Lại lo thiếu điện mùa khô

Mùa khô năm nay miền Nam có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện ở mức cao, trong khi hệ thống truyền tải chưa đảm bảo. Nhiều giải pháp ứng phó với thiếu điện đang được triển khai và áp lực tăng giá bán.
Lại lo thiếu điện mùa khô

Mùa khô năm nay miền Nam có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện ở mức cao, trong khi hệ thống truyền tải chưa đảm bảo. Nhiều giải pháp ứng phó với thiếu điện đang được triển khai và áp lực tăng giá bán.

  • Thiếu 9 tỷ kWh

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương vừa phê duyệt thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013. Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc năm 2013 là 133,441 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2012. Trong đó, mùa khô lên tới 64,137 tỷ kWh (chiếm 48%) tổng sản lượng cả năm. Cơ cấu sản lượng điện theo các mùa, nguồn thủy điện 53,94 tỷ kWh; nguồn điện than 29,403 tỷ kWh; sản lượng điện turbin khí 44,349 tỷ kWh. Trong đó sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc 3,972 tỷ kWh. Riêng nguồn điện dầu huy động năm 2013 của cả nước dự kiến đạt 1,57 tỷ kWh, trong đó mùa khô 1,113 tỷ kWh.

Công nhân EVN kiểm tra, vận hành trạm 110kV. Ảnh: CAO THĂNG

Công nhân EVN kiểm tra, vận hành trạm 110kV. Ảnh: CAO THĂNG

Mặc dù EVN đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tích nước các hồ sớm, nhưng đến ngày 31-12-2012, mực nước các hồ thủy điện lớn trong cả nước vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trong khi nhận định xu thế thời tiết, thủy văn các tháng tiếp theo năm 2013 trong tình trạng kéo dài thiếu nước và khô hạn cục bộ tại 3 miền diễn ra trên diện rộng và gay gắt, đặc biệt ở miền Trung và Nam Trung bộ. Phó Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết trước tình hình này, EVN dự báo sản lượng điện cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh (nếu tính cả các hồ bậc thang 2,42 tỷ kWh).

Đáng chú ý, dự báo năm 2013, công nghiệp có khả năng khởi sắc và phục hồi khiến phụ tải tăng cao càng làm cho việc cung cấp điện cho miền Nam thêm căng thẳng. Tuy nhiên, hiện mức dự phòng điện rất thấp, khu vực miền Nam không tự cân đối được và phải nhận lượng điện bổ sung từ miền Bắc, miền Trung. Còn theo tính toán, hiện tổng nguồn điện cho miền Nam trong mùa khô ước đạt 29,4 tỷ KWh điện, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn miền lên tới 31,7 tỷ KWh. Như vậy, ngoài mùa khô năm nay ở miền Nam có nguy cơ thiếu 2,4 tỷ KWh điện, tính chung cả năm sẽ thiếu trên 9 tỷ KWh điện.

Bên cạnh đó, việc cung cấp điện ở khu vực miền Nam sẽ căng thẳng do không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành, trong khi năng lực truyền tải qua các đường dây 500 kV, 220 kV đang bị giới hạn. Trước mắt để đảm bảo điện mùa khô 2013, EVN dự kiến sẽ phải huy động khoảng 1,113 tỷ kWh bằng nguồn điện dầu FO và DO. Nếu như việc huy động sản lượng điện chạy dầu với giá dầu như hiện nay (17.650 đồng/kg), chi phí phát sinh do phát điện bằng dầu của EVN sẽ tăng lên trên 1.964 tỷ đồng. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 kWh điện bằng dầu sẽ mất chi phí gần 5.000 đồng/kWh, trong khi đó giá bán điện trung bình hiện nay ở mức 1.400 đồng/kWh. Việc này sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn trong cân đối tài chính của EVN, nếu không tăng giá bán điện.

  • Nhiều giải pháp ứng phó

Phó Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết để đề phòng tình trạng thiếu điện vào mùa cao điểm, EVN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, bố trí lịch sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy năm 2013 hợp lý; tích nước tối đa các hồ thủy điện để đảm bảo nguồn cung cho mùa khô, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam. Đưa vào vận hành các nhà máy để bổ sung nguồn cung như: Uông Bí mở rộng 2, Nhà máy thủy điện Bản Chát, tổ máy số 1 dự án nhiệt điện Quảng Ninh 2... Một số nhà máy điện của các tập đoàn khác như Than - Khoáng sản (TKV), Dầu khí (PVN), các công ty phát điện thành viên của TKV, PVN như Nhiệt điện Mạo Khê, Vũng Áng, Nậm Chiến cũng sẽ được hòa lưới quốc gia trong năm 2013.

Mặt khác, để khắc phục tình trạng quá tải của lưới truyền tải 500 - 220 kV, EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) tập trung đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm tăng cường cho lưới điện miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam như đường dây 220KV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long... Đồng thời, sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường dây 220 kV. Đồng thời, yêu cầu Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) rà soát, nghiên cứu, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các đối tượng sử dụng nhiều điện để chủ động đối phó với trường hợp xảy ra mất cân đối cung - cầu điện trên hệ thống điện miền Nam.

Trong khi đó, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng Tổng Công ty Điện lực TPHCM Nguyễn Anh Vũ, cho biết đến thời điểm này đơn vị vẫn chưa nhận được nguồn điện phân bổ chính thức từ EVN, do đó chưa có kế hoạch ứng phó chi tiết với nguy cơ thiếu điện. Tuy nhiên, EVN HCMC đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch cụ thể để sẵn sàng ứng phó kịp thời, đảm bảo điện xuyên suốt kể cả trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong toàn xã hội để khắc phục thiếu hụt nguồn cung. Hiện EVN SPC đang triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án phát triển lưới điện, song song với triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án phát triển lưới điện và chuẩn bị đưa vào sử dụng nhằm hạn chế tối đa trường hợp thiếu hụt nguồn cung xảy ra ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục