Lại nóng chuyện bảo tồn biệt thự có giá trị kiến trúc ở TPHCM

Cuộc nghiên cứu dài… gần 20 năm
Lại nóng chuyện bảo tồn biệt thự có giá trị kiến trúc ở TPHCM

Ngày 1-4-2015 tại buổi họp về bảo tồn biệt thự có giá trị kiến trúc ở TPHCM tổ chức tại Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã đã chia sẻ, trung bình mỗi tuần Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận được 3 - 4 hồ sơ đề nghị có ý kiến về việc xây, sửa biệt thự trên địa bàn thành phố. Thực tế này đang tạo một sức ép rất lớn đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc…

Một biệt thự cổ trên bến Bình Đông quận 8. Ảnh: CAO THĂNG

Cuộc nghiên cứu dài… gần 20 năm

Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các chính sách bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có biệt thự, đã được triển khai ở TPHCM từ gần… 20 năm trước. Lúc ấy, để có cơ sở gìn giữ lại các công trình kiến trúc có giá trị gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM 300 năm, nhân kỷ niệm 300 năm ngày hình thành và phát triển thành phố, lãnh đạo TPHCM đã giao cho một nhóm kiến trúc sư mà đứng đầu là kiến trúc sư Lê Quang Ninh nghiên cứu, chọn ra các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn. Kết quả của nhóm nghiên cứu này là 108 công trình kiến trúc có giá trị, trong đó có nhiều biệt thự đã được đề xuất bảo tồn. Đây là nghiên cứu rất có giá trị mà bằng chứng là lãnh đạo thành phố lúc ấy đã tặng bằng khen công trình xuất sắc cho nghiên cứu này, kiến trúc sư Lê Quang Ninh từng chia sẻ với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng như vậy.

Tuy nhiên, nghiên cứu xuất sắc nêu trên… chỉ dừng ở hình thức một bộ tài liệu khoa học về kiến trúc của thành phố. Năm 2005, công tác bảo tồn biệt thự có giá trị về kiến trúc lại được… tiếp tục. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thời ấy, cho biết, sâu hơn lần trước, nghiên cứu đề ra một số hướng quản lý các biệt thự. Biệt thự cũ, nằm đơn lẻ thì khi cải tạo không được xây thêm quá cao. Trường hợp có nhiều biệt thự trong một khu vực thì một vài biệt thự có thể được xây cao nhưng phải hài hòa với cảnh quan xung quanh… Thế nhưng, mọi việc cũng dừng ở đây… cho tới lần nghiên cứu hiện nay.

Tại cuộc họp ngày 1-4-2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cùng các chuyên gia đến từ Pháp đã bàn về các tiêu chí chọn biệt thự cần bảo tồn. Có hơi khác với các lần nghiên cứu trước, các tiêu chí lần này không chỉ đề cập đến tính lịch sử, giá trị kiến trúc, tính nguyên bản, mà còn đề cập sâu hơn đến các giá trị về môi trường, vị trí, cảnh quan xung quanh biệt thự. Những biệt thự nằm ở những khu vực có cây xanh có giá trị hoặc nằm ở những nơi thuận tiện về giao thông, sẽ được đánh giá cao hơn những biệt thự tương tự nằm ở những nơi không thuận lợi. Các biệt thự có giá trị về kiến trúc dự kiến sẽ được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1: rất có giá trị, cần bảo vệ nguyên hiện trạng; nhóm 2: có giá trị và sẽ bảo vệ một phần hiện trạng; nhóm 3: ít có giá trị và sẽ được tháo dỡ. Trong 1.000 biệt thự còn lại của TPHCM theo thống kê của Sở Xây dựng, nhóm chuyên gia của các cơ quan nêu trên, bước đầu đã đi khảo sát thực tế được 13 công trình và chọn được 2 công trình thuộc nhóm 1, có 4 công trình thuộc nhóm 2, còn lại thuộc nhóm 3…

Sẽ sớm có quy chế về bảo tồn biệt thự?

Đó là một câu hỏi… vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Ngay cả một số cán bộ trong Hội đồng nghiên cứu công trình kiến trúc có giá trị đang thực hiện công tác sàng lọc các biệt thự cũng không dám đoan chắc.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, các biệt thự của TPHCM tập trung chủ yếu ở quận 1, 3, 5, Bình Thạnh…, trong đó nhiều nhất ở quận 1 và 3. Cách nay hơn 4 năm, khi nhìn lại 108 công trình kiến trúc có giá trị do chính mình và cộng sự đề xuất bảo tồn, kiến trúc sư Lê Quang Ninh tâm tư, biệt thự bị sửa chữa, thậm chí bị tháo dỡ nhiều quá. Đó là những biệt thự nằm trên đường Điện Biên Phủ, Phạm Ngọc Thạch… Thời điểm này nhìn lại, một cán bộ của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM xin được phép giấu tên, cũng ngậm ngùi, nhiều biệt thự hoặc dãy biệt thự có giá trị kiến trúc vẫn đang bị… “thay đổi hiện trạng”. Theo người cán bộ này, không phải ngẫu nhiên, khu vực các đường Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo, Võ Văn Tần… (quận 3) thường xuyên bị ùn ứ giao thông ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Nhiều biệt thự ở đây đã được cải tạo thành trường học, nhà hàng, quán cà phê… Xe gắn máy 2 bánh, xe ô tô của phụ huynh dừng, đậu chờ con em, khách hàng ra, vào quán cà phê, nhà hàng…, lấn chiếm lòng, lề đường của những con đường nhỏ, chủ yếu có 2 làn xe, phù hợp cho việc lưu thông trong khu dân cư biệt thự, là nguyên nhân làm cho giao thông ở đây bị ùn ứ. Bảo tồn, không có nghĩa “bảo tàng” toàn bộ các biệt thự có giá trị kiến trúc, thế nhưng, sự thay đổi kèm theo những hậu quả tiêu cực cho trật tự an toàn giao thông, cho môi trường toàn khu vực, hơn bao giờ hết càng đòi hỏi thành phố sớm có quy chế thống nhất về bảo tồn các biệt thự hoặc các khu vực biệt thự có giá trị kiến trúc, người cán bộ này nhận định. Hiện nay, việc xây, sửa, thay đổi hiện trạng từng biệt thự về nguyên tắc, vẫn phải xin phép các cơ quan chức năng. Thế nhưng, như chính Tiến sĩ, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, dù quy trình khá chặt chẽ song cách làm trên thường cho kết quả xử lý không đồng bộ, đôi khi còn bị các cá nhân và tổ chức liên quan thắc mắc, khiếu nại.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục