Vụ Công an tỉnh Hải Dương phải bồi thường ngư dân huyện Cần Giờ (TPHCM) 650 triệu đồng cho lô hàng 2 tấn bạch tuộc bị bắt giữ trái luật được dư luận quan tâm vì thời gian giải quyết nhanh chóng, không phải kéo dài ở các cấp tòa án như các vụ kiện tụng giữa cơ quan nhà nước với công dân thường thấy. Người thi hành công vụ và cơ quan nhà nước làm sai trong vụ việc này cũng nhanh chóng đưa ra được mức bồi thường được ngư dân chấp nhận, mặc dù có thiệt thòi đôi chút.
Có được kết quả giải quyết dứt điểm, hợp lòng dân như vậy thể hiện tính hiệu lực pháp luật của những quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của cơ quan nhà nước đã đi vào đời sống và phát huy tác dụng ngăn ngừa người thi hành công vụ tại các cơ quan nhà nước làm sai, gây thiệt hại cho người dân.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải vụ việc sai trái nào của người thi hành công vụ tại các cơ quan nhà nước gây ra cũng nhanh chóng được giải quyết có tình, có lý như vậy. Nhiều vụ việc liên quan đến ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, ra quyết định buộc tháo dỡ nhà, công trình vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác… của người thi hành công vụ được xác định là sai trái, song rất ít cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại cho dân.
Ngay như trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề…, nhiều trường hợp đủ điều kiện nhưng bị người thi hành công vụ tại các cơ quan nhà nước từ chối hoặc chậm trễ giải quyết gây thiệt hại cho dân cũng rất hiếm trường hợp được bồi thường theo luật định.
Thực trạng trên có phần do tâm lý của người dân khi đối mặt với những tranh chấp pháp lý với cơ quan nhà nước thường thụ động và chấp nhận kết quả giải quyết thế nào cũng được, thậm chí không dám lên tiếng hoặc yêu cầu cơ quan có trách nhiệm trợ giúp. Mặt hạn chế này tạo điều kiện cho người thừa hành công vụ tại các cơ quan nhà nước tìm cách né tránh, không thừa nhận sai trái, hoặc gây sức ép buộc người dân phải chấp nhận kết quả giải quyết mà mình đưa ra.
Chưa kể, còn có tình trạng bao che, nể nang, thiếu kiên quyết của người có trách nhiệm tại các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và xác định sai trái của người thừa hành công vụ để có cơ sở bồi thường thiệt hại cho dân. Những hành vi này theo quy định là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh, tránh thiệt hại cho người dân.
MINH ĐỨC