Kỳ!

“Lãnh đạo không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo”, câu nói mang tính kinh điển này trong công tác lãnh đạo hầu như cán bộ, đảng viên nào cũng thuộc khi học các bài chính trị. Nhưng trong thực tế, có những trường hợp bổ nhiệm, đề bạt, phân công cán bộ vô hình trung…vô hiệu hóa vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, đoàn thể.

Chẳng là mấy hôm rồi, nghe một cán bộ ở quận G. nói bóng gió rằng, từ hơn 1 tháng qua, đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận được kiêm nhiệm chức… Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, vậy thì làm sao Mặt trận Tổ quốc thực hiện chức năng giám sát chính quyền được nữa? Lại có trường hợp, đồng chí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của Đảng ủy tổng công ty Đ. được kiêm chức chủ tịch hội đồng quản trị một công ty cổ phần thành viên! Hay như gần đây có tin, đồng chí kế toán trưởng một doanh nghiệp Nhà nước của TP được Đảng ủy doanh nghiệp này giao nhiệm vụ giữ chức chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (!?).

Đáng lẽ, kế toán tài chính là lĩnh vực cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không phát sinh tham nhũng, tiêu cực thì nay đã có đồng chí chủ nhiệm kiểm tra “đỡ” cho… mình rồi! Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi đồng chí lãnh đạo ủy ban kiểm tra cấp trên thì nhận được câu trả lời: “Đối chiếu với luật pháp và những quy định của Đảng, không thấy có quy định nào cấm cả nhưng nếu Đảng ủy giao cho đồng chí kế toán trưởng làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thì… kỳ quá!”.

Có thể không có quy định nào cấm, nhưng những kiểu bố trí cán bộ hơi “kỳ” này đôi khi gây trở ngại cho công việc, nhất là những công việc có liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục