Lại mùa mía “đắng”

Khác với cây hoa màu, cây kiểng trồng ở dải đất dọc miền Trung, còn hy vọng vào nhu cầu của thị trường cuối năm để có lợi nhuận mua sắm đồ đón tết, cây mía của nông dân tỉnh Quảng Ngãi đang “ngậm đắng” do rớt giá…
Lại mùa mía “đắng”

Khác với cây hoa màu, cây kiểng trồng ở dải đất dọc miền Trung, còn hy vọng vào nhu cầu của thị trường cuối năm để có lợi nhuận mua sắm đồ đón tết, cây mía của nông dân tỉnh Quảng Ngãi đang “ngậm đắng” do rớt giá…

Nhìn những ruộng mía đã trổ bông đang còn lấm lem bùn đất do vừa trải qua những cơn lũ dữ, ông Nguyễn Nhất ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thở dài thườn thượt rồi bảo vụ mía năm trước nhà ông thu hoạch gần 50 tấn mía, với giá gần 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí sản xuất còn lãi khoảng trên 30 triệu đồng. Những tưởng “năm nay sẽ cao hơn năm trước” nhưng bước vào vụ này, giá mía rớt thảm hại, cứ một tấn, mất hơn 150.000 đồng so với vụ trước.

Giá mía giảm, nhiều hộ nông dân chọn cách làm sạch, chặt ngắn bán cho các cửa hàng giải khát ép lấy nước bán với giá cao hơn.

Giá mía giảm, nhiều hộ nông dân chọn cách làm sạch, chặt ngắn bán cho các cửa hàng giải khát ép lấy nước bán với giá cao hơn.

Trong khi đó, ở thôn Thọ Lộc Bắc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), nông dân Nguyễn Văn Hoạch hạch toán: “Một sào mía cho 2,5 - 3 tấn, giá 850.000 đồng/tấn, nông dân thu 2,1 - 2,5 triệu đồng/sào. Một nửa số tiền trên dùng để trả giống và phân bón, phần còn lại đủ trả công thu hoạch”. Ông Chánh bảo rằng, đó là lúc mía đứng, chữ đường đạt 10 CCS trở lên. Chứ mía ngã đổ, ngậm bùn kéo theo đường dưới 10 CCS như hiện giờ thì nông dân càng lỗ. Thấy chúng tôi như còn băn khoăn, ông Hoạch phân tích thêm: “Sản lượng giảm 1/3, giá bán thấp hơn 200.000 đồng/tấn, trong khi công thu hoạch lại tăng vì phải bới bùn tìm mía. Thế nên, sau khi thu hoạch gần 20 tấn mía, trừ chi phí còn đúng... 300.000 đồng. Đó là tiền công một năm tôi chăm bẵm 7 sào mía. Chưa kể tiền điện chạy nước tưới”. Chưa hết buồn vì giá trượt, nông dân lại vấp phải chuyện nhà máy đường trừ tạp chất quá cao mặc dù mía đã được họ loại bỏ rễ, bùn và lá khô. “Năm ngoái nhà máy chỉ trừ 2%/tấn, nhưng năm nay lên tới 5%/tấn, nông dân đã khó càng khó khăn hơn”, anh Long, cũng ở thôn Thọ Lộc Bắc, bức xúc.

Chia sẻ nỗi buồn với người trồng mía, Quyền giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong Tạ Công Tường bảo rằng, sự thật là nhà máy đang trợ giá cho nông dân với mức 137.500 đồng/tấn chứ không có chuyện ép giá hay hạ giá. Ông Tường than rằng giá đường sản xuất trong nước bị giá đường nhập ngoại về cạnh tranh khốc liệt quá nên bị… mất giá. Giá giảm mạnh từ 14.000 đồng/kg xuống còn 12.500 đồng/kg (bán sỉ). “Nếu chiếu theo quy định, sau khi trừ 5% thuế thì nhà máy chỉ trả cho nông dân 60% - tức 712.500 đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá này dễ khiến nông dân quay lưng với cây mía, chuyển sang các loại cây trồng cạn. Nếu để tình trạng này xảy ra trên diện rộng thì chuyện thiếu nguyên liệu trong năm 2014 là điều khó tránh khỏi. Lường trước điều này, nhà máy chấp nhận “bù” 137.500 đồng/tấn để nâng giá từ 712.500 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn nhằm giữ chân nông dân, cũng là giữ... nhà máy” - ông Tường lý giải thêm.

Đối với chuyện trừ tạp chất vì bị bùn do lũ bám, ông Tường khẳng định: “Không phải xe mía nào cũng bị trừ tạp chất trên 2%”. Tức là chỉ những số mía lẫn quá nhiều lá, bùn, ngọn non hay đánh tráo mía hỏng. Đơn cử như ngày 16-12 vừa qua, nhà máy phát hiện và trả 5 tấn mía khô, bị hỏng ruột của một hộ ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Qua xác minh, số mía này được thu hoạch trước trận lũ ngày 15-11 để bán cho đại lý. Nhưng vì kẹt lũ, không tiêu thụ được nên một tháng sau, nó được chủ hộ lén “gửi” vào xe của nhà máy khi cân bán. Dù vậy, người trồng mía vẫn nghi ngờ rằng: Ai đảm bảo việc đánh giá độ lẫn tạp cũng như chất lượng mía thực sự chính xác và công bằng. Bởi mía sạch hay chưa, cắt ngọn đúng quy cách hay không đều do nhà máy quyết định?!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục