Kỷ niệm với đạo diễn Châu Huế

Kỷ niệm với đạo diễn Châu Huế

Đạo diễn điện ảnh Châu Huế (ảnh) vừa qua đời ngày 4-3-2016 thọ 74 tuổi. Ông là đạo diễn của nhiều bộ phim được khán giả yêu thích như: Những nẻo đường phù sa, Hướng nghiệp, Cô thư ký xinh đẹp, Chúa tàu Kim Quy, Chuyện tình bên dòng kênh Xáng, Ký túc xá… Ông ra đi khi vẫn còn tâm huyết với nhiều dự án điện ảnh dang dở…

Năm 1983, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, Giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh), dẫn một người lạ mặt nói giọng miền Trung đến nhà tôi, giới thiệu là đạo diễn Châu Huế, muốn trao đổi với tôi về kịch bản. Đó là lần đầu tiên, tôi biết mặt đạo diễn của bộ phim Cha con người lính, một bộ phim hay, nội dung khá táo bạo, khiến anh em trong giới điện ảnh chú ý đến một đạo diễn trẻ có tài.

Châu Huế nhờ tôi viết kịch bản để thay thế cho bộ phim của anh đang tạm dừng sản xuất. Đó là bộ phim Bí mật thành phố cấm về đề tài chiến tranh, kịch bản phim dựa trên phóng sự của một nhà báo Mỹ, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin duyệt và cấp kinh phí sản xuất. Châu Huế đã đưa đoàn làm phim từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh gần hai tháng, vừa tập diễn xuất, vừa chọn dựng bối cảnh… Nhưng rồi bộ phim phải ngưng vì có nội dung tốt nhưng chưa đúng thời điểm.

Châu Huế tâm sự, mất bao nhiêu công chuẩn bị, chỉ còn chờ ngày bấm máy, nhìn tình cảnh cả đoàn làm phim đã từ Hà Nội vào đây tôi thấy mình như có lỗi với anh em. Và Châu Huế yêu cầu tôi phải có kịch bản trong vòng một tuần, vì sau một tuần chưa có kịch bản, đoàn làm phim hết tiền sinh hoạt, buộc phải lên đường ra Hà Nội. Vai chính trong kịch bản mới phải có đất diễn cho các diễn viên chính như Trọng Khôi, Thu Hiền… Hai yêu cầu trên đều là nỗi “kinh hoàng” với bất cứ nhà biên kịch nào, nhưng vẫn chưa khó bằng, dù kịch bản mới đáp ứng đúng theo yêu cầu của Châu Huế, thì vẫn phải đưa ra Cục Điện ảnh để duyệt. Cục Điện ảnh đọc nhanh nhất là 3 tháng, nhưng theo thông lệ, không kịch bản nào không bị cục yêu cầu cắt sửa ít nhất một lần. Sửa xong, có được dấu duyệt thì việc sản xuất phim phải hàng năm. Không được duyệt đã bấm máy là trái phép, hãng phim và đạo diễn bị kỷ luật, nặng hơn là làm bộ phim thất bại, chiếu ra rạp chẳng ma nào xem.

Bộ phim Tình ngoài, sự hợp tác đầu tiên giữa đạo diễn Châu Huế với tôi được ra đời trong hoàn cảnh ấy, khi phim đóng máy mới là lúc hãng phim nhận được giấy phép sản xuất và không có một lời yêu cầu sửa chữa của Cục Điện ảnh, nên “tội” vượt rào coi như thoát. Bộ phim Tình ngoài chiếu ra rạp không những có lời về doanh thu mà còn được giải thưởng của liên hoan phim.

Từ ngày ấy đến nay đã hơn 30 năm, chúng tôi hợp tác với nhau “trên từng cây số” với hàng chục bộ phim truyền hình đủ loại đề tài, mà đỉnh điểm là bộ phim dài nhiều tập Hướng nghiệp (70 tập). Nói đến Châu Huế, chắc chắn sẽ có nhiều người thống kê những tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình thuộc tốp hàng đầu Việt Nam về số lượng và chất lượng. Tôi là một trong số tác giả có khá nhiều kịch bản hợp tác với anh như: Hạnh phúc đắng cay, Vĩnh biệt đàn bà, Yêu đương nên ở tuổi nào, Tình sử cotylua, Trọn kiếp lênh đênh, Hải đường trắng (phim điện ảnh); Chuyện tình bên dòng kinh Xáng, Cô thư ký xinh đẹp, Hướng nghiệp… (phim truyền hình).

Một cảnh trong phim Hướng nghiệp

Tôi chỉ nói về Châu Huế ở khía cạnh của con người làm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật điện ảnh, loại nghệ thuật mà càng thành công, hoặc thuận lợi, danh tiếng và tiền tài càng có sức cuốn hút mãnh liệt, nhưng anh dường như không bận tâm. Phải nghỉ làm phim thì anh bứt rứt mất ăn mất ngủ, nhưng anh không hề có giải thưởng này nọ, không được tôn vinh danh hiệu kia, mà anh có thừa xứng đáng. Đôi khi có người nhắc đến chuyện này, anh chỉ cười.

Điều nữa, tôi muốn nói về Châu Huế là tình người. Với số lượng tác phẩm phim điện ảnh và truyền hình đáng nể trong gần 40  năm làm nghề, số đồng nghiệp hợp tác, đặc biệt số diễn viên trong Nam, ngoài Bắc đến hàng ngàn, từ thế hệ đầu của điện ảnh Việt Nam, đến thế hệ 9X hiện nay, nói đến Châu Huế, bất cứ ai cũng nói đến tình nghĩa, vì dường như  với anh, mỗi đoàn làm phim đều là một gia đình lớn.

Những năm sau này, Châu Huế và tôi  cùng chuyển về ở quận Gò Vấp,  nhưng nghiệp làm phim truyền hình nuốt liên miên thời gian, nên  dù ở gần, chúng tôi cũng ít  gặp nhau. Tuy nhiên, khát vọng muốn làm những bộ phim điện ảnh tử tế chiếu ra rạp đông khán giả như  thời anh với tôi từng hợp tác, vẫn dẫn anh đến nhà tôi. Hai anh em thường ngồi trao đổi hàng buổi về đề tài, về cốt truyện, về thị hiếu khán giả, tình hình phát hành và kết thúc là thường an ủi nhau cùng kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Nên việc anh ra đi đột ngột với một khát vọng tâm huyết không toại nguyện, khiến tôi như mang món nợ không bao giờ trả được với anh. Châu Huế ơi! Hãy thứ lỗi cho tôi nhé.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Kỷ niệm với đạo diễn Châu Huế ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục