"Gia đình nào thực hiện tốt việc đăng ký thường trú tại địa phương thì con em bị kêu gọi khám sức khỏe nhập ngũ thường xuyên. Trong khi đó, những người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng từ nơi khác đến làm ăn, chỉ đăng ký tạm trú thì lại “thoát”. Trên địa bàn quận Gò Vấp hiện có khoảng 9% số thanh niên có sức khỏe tốt, trong diện đăng ký tạm trú không bị gọi đi khám sức khỏe. Điều này ảnh hưởng đến tính công bằng của việc thực hiện nghĩa vụ công dân” - ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TPHCM, bức xúc nói như vậy tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa qua.
Đáng buồn là tình trạng thiếu công bằng này không chỉ xảy ra tại quận Gò Vấp mà còn có thể đang xảy ra tại các quận, huyện khác và tại các địa phương khác trong cả nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kẽ hở của pháp luật. Theo Điều 32 của Luật Cư trú, người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên mới phải khai báo tạm vắng. Nghĩa là chỉ cần rời khỏi nhà dưới 90 ngày thì không cần ra cơ quan công an làm thủ tục khai báo tạm vắng. Nhiều thanh niên không muốn làm nghĩa vụ với đất nước đã “lách” luật, đi khỏi địa phương trong thời gian gọi khám sức khỏe nhập ngũ. Tại địa phương nơi họ đến tạm trú, họ cũng không nằm trong danh sách bị gọi đi khám sức khỏe, đồng nghĩa với việc sẽ không nhập ngũ. Bên cạnh đó, việc bỏ quy định cắt hộ khẩu nếu không chấp hành nghĩa vụ quân sự cũng khiến số trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự tăng. Để điều chỉnh sự bất cập của luật, đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM, đề nghị, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú nên rút ngắn thời gian tạm vắng cần phải khai báo từ 3 tháng trở lên xuống còn 2 tháng trở lên. Mặt khác, nếu cần thiết thì cũng nên đưa ra biện pháp chế tài để tăng tính răn đe. Có như vậy thì tình trạng người “lách” luật để được hưởng lợi như trước nay mới có thể được ngăn chặn.
ÁI CHÂN