Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chỉ 1,84% - thấp nhất 10 năm qua, bất ngờ mọi dự báo của các tổ chức, chuyên gia, cơ quan quản lý - được coi là một thành công lớn nhất trong kiềm chế lạm phát năm nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, diễn ra ngày 26-12, đằng sau con số này vẫn mang lại nhiều nỗi lo về tổng cầu thấp, khó khăn của doanh nghiệp khi chính sách tiền tệ thắt chặt.
Lo ngại sức cầu yếu
Theo các chuyên gia, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp là hệ quả, đồng thời là điều kiện quan trọng cho phục hồi kinh tế, tăng trưởng đạt 5,93% năm nay. Điều này sẽ tạo tiền đề cơ bản để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2015 trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi với tốc độ khả quan hơn.
Dù đánh giá cao những thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2014 nhưng ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, CPI tăng thấp do cầu tiêu dùng yếu và chưa được cải thiện. So với những năm trước khủng hoảng tài chính thế giới (năm 2008), cầu tiêu dùng những năm gần đây vẫn thấp hơn nhiều (mức độ tăng chỉ bằng khoảng 50%). Đây chính là nguyên nhân đầu tiên tác động làm chỉ số CPI năm 2014 tăng thấp. Bên cạnh đó, các yếu tố giá xăng dầu giảm mạnh những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp (khoảng 13%), chính sách thắt chặt tài khóa của Chính phủ cũng được xem là nguyên nhân tác động đến CPI năm nay.
|
Đánh giá cao những thành công của kiểm soát lạm phát năm 2014 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, niềm vui cho người tiêu dùng, sự an tâm cho doanh nghiệp nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát thấp nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ 5,93% thì sự thành công mới chỉ một nửa do dưới tiềm năng của Việt Nam. Việc kiềm chế lạm phát thấp do thắt chặt chính sách tiền tệ khiến cho sức mua ì ạch, hoạt động kinh tế cũng ngưng trệ theo, người tiêu dùng tạm hoãn chi tiêu để chờ giảm giá sâu hơn. Giới doanh nghiệp ngừng đầu tư và tuyển dụng để tiết kiệm chi phí.
Cũng theo ông Long, bản chất của lạm phát quá thấp là do tổng cầu chưa được cải thiện, không phải do năng suất chất lượng trong hoạt động doanh nghiệp nâng lên, làm cho chi phí sản xuất và giá thành hạ. “Giảm được lạm phát thấp bằng cách này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn” - ông Long nhấn mạnh.
Thậm chí, con số CPI năm 2014 tăng 1,84% cũng có vấn đề. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, CPI năm 2014 chỉ nên tăng ở mức 1% là hợp lý. Bởi lẽ, giá cả các mặt hàng thiết yếu lưu thông trên thị trường, nhất là lương thực, thực phẩm vẫn đứng ở mức cao vô lý. Khi so sánh đầu ra của người sản xuất và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên 40% - 50%.
Chẳng hạn, 1kg đường xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ 11.800 đồng/kg nhưng giá bán lẻ ở thị trường nội địa từ 18.000 - 25.000 đồng. Nguyên nhân là do yếu kém của hệ thống phân phối như qua nhiều khâu trung gian, chi phí cao… lâu nay chưa được khắc phục.
Không ít thách thức
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyến, lạm phát thấp vừa là cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2015. Về cơ hội, đó là tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi từ đó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Lạm phát thấp cũng sẽ đảm bảo cho các cân đối kinh tế ổn định và tạo điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế; thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ít biến động; giá cả thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng…
Tuy nhiên, lạm phát thấp cũng sẽ tạo ra thách thức là thu ngân sách khó khăn, Chính phủ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội; không khuyến khích đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao; lạm phát thấp kéo dài cộng thêm thâm hụt ngân sách tiếp diễn như thực trạng hiện nay sẽ dễ dẫn tới suy thoái kinh tế.
Chia sẻ quan điểm, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, để giảm thiểu các tác động tiêu cực (đầu tư và tiêu dùng sụt giảm, tồn kho, doanh nghiệp phá sản nhiều), trong ngắn hạn, cần tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô song đồng thời thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng.
Cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng… Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nếu không sớm muộn lại dẫn đến lạm phát và các bất ổn vĩ mô.
Để kinh tế Việt Nam năm 2015 có triển vọng tích cực hơn, theo ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần tiếp tục các giải pháp giải quyết hàng tồn kho và hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, kéo dài thời hạn nộp thuế để giảm bớt khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; giảm mạnh các mức thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.
HÀ MY