Làm chính sách cho người đã qua đời

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã, có ghi nhận ông Nguyễn Tiêu, đảng viên tham gia cách mạng và bị địch bắt tù đày. Ông mất trước năm 1945, chưa được hưởng chế độ gì. Như vậy, ông Tiêu có được xác nhận đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945 hay không?  Gia đình ông Nguyễn Tiêu

Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Căn cứ Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người hoạt động cách mạng nếu đủ điều kiện và căn cứ để xác nhận theo quy định tại Điều 11 và Điều 12, thì lập hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 13, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cụ thể, bản thân người hoạt động cách mạng (trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần, thì đại diện thân nhân được ủy quyền) có trách nhiệm viết bản khai về quá trình hoạt động cách mạng có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú.

Sau đó, gửi bản khai kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu làm căn cứ xác nhận đến các cơ quan sau để công nhận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Thành ủy trực thuộc trung ương (xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc cấp ủy địa phương quản lý); Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc trung ương (xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương quản lý); Tổng cục Chính trị (xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam); Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (xem xét, quyết định đối với người hoạt động cách mạng thuộc Công an nhân dân).

Theo quy định nêu trên, đề nghị đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng ông Nguyễn Tiêu xác định cơ quan, đơn vị ông Nguyễn Tiêu tham gia hoạt động cách mạng để gửi hồ sơ đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận, cơ quan LĐTB-XH sẽ hướng dẫn thân nhân ông Nguyễn Tiêu lập hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.

Tin cùng chuyên mục