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cắm cờ đón chào quân giải phóng Ảnh: Tư liệu

Mặt trận không tiếng súng

Kể lại cuộc nhận lệnh ngắn ngủi đưa mình đến với Trại Davis, ở tuổi 90, ông Trần Trung Đệ không giấu sự bồi hồi. Đó là một ngày đầu tháng 1-1973, ông đang dùng bữa cơm trưa ở đơn vị (Trường Sĩ quan Không quân) thì hai cán bộ xuất hiện, nói: “Tổ chức muốn cử anh vào miền Nam”.

Là cán bộ tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Genève 1954, trở về Nam chiến đấu là khát khao trong suốt gần 20 năm, ông Đệ không cần suy nghĩ: “Tôi đi ngay lúc này cũng được”. Ông được đưa vào Lộc Ninh cùng với nhiều cán bộ. Một tháng sau, ông tham gia Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến TrạiDavis bằng trực thăng của Mỹ.

Trại Davis - địa điểm nằm trong Khu căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất, được Việt Nam Cộng hòa chọn làm trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, sau đó là 2 bên. “Ngay từ cổng vào trại của hai phái đoàn chúng ta (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), địch bố trí một trạm gác và 13 tháp canh với 13 nòng đại liên chĩa thẳng vào trại. Chính ủy đoàn lúc đó nói, từ các tháp canh, họ có thể bắn vào từng đầu giường của ta với đủ loại súng ống. Còn quanh trại là hàng rào kẽm gai và hào sâu chạy dọc...”, ông Đệ nhớ như in.

Những bày dựng này đều nằm trong kế hoạch chống phá việc triển khai HĐ của địch. Theo ông Ngô Minh Dũng (Ban Lễ tân Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), ngay từ ngày đầu tiên HĐ có hiệu lực thi hành, Việt Nam Cộng hòa đã cố tình phá hoại. “Chuyến bay đầu tiên đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam theo kế hoạch là ngày 28-1-1973, từ Sân bay Thiện Ngôn. Nhưng ta nhận được tình báo phải đề phòng; và đúng như mật báo, đến giờ hẹn, từ hai chiếc phi cơ, địch thả xuống mấy loạt bom xối xả”, ông Dũng nhớ lại.

Cho đến giờ, ông vẫn chưa quên cuộc chạm mặt với Chuẩn tướng Phan Hồng Hiệp, Trưởng đoàn Việt Nam Cộng hòa.

Lúc đó, ông Dũng đang làm nhiệm vụ canh gác thì bất ngờ, vị chuẩn tướng chạy đến ôm vai, hồ hởi: “Ồ, hôm trước tôi đã gặp ông ở Hà Nội thì phải! Ông có còn nhớ không?”.

“Tôi là người miền Nam, chưa từng gặp ông”, ông Dũng trả lời.

“Là người Nam, sao ông nói giọng Bắc?”.

Ông Dũng vững vàng: “Cha mẹ tôi là người Bắc, vào Nam làm cao su và sinh tôi ở trong này”.

Theo ông Dũng, cố tìm ra cán bộ được đưa từ miền Bắc tham gia Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là “chiêu trò” thường xuyên của địch trong từng cơ hội giao tiếp.

Họ không ngừng dùng mọi cách gây áp lực, bên cạnh các thủ đoạn cúp điện, cắt nước. Trong nhiệm vụ công khai của một sĩ quan liên lạc, thường xuyên tiếp xúc phía bên kia chiến tuyến, ông Đinh Quốc Kỳ (sĩ quan liên lạc Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) nhiều lần “bị” mời vào nội thành Sài Gòn tận hưởng các thú vui hay sự dẫn dụ ở phía họ.

“Ta phải giữ được tình hình và khéo léo giải quyết bằng mọi giá bởi có thể bẫy này vừa thoát, bẫy khác liền đến”, ông Kỳ khẳng định.

Ông Trần Trung Đệ kể thêm, địch còn dựng chuyện vu khống để tố cáo ta vi phạm các điều khoản HĐ. Có lần, địch đề nghị Ủy ban Quốc tế - phái đoàn quốc tế vào Sài Gòn giám sát việc thi hành HĐ, làm rõ việc quân ta bắn pháo vào một trường học ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Từ Trại Davis, Đại tá Hà Cân (Tiểu ban Quân sự) cùng đại diện các bên xuống thẳng hiện trường. Qua xem xét, Đại tá Hà Cân bình tĩnh phân tích những mảnh vỡ vỏ pháo cho thấy đây là loại pháo gì, kích cỡ ra sao, khi được phóng thì bay bao xa, đường bụi lúc rơi xuống và sức phá hủy thế nào, để từ đó xác định hướng và nơi pháo được bắn đi… Ta sẵn sàng thực nghiệm để chứng minh quả pháo không bắn đi từ vùng giải phóng nhưng địch không dám tiếp tục, và Ủy ban Quốc tế đãcó được kết luận.

“Cánh quân” giữa lòng địch

Song song những cuộc đấu trí, đấu tranh liên tục với các chiêu trò phá hoại của địch, hai phái đoàn ta đảm bảo việc thực thi HĐ, mà quan trọng nhất là Mỹ cùng chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, đồng thời diễn ra những cuộc trao trả các nhân viên quân sự bị bắt. Mỹ rút, nhưng giấc mộng “Việt Nam hóa chiến tranh” chưa tan. Chiến sự ngày càng lan rộng với sự yểm trợ của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 10-3-1975, chiến thắng Buôn Ma Thuột mở ra bước ngoặt lớn cho quân đội ta. Ngày 8-4, quân ta ném bom Dinh Độc Lập, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ông Đệ nhớ lại, lúc này, lữ đoàn đặc công được giao mở đường máu đưa cán bộ Trại Davis ra ngoài.

