Làm giàu rồi làm từ thiện

Làm giàu rồi làm từ thiện
  • Những doanh nhân làm từ thiện lớn nhất thế giới

Warren Buffett là người giàu có hạng 2 ở Mỹ, chỉ sau có Bill Gates. Không sản xuất máy tính như chủ nhân hãng Microsoft, ông Buffett làm giàu và giúp những cá nhân nào tin ông, giao vốn cho ông quản lý (Công ty Berkshire Hathaway) và đầu tư vào cổ phiếu các tập đoàn hùng mạnh nhất nền kinh tế Mỹ. Tài sản của ông được Business Week ước định khoảng 41 tỷ USD.

Giàu có như thế nhưng ông không hề tiêu xài hoang phí. Chẳng mua ngựa đua, chẳng sưu tập đồ cổ quý hiếm và cũng chẳng sắm du thuyền, máy bay riêng. Thậm chí ông từ chối ban phát của cải kếch sù cho các con, các cháu của mình. Ngoài ra ông cũng không chi lớn cho các tổ chức từ thiện. Nhưng ông và vợ sẽ là những mạnh thường quân đáng kính nhất khi họ đã trở thành người thiên cổ. Sự việc đã bị lộ ra khi vợ của ông, bà Suzie Buffett tạ thế hồi tháng 7 qua, thọ 72 tuổi.

Làm giàu rồi làm từ thiện ảnh 1

Warren Buffett.

Theo di chúc, bà để lại toàn bộ tài sản cá nhân – ước chừng 2,5 tỷ USD phát sinh từ số cổ phiếu công ty Berkshire Hathaway mà bà nắm giữ – cho một hiệp hội nhỏ bí mật mà bà và chồng đã lập nên cách nay đã lâu. Hiệp hội này có trụ sở chính ở bang Omaha, chuyên hoạt động bí mật trong công cuộc giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới và tự do chọn lựa hình thức truyền thụ nòi giống. Hành động tốt này đã khiến vợ chồng tỷ phú Buffett, từ hạng 26 vọt lên hạng 3 trên danh sách 50 mạnh thường quân hàng đầu ở Mỹ trong năm 2004 (theo điều tra của Business Week).

Là vợ chồng keo sơn lâu năm của nhau nhưng ông Warren và bà Suzie lại trái ý nhau về cách sử dụng đồng tiền của mình vào công tác bác ái. Hai tháng trước ngày nhắm mắt lìa đời, trả lời phỏng vấn của truyền hình, bà Suzie kể rằng bà thường bay sang Ấn Độ làm từ thiện dù phải ngủ trên tấm nệm cứng bám đầy bụi. Bà muốn phân phát ngay tiền của của mình trong lúc còn sống nhưng chồng bà lại muốn làm sao tập trung được “một núi tiền” trước rồi sẽ phân phát nó sau khi mình đã chết.

Theo Business Week, năm 2004 còn chứng kiến nhiều chuyện từ thiện đáng nể khác. Chẳng hạn như vợ chồng tỷ phú số một Mỹ và thế giới, Bill-Melinda Gates, tặng thêm 3 tỷ USD, tức toàn bộ cổ tức Microsoft họ được hưởng, cho cơ sở từ thiện mang họ tên của họ. Đây là tiền làm từ thiện kỷ lục lớn nhất của một cá nhân còn sống trong lịch sử nhân loại.

Xếp hạng 2 trên tốp 50 mạnh thường quân lớn nhất Mỹ năm 2004 là cặp Betty-Gordon Moore (ông Moore là đồng sáng lập viên hãng máy tính Intel). Họ đã cam kết tài trợ 275 triệu USD cho các công trình nghiên cứu đại dương và huấn luyện y tá đạt đẳng cấp thế giới để giải trừ mọi sai sót trong khi khám và trị bệnh.

Ở hạng 4 là một nhân vật mới lần đầu được ghi tên vào danh sách này, nhưng mạnh thường quân ấy, ông Alfred Mann đã tài trợ các viện nghiên cứu y khoa ở Israel và Bệnh viện Johns Hopkins ở Mỹ đến 200 triệu USD. “Tiền bạc chỉ trở thành thứ thực sự có giá trị cao khi nào bạn biết sử dụng nó vì những mục tiêu thật xứng đáng”, ông Mann, 78 tuổi phát biểu. Là con trai một người nhập cư hành nghề bán tạp hóa, ông đã phất lên với nghề thiết kế và sản xuất trang thiết bị y khoa. Khi ông qua đời, toàn bộ tài sản của ông, khoảng 1,4 tỷ USD sẽ được tặng cho các tổ chức bác ái, từ thiện.

  • Ai cho, cho ai, cho bao nhiêu ?
Làm giàu rồi làm từ thiện ảnh 2

Melinda và Bill Gates.

Không phải bất cứ ai đem tiền của của mình đi làm việc từ thiện, bác ái cũng được liệt kê vào danh sách 50 mạnh thường quân lớn nhất Mỹ. Họ phải là người đã cam kết hoặc thực chi ra 116 triệu USD trong 5 năm qua, tức 21 triệu USD, nhiều hơn so với mức trần của năm 2003. Chính vì vậy mà trong danh sách năm nay không còn có tên của James Clark, đồng sáng lập viên Netscape Communications hoặc Philip Berber (sáng lập viên công ty CyberCopr) và vợ ông là Donna Berber.

