Lại phán xét!

Báo cáo về tình trạng buôn người năm 2010 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 14-6 đã đưa thêm các nước Afghanistan, Brunei, Lào, Maldives, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những nước này “không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về việc xóa nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhất là việc không ngăn chặn được tình trạng phụ nữ bị đẩy vào nhà chứa”. Các nước vẫn ở lại trong danh sách này từ năm ngoái gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ. Trong bản báo cáo này có 23 nước được Mỹ “nâng bậc” và 19 nước bị “hạ bậc”.

Theo báo cáo, trong 2 năm 2009-2010, ước tính có 12,3 triệu người trên thế giới, trong đó có 56% phụ nữ và trẻ em, trở thành nạn nhân của tình trạng buôn người. Báo cáo cho biết phụ nữ và trẻ em ở nhiều nước châu Á vẫn bị bán sang Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, lãnh thổ Đài Loan… để khai thác tình dục. Đa số phải làm việc như những nô lệ thời đại và bị nợ nần chồng chất do phải vay rất nhiều tiền để được đi.

Việt Nam từ lâu luôn nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Chính Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tài trợ cho các dự án chống buôn người tại Việt Nam. Theo các chuyên gia của LHQ, Việt Nam đã tiến một bước dài trong cuộc đấu tranh này. Từ tháng 12-2004, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và bắt đầu triển khai “Chương trình Quốc gia về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2004 - 2010”.

Chính phủ Việt Nam yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các đề xuất riêng của mình cho nỗ lực này. Theo đó, một chương trình chung bao gồm 4 sáng kiến hướng tới các lĩnh vực phòng ngừa, truy tố xét xử, bảo vệ nạn nhân và tăng cường chính sách đã được thiết lập. Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền giáo dục phụ nữ là những đối tượng có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ nghèo để họ không bị lợi dụng hoặc lừa gạt. Việt Nam đã hợp tác song phương với Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác để phòng, chống buôn bán người. Chính phủ Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác trong khuôn khổ cơ chế hợp tác khu vực.

Như vậy, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn ở cấp độ quốc gia, song phương và quốc tế. Việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách nói trên cho thấy Mỹ đã cố tình phớt lờ những nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống nạn buôn người, một vấn đề lớn của thế giới hiện đại.

Dư luận tiến bộ trên thế giới cảm thấy khó chịu với việc hàng năm Mỹ tự cho mình quyền phán xét, chấm điểm các nước trong mọi lĩnh vực từ dân chủ, nhân quyền, đến tôn giáo và cả tình trạng buôn người. Thay vì đẩy mạnh hợp tác đa phương và song phương để cùng tiến bộ, những phán xét mang tính chủ quan như vậy không thể xem là giải pháp tốt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Đặc biệt vấn nạn buôn người không là vấn đề của riêng quốc gia nào nên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thay vì chỉ trích lẫn nhau. Tại nước Mỹ, con số mới đây được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho thấy có tới 17.500 người bị buôn bán bất hợp pháp vào Mỹ mỗi năm và phần lớn trong số này bị sử dụng vào những hoạt động tình dục hoặc lao động ép buộc. Các chuyên gia tin rằng con số những người bị buôn bán bất hợp pháp còn có thể cao hơn thế gấp 5 lần vì tình trạng buôn bán người trong nội bộ nước Mỹ cũng rất cao. Nước Mỹ nói gì về những con số này?  

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục