Làm bạn với con

Trong hành trình trưởng thành, tâm lý của trẻ sẽ có những giai đoạn ương bướng khác thường. Ngày nay, phụ huynh không khó để tìm kiếm những thông tin như vậy trên sách, báo, mạng xã hội và rất nhiều chương trình hướng dẫn cách chia sẻ với trẻ, nhưng không phải bậc làm cha, làm mẹ nào cũng cùng con trải qua những giai đoạn này một cách êm đẹp.
Kiên nhẫn trước những giai đoạn ương bướng của con là điều cần thiết trong hành trình cùng con trưởng thành
Kiên nhẫn trước những giai đoạn ương bướng của con là điều cần thiết trong hành trình cùng con trưởng thành

1. Vợ chồng tôi mới có một cô con gái hiện 30 tháng tuổi. Từ nhỏ, bé Nấm hay được khen là hiểu chuyện sớm và rất biết nghe lời người lớn. Vậy mà gần đây, con bé có nhiều tật xấu khiến vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Con bé trở nên mít ướt, có thể đánh bất cứ ai, ăn vạ bất cứ đâu. Trước giờ hiếm khi thấy Nấm la hét, vậy mà gần đây không vừa ý chuyện gì cũng hét rất lớn. Nhà tôi ở đầu này mà thi thoảng chị bạn cùng chung tầng lầu, nhà tuốt cuối hành lang cũng nghe tiếng hét của Nấm rõ mồn một.

Vợ chồng tôi tìm hiểu, biết con đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 nên bảo nhau ráng nhẹ nhàng với con, nhưng thực sự đôi khi kiềm chế không nổi. Cũng không ít lần bé Nấm bị khẻ roi vào mông, vào tay vì những cơn hờn vô cớ. Hai vợ chồng chia nhau lên mạng nghiên cứu, cày xới khắp các chuyên mục liên quan. Chuyên gia nào nói về đề tài liên quan là tải về nghe mà vẫn lúng túng. Sợ loạn giải pháp, bữa trước ba bé Nấm đi nhà sách rước về cả mớ sách chỉ bí kíp cùng con vượt qua các giai đoạn thay đổi về tâm lý. Không biết có ra ngô ra khoai gì không, chứ “đấu trí” với con nhóc 3 tuổi này mệt ra trò.

Dù gì, vợ chồng tôi cũng mới chỉ “nếm mùi” khủng hoảng tuổi lên 3 của con vài tuần nay. Còn gia đình ông anh chung cơ quan thì nghe đâu vật vã cả năm nay rồi. Bữa trước, nghe nói chịu không đặng, anh ấy còn phạt bé Bon ngay tại siêu thị. Bé Bon ăn vạ vì đòi quả bóng bay hình siêu nhân, mà lỡ có bạn khác nhanh tay lấy trước. Anh ấy hay bảo, không rõ bọn trẻ khủng hoảng cảm thấy thế nào chứ người lớn trong nhà thì lúc nào cũng như muốn bùng nổ. Nhà anh ấy đang trong tình trạng đứa bé la khóc dỗi hờn các kiểu, còn đứa lớn thì đang “bật chế độ” lầm lỳ, thích lý sự. Nhiều lúc vợ chồng tự an ủi, rằng đứa nhỏ khủng hoảng tuổi lên 3, đứa lớn khủng hoảng tuổi dậy thì, còn mình thì khủng hoảng tuổi già, cho nó nhẹ nhàng. Trong nhà, mạnh ai người đó khủng hoảng nên cứ kệ, hết khủng hoảng thì đâu lại vào đấy.

Nói vui vậy chứ, cái sự khủng hoảng ở mỗi lứa tuổi luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Dẫu rằng có bao nhiêu đứa con thì mỗi đứa trẻ ở mỗi giai đoạn đều có những điều mới mẻ đòi hỏi phụ huynh phải sát sao hơn.

2. Trong hàng tá clip và mấy cuốn sách vợ chồng tôi nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý phân tích và đưa ra nhiều lời khuyên đối với các bậc phụ huynh. Trong đó, làm bạn với con, lắng nghe để thấu hiểu con vẫn là ưu tiên số một. Hay những lúc con ăn vạ, cha mẹ có thể làm lơ, kiên nhẫn để đợi con bình tĩnh lại, sau đó giảng giải cho con hiểu mình đã sai như thế nào để con điều chỉnh từ từ.

Song, chẳng riêng gia đình tôi, trên các hội nhóm của những bà mẹ, hầu hết mọi người đều thừa nhận, không phải ai cũng bình tĩnh và kiên nhẫn trước những trận hờn của con. Hầu hết đều có tâm lý: “Thôi, đáp ứng yêu cầu của con cho xong chuyện”. Như câu chuyện của bé Bon nhà anh đồng nghiệp tôi, mấy người đủ kiên nhẫn để chờ con bình tĩnh trở lại hay sẽ phạt con, hoặc sẽ tìm bằng được chiếc bóng bay khác cũng có hình siêu nhân như vậy? Tôi biết, có người còn tìm cách thương lượng với đứa trẻ kia để đáp ứng yêu cầu của con mình. Cái sự sai cứ tiếp nối chỉ để đổi lấy sự bình yên tạm thời đó.

Việc dễ là đáp ứng đòi hỏi của trẻ, còn giữ cho mình sự bình tĩnh để cân bằng cảm xúc của con, cũng chính là cân bằng cảm xúc của ba mẹ mới là việc khó. Bởi khi đáp ứng yêu cầu của trẻ, đồng nghĩa với việc đã tạo cho trẻ suy nghĩ: Muốn đòi gì thì cứ khóc, kiểu gì cũng có. Còn đánh đòn con hay những hình phạt lại trở thành phản tác dụng, không những không rèn tính kỷ luật cho con mà còn ảnh hưởng đến cảm xúc của bé. Sâu xa hơn là tác động tiêu cực đến tính cách sau này của con trẻ... Đó là trong sách nói, mà tôi thấy đúng thật.

Việc dễ ai làm cũng được, thôi thì mình thử đi đường khó xem có cải thiện gì không. Biết đâu, cứ áp dụng kỹ lưỡng mấy lời khuyên của các chuyên gia, chịu khó điều chỉnh bản thân theo những giai đoạn “không thể tránh khỏi” của con trẻ có khi lại thành công. Và biết đâu, trong quá trình làm bạn với con ở giai đoạn khó, mình lại lượm được bí kíp để dành nuôi dạy mấy đứa sau, hay chí ít có cái để chia sẻ với hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè cũng đang vật lộn với những ương bướng, trái tính trái nết của bọn trẻ.

Tin cùng chuyên mục