
Một ngày cuối tháng 4-2009, chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng sống, những công dân của đảo Hoàng Sa. Tuổi đã cao, mắt mờ, chân run, nhưng ai cũng nhớ như in những kỷ niệm về Hoàng Sa.

ông Nguyễn Tấn Phát và ông Võ Như Dân ôn lại những kỷ niệm thời làm việc trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: LỤC NGẠN
Chúng tôi về thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) để tìm ông Trần Huynh (82 tuổi), nhân viên trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa (thuộc Ty Khí tượng Đà Nẵng những năm 1964 – 1968) nhưng ông đã đi làm đồng.
Con gái ông vui vẻ chạy nhanh ra đồng chở cha về. Mặc dù đã 82 tuổi nhưng ông còn khỏe mạnh và khá minh mẫn. Vừa nghe chúng tôi hỏi chuyện về Hoàng Sa, ông nói ngay, giọng đanh thép: “Hoàng Sa là của Việt Nam chúng ta, không thể khác được!”.
Năm 1964, ông được Ty Khí tượng Đà Nẵng nhận làm nhân viên Trạm quan trắc khí tượng tại đảo Hoàng Sa. Ngay sau đó, ông lên đường đi Hoàng Sa với thời hạn 3 tháng. Lúc ấy, ông đã có vợ và một cô con gái.
Từ biệt vợ trẻ, con thơ, ông ra cảng Giếng Bộng (nay khu vực này nằm đối diện Viện Cổ Chàm, TP Đà Nẵng) lên tàu ra Hoàng Sa. Những ngày ở Hoàng Sa, công việc chính của ông là làm anh nuôi và thả bóng thám không.
Ông Huynh nhớ lại, ngày ấy trên đảo có 5 cán bộ quan trắc khí tượng, 3 người ở Sài Gòn ra, 2 người từ Đà Nẵng, trong đó có ông. Ngày ngày, cứ vào 6 giờ sáng và 15 giờ chiều, ông Huỳnh thả một quả bóng thám không to bằng cái nong phơi lúa lên trời rồi quay vào lo nấu ăn cho các kỹ sư khí tượng. Thời gian còn lại, ông lang thang khắp đảo để khám phá thiên nhiên nơi đây. Hàng ngày, ông thường đi câu cá, vào nhà thờ công giáo và vào miếu Bà thắp hương.
Hoàng Sa thời đó cá nhiều vô kể. Chỉ cần một cái cần câu, trong một giờ đồng hồ, ông có thể mang về cả chục con cá mú để cải thiện bữa ăn. Ngoài ra, ông còn gieo cải, trồng ớt và nuôi heo để cải thiện bữa ăn cho mọi người.
Còn đối với ông Võ Như Dân (trú tại đường Hoàng Diệu, TP Đà Nẵng) và ông Nguyễn Tất Phát (trú tại đường Hùng Vương, TP Đà Nẵng), ký ức về Hoàng Sa vẫn còn in đậm trong tâm trí. Lúc rảnh rỗi, ông Phát thường sang nhà ông Dân để ôn lại kỷ niệm những năm tháng ở Hoàng Sa.
Năm 1953, khi đứa con đầu mới tròn 1 tuổi, ông Dân từ biệt gia đình ra đảo thay cho người anh cô cậu là ông Phạm Miễn, nay đã mất, về đất liền. Người còn lại trong tổ phục vụ là ông Nguyễn Tấn Yên, quê ở Huế, nay cũng đã mất.
Nhiều năm làm anh nuôi, ông Dân nghĩ ra nhiều món “độc”. Lần theo ổ vích đẻ, ông Dân đào lấy trứng, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ trứng vích ngâm với đường thành món đặc sản “chè trứng vích”.
Không những thế, vì mỗi chuyến hàng từ đất liền ra với cả tấn lương thực trong khi chỉ có 5 người, việc vận chuyển mất nhiều công sức. Ông Dân nghĩ ra “chiêu” dùng mai con vích để làm phương tiện vận chuyển hàng từ tàu vào đài quan trắc, rất thuận tiện.
Tháng 3 năm 1958, chàng trai 25 tuổi Nguyễn Tấn Phát háo hức ra đảo, mặc dù nhiệm kỳ quan trắc viên khí tượng chỉ có 3 tháng, nhưng anh xin ở thêm 1 nhiệm kỳ nữa để thỏa sức khám phá Hoàng Sa. 3 quan trắc viên tự phân công mỗi người trực một ngày, sau đó được nghỉ trọn vẹn 2 ngày mới đến lần trực kế tiếp.
Đều đặn 8 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 3 giờ, anh Phát đọc khí áp mặt đất, hướng gió, sau đó chuyển cho nhân viên vô tuyến điện thảo mã điện và gửi về đất liền. Ngày ấy, Hoàng Sa có vị trí quan trọng trong công tác dự báo thời tiết, số liệu trên đảo gửi về thường rất chính xác đối với công tác dự báo bão.
Theo ông Dân, mùa hè ở Hoàng Sa rất đẹp nhưng mùa mưa bão lại rất khắc nghiệt. Mùa mưa bão tại Hoàng Sa, suốt nhiều tháng trời, cả đơn vị phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực khi tàu tiếp tế mắc kẹt gió to, sóng lớn không đến kịp.
Mùa bão cũng không thể ra ngoài câu cá, có năm đàn chim trú bão bay vào trạm quan trắc, ông Dân cùng đồng nghiệp bắt làm thịt, cải thiện bữa ăn. Những ngày nghỉ, ông cũng dành thời gian đi khắp đảo. Kỷ vật còn lại ở Hoàng Sa của ông Dân là một vỏ ốc tai tượng rất đẹp.
Ông Dân cho biết, mỗi lần trước khi về đất liền, ông đã bắt những con ốc tai tượng, chôn xuống cát đến khi thối rữa thì nạo ruột ra. Ông cho biết, làm như thế vỏ ốc sẽ có lớp vân sáng và rất đẹp, còn nếu luộc theo kiểu thông thường, theo thời gian vỏ ốc sẽ ngả màu đen xỉn, rất xấu.
Hoàng Sa trong ký ức những người đã từng gắn bó một thời, những nhân chứng hiện còn sinh sống tại TP Đà Nẵng mà chúng tôi có may mắn được gặp gỡ, chuyện trò rất đẹp và thơ mộng.
Hoàng Sa mãi mãi là của nhân dân Việt Nam, không gì có thể thay đổi được điều đó. Mãi mãi và mãi mãi!
Ng.Khôi – L.Ngạn