Riêng trường hợp ông Maurice “Chico” Sabbah bị văng ra khỏi danh sách này là vì ông đã bị phát hiện gian trá trong khai thuế. Tháng 7-2004, Sabbah đã xin thanh toán 400 triệu USD để khỏi bị truy tố nhưng các chủ nợ thì đang tìm cách thu lại 100 triệu USD mà ông đã tặng cho trường American Hebrew Academy ở Greensboro, bang North Carolina.

Còn những nhân vật mới lần đầu xuất hiện trên danh sách Top 50 mạnh thường quân là bà Veronica Atkins, vợ góa của tiến sĩ Robert C.Atkins nổi tiếng về chế độ dinh dưỡng tránh béo phì. Bà đã cam kết gửi toàn bộ tài sản 500 triệu USD cho nỗ lực giảm béo phì và tránh bệnh tiểu đường cho người Mỹ.

Nữ nghệ sĩ truyền hình Oprah Winfrey trở thành người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên đồng thời là người phụ nữ tự lập thành đạt thứ hai trong lịch sử Mỹ có tên ghi vào danh sách này. Bà Oprah Winfrey rất thích gửi tiền giúp các chương trình giáo dục thực hành bởi các nữ tu Kytô giáo La Mã vì bà không thể quên khi còn là bé gái 12 tuổi, mẹ bà đã túng thiếu đến độ không có đủ tiền để mua quà Giáng sinh cho các con. “Khi tôi đã chuẩn bị tinh thần đón lễ Giáng sinh không quà thì cửa nhà bỗng mở ra và ba nữ tu bước vào với bánh kẹo, gà lôi quay và đồ chơi” bà kể. “Họ đã không quên tôi nên tôi hứa với mình khi giàu có cũng sẽ không quên những trẻ em nghèo thiếu học”.

Nhiều tỷ phú Mỹ cũng thích giúp giáo dục như bà. Sidney E. Frank, con trai một thợ vườn cây ăn trái ở Connecticut, khi còn nhỏ phải ngủ trên tấm trải may ráp nên từ những tấm bao bố cho đỡ lạnh nhưng rồi cũng tìm đường vào được đến Đại học Brown. Nhưng chỉ được năm thứ nhất, vì gia đình quá túng thiếu, anh đã không thể học tiếp các năm sau đó. Vậy mà năm nay ông là tỷ phú mới gia nhập Top 50 mạnh thường quân lớn nhất Mỹ. Tháng 9 qua, ông ký ngân phiếu 100 triệu USD gửi cho Đại học Brown làm 130 phần học bổng hàng năm dành cho các sinh viên thuộc gia đình nghèo không thể chi ra 31.000 USD tiền học và 8.500 USD tiền ăn và tiền trọ ký túc xá mỗi năm.

Còn tỷ phú Stephen M. Ross ở công ty Related tuy không thuộc danh sách này nhưng cũng là người đã cam kết tài trợ cho Trường Thương mại của Đại học Michigan 100 triệu USD. Chưa bao giờ trong lịch sử 187 năm của đại học này lại nhận được món quà lớn đến như vậy.

Năm nay có nhiều tỷ phú nghĩ như bà Suzie Buffett nên số lượng tiền họ chia ra làm từ thiện trong lúc họ còn sống đã tăng cao hơn năm trước. “Họ đã nhận thấy rằng nếu họ làm từ thiện ngay từ bây giờ thì họ còn có thể tạo ảnh hưởng lớn” Paul Jansen, giám đốc nhánh hoạt động từ thiện phi lợi nhuận của công ty McKinsey & Co. nhận định. Tỷ phú Bill Gates đã là một trong những người đầu tiên chuyển hướng từ thiện kiểu mới này.

Và dường như họ cũng bị lây nhiễm “bọ từ thiện”. Càng thành công họ càng cho đi nhiều hơn, năm sau nhiều hơn năm trước. Ngoài Bill và Melinda Gates năm nay cho đi đến 3 tỷ USD thì cũng đáng kể là vợ chồng tỷ phú máy tính Michael và Susan Dell năm 1999 lấy 100 triệu USD làm từ thiện nhưng sang năm 2001 thì đã lấy hơn 200 triệu USD cũng vào việc giúp trẻ em nghèo. “Ngày càng có nhiều tỷ phú, triệu phú trẻ thích làm từ thiện hơn” Cheryl Saban, 53 tuổi, cùng chồng là Haim Saban xếp hạng 46 trên Top 50 này nói. “Vàø họ, như chúng tôi, cũng đã thích mua máy y khoa hiện đại đắt tiền trang bị cho bệnh viện hơn là mua bàn ghế hàng hiệu Lalique để trang hoàng phòng khách nhà họ”.

Business Week cho biết, cộng chung lại thì các tỷ phú trong Top 50 mạnh thường quân này đã giúp hoặc hứa sẽ giúp tổng số tiền lên đến 65 tỷ USD. Từ nay đến năm 2052 sẽ xảy ra nhiều cuộc chuyển giao tài sản khổng lồ giữa các thế hệ trong các gia đình siêu giàu. Số tài sản được cha anh truyền lại cho con cháu sẽ lên đến 41 ngàn tỷ USD và sẽ có ít nhất là 6 ngàn tỷ USD trong núi của ấy được dùng vào các công tác bác ái, từ thiện” hai giáo sư John J. Havens và Paul G. Schervish ở Boston College cho biết. “Sau biến cố 11-9-2001 có nhiều người giàu có trong xã hội hiểu rõ hơn rằng việc làm bác ái là đặc biệt và cần thiết phải được làm ngay”, họ nói.

(Theo Business Week 29-11-2004)
 

NGUYỄN LĨNH

Tin cùng chuyên mục