Lâm Đồng: Rừng thông 3 lá ở dưới chân núi Voi bị tàn phá

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng tiếp cận được tiểu khu 277A ngay dưới chân núi Voi (cao hơn 1.700m, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và tận mắt chứng kiến cảnh rừng thông 3 lá bị tàn phá để lấy đất sản xuất.

Việc lấn chiếm đất rừng đã xảy ra trong nhiều năm, người dân cũng đã báo cáo, gửi đơn nhưng vẫn không được ngăn chặn. Người dân ở chân núi phải đối mặt với nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những cây thông hàng chục năm tuổi bị triệt hạ

“Bức tử” thông ba lá bằng thuốc trừ cỏ

Từ TP Đà Lạt, xuôi theo quốc lộ 20 khoảng 15km, chúng tôi có mặt tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Từ mặt đường nhìn lên theo hướng tay phải, những khu rừng thông 3 lá xanh tốt trải dài từ quốc lộ 20 đến đỉnh núi Voi.

Tuy nhiên, ở ngay khu vực dưới chân núi thuộc tiểu khu (TK) 277A do Ban Quản lý rừng (BQLR Đại Ninh) quản lý có hàng loạt cây thông ngã đổ ngổn ngang và một số đang chết khô.

Những cây thông lớn bị triệt hạ

Những cây thông lớn bị triệt hạ

Men theo con đường bê tông của thôn Trung Hiệp, chỉ 5 phút sau, chúng tôi đã đứng dưới chân núi Voi. Ông H. (người dẫn đường) dẫn chúng tôi lên đồi dốc để chứng kiến cảnh những cây thông lớn nhỏ ngã đổ hàng loạt tại khoảnh 6 (TK 277A). Nhiều cây mới bị hạ chưa lâu, có cây thì cháy đen chỉ còn phần gốc cao chừng 1m. Trên mặt đất, nhiều cây mắc ca chừng 2-4 năm tuổi do người dân trồng ngay giữa rừng thông bị đốn hạ.

Một cây thông bị cháy đen

Một cây thông bị cháy đen

Ông H. chỉ vào những dấu khoan tròn, nhỏ bằng ngón tay trên những gốc thông đang chết khô và cho biết, đó là chỗ đổ thuốc trừ cỏ vào để làm cây rụng hết lá, trơ cành, chỉ chờ ngày gãy đổ hoặc bị đốn hạ.

Dấu khoan để đổ thuốc trừ sâu vào gốc cây

Dấu khoan để đổ thuốc trừ sâu vào gốc cây

Cách đó không xa, một cụm thông khác với 9 cây bị chết khô, dưới gốc nhiều cây đang đang sủi nhựa màu trắng đục. Cây to nhất có đường kính gốc gần 50cm, có cây bị đốt gốc cháy đen. Theo ông H., những cây này đã được Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng phối hợp với UBND xã Hiệp An lập biên bản cách đây khoảng 4 tháng nhưng chưa biết xử lý như thế nào...

Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng

Ông H. dẫn chúng tôi đi tiếp lên phía khu rừng thông 3 lá do Nhà nước trồng vào giữa những năm 1980 và có thời gian dài được chăm sóc, quản lý tốt nên thông đã khép tán, cây cao thẳng tắp 15-20m.

Nhưng tại đây, thực bì đã bị dọn sạch, nhiều ha đất rừng thuộc TK 277A bị xâm hại để trồng Mắc ca, những cây mắc ca này khoảng 1-2 năm tuổi, cao khoảng 60-80cm.

Thông ba lá bị triệt hạ nằm ngổn ngang

Thông ba lá bị triệt hạ nằm ngổn ngang

Theo ông H., tình trạng xâm lấn đất rừng chỉ diễn ra từ khoảng 3-4 năm nay. Trong đó, ông Hoàng Văn Bảy (là chú họ của bà Hoàng Thị Toan) cho người múc đất, san gạt để trồng mắc ca và cũng đã từng bị lập biên bản, yêu cầu ngưng cắt cây, nhưng ông Bảy vẫn làm, xã không can thiệp được. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng và UBND xã Hiệp An đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu ông Bảy và người nhà không được xâm hại vào đất rừng.

Theo tìm hiểu, khoảnh rừng đang bị tàn phá đều thuộc khoảnh 6, TK 277A, nằm trong diện tích 20,3 ha (gồm các lô a,b,c), năm 2009, UBND huyện Đức Trọng có quyết định giao cho ông Trần Văn Đỗ thuê để thực hiện Dự án “Quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái” và đã được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 817392 từ ngày 16-10-2009 (gia đình ông Đỗ đã trả tiền thuê từ năm 2009 đến hết năm 2023).

Trên đất dự án có 11,64 ha rừng thông 3 lá do Nhà nước trồng bằng nguồn ngân sách, 6,75 ha đất rừng đã trồng keo lai do 36 hộ dân trồng trước đó vài năm (năm 2008 ông Đỗ đã thỏa thuận bồi thường, trả công khai phá, đầu tư, chăm sóc cho vợ chồng bà Hoàng Thị Toan và ông Vũ Diến); 1,32 ha đất trống và 0,57 ha đất nông nghiệp do người dân đang canh tác sử dụng (vẫn sử dụng đến nay).

Gốc thông bị đốt cháy khô, chờ ngày ngã đổ

Gốc thông bị đốt cháy khô, chờ ngày ngã đổ

Ông Nguyễn Hồng Nhị, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Đức Trọng, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng Hiệp Thạnh cho biết, tình hình phá rừng ở khu vực tiểu khu 277A vốn khá “nóng” do gần quốc lộ 20 và gần TP Đà Lạt. Vì thế tỉnh đã giao cho công an huyện quản lý, nhờ đó rừng được bảo vệ khá tốt, không có hiện tượng tranh chấp hay lấn chiếm đất rừng. Tình hình bắt đầu phức tạp từ khi chuyển giao về cho BQLR Đại Ninh quản lý.

Việc lấn chiếm đất lâm nghiệp ở TK 277A diễn biến rất phức tạp và hiện chưa thể thống kê chính xác diện tích rừng thông 3 lá bị tàn phá là bao nhiêu.

Nhưng chỉ tính riêng diện tích đất rừng bị lấn chiếm để canh tác nông nghiệp cùng diện tích bị mất do bị tác động của con người tại khoảnh 6 lên đến 6,4 ha (theo biên bản lập ngày 29-4-2020 của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng). Trong đó, chỉ riêng diện tích rừng bị mất hiện là đất trống hoặc đã trồng sầu riêng đã là 1,13 ha.

Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quyết định khởi tố vụ án về hành vi ngang nhiên tổ chức cho người đem xe cơ giới vào tàn phá rừng, hủy hoại tài nguyên rừng và tài sản công dân.

Tin cùng chuyên mục