Thị trường tiền tệ 2006

Lãi suất tiếp tục tăng ?

Lãi suất tiếp tục tăng ?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất từ mức 4,25% lên 4,5%/năm. Đây là sự thay đổi lãi suất đầu tiên của FED trong năm nay sau 13 lần tăng liên tục kể từ tháng 6-2004. Liệu việc này có tạo nên một cuộc chạy đua lãi suất mới trong năm 2006?

  • Chuyển động lãi suất ngoại tệ
Lãi suất tiếp tục tăng ? ảnh 1

Khách hàng xem xét chọn lựa các loại ngoại tệ gửi tiết kiệm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Năm trước, do tác động quan hệ cung cầu về vốn, lạm phát và lãi suất trên thị trường thế giới tăng đã làm tăng lãi suất trong nước. Hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh tăng lãi suất VNĐ và USD ở tất cả các kỳ hạn. Cuối năm 2005 lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng 1%-1,4%/năm so với đầu năm và lãi suất tiền gửi VNĐ tăng 0,57%-0,69%/năm.

Đúng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã có một đợt tăng lãi suất USD. Riêng lãi suất huy động nội tệ của các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 8,4%-9%/năm đối với loại kỳ hạn 12 tháng, so với lãi suất cơ bản 8,25%/năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã được điều chỉnh hồi đầu tháng 2, tức sau một ngày FED tuyên bố tăng thêm 0,25%.

Với đợt tăng lãi suất ngay từ đầu năm 2006 của FED, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ chưa có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng bắt đầu có sự chuyển động. Eximbank là ngân hàng phản ứng sớm nhất bằng việc điều chỉnh lãi suất huy động USD đối với kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,85%/năm lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,05%/năm lên 4,2%/năm và 12 tháng từ 4,55% lên 4,65%/năm. Ông Đào Hồng Châu, Phó Giám đốc Eximbank, cho biết việc tăng lãi suất USD là nhằm đảm bảo nguồn vay bằng ngoại tệ trong thời gian tới.

Hiện lãi suất huy động ngoại tệ cao nhất trên thị trường thuộc về các ngân hàng Vietcombank, ACB, Eximbank, EAB… Lãi suất USD tăng sẽ rút ngắn mức chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng mức tăng vừa qua của FED chưa ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn. Hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh lãi suất từ cuối năm ngoái hoặc đầu năm nay nhằm đảm bảo nguồn vốn kinh doanh nên chưa tăng lãi suất cho vay cũng như huy động đối với VNĐ.

  • Điều chỉnh đến đâu?

Lãi suất có tiếp tục tăng hay không là vấn đề người dân lẫn giới sản xuất - kinh doanh quan tâm. Theo ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, việc tăng lãi suất trong thời gian tới là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ cân nhắc tăng ở mức độ nào nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng gửi tiền  nhưng cũng không gây “sốc” cho khách hàng tiêu thụ vốn. Nhiều dự đoán sẽ có sự thay đổi lãi suất từ quý 2-2006. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc khách hàng doanh nghiệp vùng 2 của VIB Bank, cho biết việc ngân hàng tăng lãi suất cũng là cách để ngân hàng giữ thị phần của mình trước bối cảnh có rất nhiều kênh thu hút vốn và khách hàng tiền gửi đã quan tâm nhiều hơn đến việc sinh lời từ đồng vốn tiết kiệm.

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, nhận định năm 2006 lãi suất có thể sẽ tiếp tục biến động thường xuyên do các yếu tố tiềm ẩn làm giá cả tăng vẫn còn, đơn cử là giá vàng, dầu mỏ trên thế giới tiếp tục có những dấu hiệu biến động mạnh, dịch cúm gia cầm… Diễn biến của thị trường tiền tệ trong nước năm nay sẽ gắn liền với diễn biến của thị trường hàng hóa thế giới và chịu tác động bởi các yếu tố khác.

Riêng lãi suất của FED xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và sự phục hồi của USD sẽ là những yếu tố khách quan tác động đến quan hệ cung cầu vốn ngoại tệ. Do đó lãi suất ngoại tệ trong nước buộc phải tăng theo. Muốn giữ được khách hàng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất VNĐ để đảm bảo một khoảng chênh lệch hợp lý giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ.

THIÊN - NGÂN

Tin cùng chuyên mục