“Tôi nằm trong số 12 người dưới sự chỉ huy của một trung tá nhận nhiệm vụ ở lại để đón quân giải phóng, đồng thời chốt giữ cứ điểm, nhưng sau đó, 300 cán bộ của hai phái đoàn quyết tâm ở lại chiến đấu”, ông Đệ xúc động.

Đến ngày 18-4, các thành viên Trại Davis nhận lệnh đào hầm.

Theo ông Đỗ Chí Giang (thư ký văn phòng Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), một tài liệu tìm thấy được đã cho thấy, Việt Nam Cộng hòa lên kế hoạch xóa sổ Trại Davis trong giai đoạn này. Ông nhận định: “Cuộc kháng chiến của ta thần tốc và bất ngờ đến mức địch không kịp thực hiện kế hoạch. Chúng tôi đều trên tinh thần sẵn sàng bước vào trận chiến để bảo vệ bằng được thành quả đấu tranh của cách mạng”.

Trưa ngày 28-4, hai phái đoàn được lệnh xuống hầm. 17 giờ cùng ngày, mặt đất rung chuyển, thanh âm sàn sạt của mảnh bom lướt trên Trại Davis. Phi công Nguyễn Thành Trung vừa dẫn đầu tốp máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhận được thông tin lo lắng an toàn của lực lượng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn dứt khoát hồi âm: “Chúng tôi an toàn, các đồng chí cứ làm nhiệm vụ”.

Ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh phát lệnh đầu hàng qua sóng phát thanh. Theo lệnh của Trưởng đoàn, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm trên tháp nước - vị trí cao nhất trong Trại Davis - để đón chào quân giải phóng.

“Từ tối 28-4, doanh trại lính dù đối diện đã nháo nhác, vội vã rời đi...”, ông Đệ kể.

12-2-1973 - chuyến trao trả tù binh đầu tiên

Giữa cuộc trò chuyện say sưa với chúng tôi, ông Đinh Quốc Kỳ (Tiểu ban Trao trả tù binh) xúc động kể lại sự kiện trao trả tù binh. Chiều 12-2-1973, chứng kiến đợt trao trả tù binh của hai phía tại sân bay Lộc Ninh, ông Kỳ rưng rưng khi nhìn thấy các chiến sĩ ta dù gầy yếu, có người khó nhọc lê từng bước nhưng gương mặt ai nấy rất kiên cường. Có chiến sĩ không biết bằng cách nào đã giấu lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong ngần ấy thời gian bị giam giữ, tra tấn, để giương cao ngay trong lúc này...

Theo Nghị định thư về trao trả và thỏa thuận đạt được từ phiên họp đầu tiên của Ban Liên hợp quân sự 4 bên tại Trại Davis, ngày 12-2-1973, các bên sẽ thực hiện đợt trao trả đầu tiên lúc 8 giờ: ta trả cho Mỹ 116 tù binh tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và 27 tù binh tại sân bay Lộc Ninh; ta nhận lại 935 chiến sĩ tại Lộc Ninh và Quảng Trị.

Trước đó, một sự cố đã xảy ra. Phía Việt Nam Cộng hòa gọi điện cho ta, thông báo: “Giám đốc Trại giam Tam Hiệp của chúng tôi báo là hơn 900 tù binh phía quý vị không chịu đi trao trả ngày mai”. Hơn 11 giờ ngày 12-2, đoàn đại biểu của ta do Trung tá Vũ Bình dẫn đầu đã vào đến Trại giam Tam Hiệp. Tại đây, Trung tá Vũ Bình chất vấn: “Tất cả anh em của chúng tôi bị giam giữ ở đây đã được nghe phổ biến Nghị định thư trao trả chưa? 935 anh em của chúng tôi được nghe về cuộc trao trả hôm nay như thế nào?”.

Được đáp việc phổ biến này diễn ra từ tối hôm trước, Trung tá Vũ Bình nói lớn: “Ngày 11-2-1973 các ông mới nói đến việc trao trả cho người của chúng tôi ở nhà lao này. Điều 13 Nghị định thư về trao trả có nêu trong vòng 5 ngày sau khi ký HĐ, các bên phải thông báo đầy đủ Nghị định thư trao trả cho tất cả những người bị bắt của mỗi bên mà mình đang giam giữ. Ngày 27-1-1973, văn bản HĐ đã ký, đến hôm nay là 16 ngày rồi. Hôm qua các ông mới nói với anh em chúng tôi về việc trao trả, như vậy các ông đã vi phạm HĐ”.

Vị trung tá tiếp tục yêu cầu sẽ tự mình phổ biến Nghị định thư cho 935 chiến sĩ cách mạng, dõng dạc: “Hôm nay nếu tôi không gặp được họ thì sẽ không có cuộc trao trả nào ngày hôm nay, kể cả 27 quân nhân Mỹ ở Lộc Ninh”. Lo lắng gặp rắc rối, địch nhanh chóng đồng ý. Lát sau, từ phía xa, hơn chục người gầy yếu, áo quần tả tơi, bước đi chậm chạp đến gần. Cán bộ ta chìa tay bắt nhưng bị họ khước từ. Trung tá Vũ Bình chậm rãi giới thiệu và nhắc sơ nguyên nhân sự kiện đang diễn ra. Các chiến sĩ trả lời không ai phổ biến Nghị định thư trao trả và thông tin HĐ nắm được là do loáng thoáng nghe từ các sĩ quan của trại giam. “Tôi rất xúc động và đồng cảm với các đồng chí đã yêu cầu gặp phái đoàn ta”, Trung tá Vũ Bình nhận định đây là sự cảnh giác cầnthiết và là sự vững vàng, kiên cường, tỉnh táo của chiến sĩ ta.

Tin cùng chuyên mục