Làm rõ nguyên nhân nhiều dự án ODA chậm tiến độ

Ngày 22-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát một số đơn vị: Sở KH-ĐT, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR), Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV về việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: MAI HOA

Tham dự buổi giám sát có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, TPHCM theo dõi 19 dự án ODA đang thực hiện, với tổng số vốn đầu tư hơn 123.274 tỷ đồng. Vốn ODA đóng góp bình quân 10%-20% trong tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trưởng Ban Quản lý MAUR Bùi Xuân Cường cho biết, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) thực hiện từ tháng 2-2007, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong quý 4-2021. Tuy nhiên, tiến độ dự án chỉ đạt 88,9%, MAUR đang thực hiện thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị các đơn vị làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian, điều chỉnh dự án và làm rõ lý do một số dự án ODA chưa hoàn thành, như dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2 phải điều chỉnh 4 lần và sau 16 năm mới chỉ thi công đạt 86,78%. Tương tự, dự án phát triển giao thông xanh, sau 2 lần điều chỉnh dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 nhưng nay mới dừng ở giai đoạn thiết kế.

Theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến các dự án ODA chậm là do quy định trong lĩnh vực này thay đổi khá nhiều. Khi có những phát sinh thì các sở, ngành liên quan phải tổ chức nhiều cuộc họp xử lý. Các tổ đàm phán cũng phải làm việc liên tục với nhà tài trợ nhưng rất khó thống nhất do quy định, quy chuẩn của các bên khác nhau. Khi điều chỉnh dự án cũng cần tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt để trung ương xem xét điều chỉnh.

Kết luận buổi giám sát, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, nhấn mạnh, cử tri rất quan tâm đến việc thực hiện các dự án ODA. Bởi các dự án khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, nhất là khi nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố còn hạn chế. Các đơn vị hoàn thiện báo cáo, có kiến nghị cụ thể để tăng tính chủ động cho TPHCM và chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA.

Tin cùng chuyên mục