Làm việc tốt giúp dân

Bà Trần Thị Sáu, Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 9, quận 8 (TPHCM) chia sẻ, cứ nghĩ học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chuyện xa xôi vĩ đại và khó lắm, mọi người đều lo. Bây giờ, cứ mỗi tập thể một công trình, mỗi cá nhân một việc làm có ích cho dân, dù việc nhỏ nhoi thôi; ai nấy ở khu phố 3 đều có thể học và làm theo Bác được.
Làm việc tốt giúp dân

Bà Trần Thị Sáu, Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 9, quận 8 (TPHCM) chia sẻ, cứ nghĩ học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chuyện xa xôi vĩ đại và khó lắm, mọi người đều lo. Bây giờ, cứ mỗi tập thể một công trình, mỗi cá nhân một việc làm có ích cho dân, dù việc nhỏ nhoi thôi; ai nấy ở khu phố 3 đều có thể học và làm theo Bác được.

Không còn chuyện nhỏ không làm

Ông Huỳnh Văn Thanh (ngụ 104/142 D3 Nguyễn Duy, phường 9) đã mất vợ. Ngoài 70 tuổi, một mình ông còn lo lắng cặm cụi chăm sóc 2 người con gái bị bệnh tâm thần. Mới đây, một người con bị bệnh đường ruột, cấp tốc nhập viện mà ngoài tấm thẻ BHYT, ông Thanh không còn đủ tiền tạm ứng viện phí. Trong lúc nguy cấp, ông Thanh chia sẻ câu chuyện với Ban điều hành khu phố. Hai ngày sau, Ban điều hành trao tặng ông Thanh hơn 4 triệu đồng, là số tiền đóng góp của bà con khu phố, giúp gia đình qua cơn hoạn nạn. Không chỉ trường hợp ông Thanh, bà Nguyễn Thị Ánh Hằng, Trưởng Ban điều hành khu phố 3, kể rằng người dân biết hết tên, điện thoại của Ban điều hành, gặp chuyện gì đột xuất, họ đều chủ động kiếm đến. Bà Hằng cho hay, ai gặp hoạn nạn, khó khăn đột xuất, mọi người trong khu phố xúm nhau lo. Gia đình nào cần vốn liếng buôn bán làm ăn thì khu phố bảo lãnh, giới thiệu vay vốn Xóa đói giảm nghèo, hay vốn ưu đãi của các hội Liên hiệp Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, tùy từng đối tượng. Chính sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của khu phố nên từ nhiều năm nay, khu phố 3 không còn cảnh người nghèo khó phải tự xoay xở lúc cùng quẫn rồi đi vay nặng lãi.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (bìa trái) góp 10 triệu đồng để sửa chữa hẻmở khu phố 3, phường 9, quận 8, TPHCM. Ảnh: CÔNG VIỄN

Việc tốt giúp dân ở khu phố 3 nhiều lắm. Người nghèo khó cần thẻ BHYT, tặng thẻ. Người đau yếu hoạn nạn đột xuất mà không có thân nhân lo lắng, mọi người trong khu phố xúm nhau trợ giúp. Người già neo đơn hàng năm gặp gỡ, ăn bữa cơm thân mật do chị em phụ nữ khu phố nấu. Trẻ em khó khăn trung thu có đèn, có bánh, có sữa vui tết; đầu năm học được trao tập vở mới cùng suất học bổng… “Bác luôn giản dị, gần gũi nhân dân. Các việc làm từ nhỏ đến lớn của Người đều cốt chăm lo cho người dân”, bà Trần Thị Sáu xúc động nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho biết, khu phố 3 đã và đang làm những phần việc có ích cho người dân như thế chính là cách thiết thực nhất học theo Người. Học theo Bác, làm những điều có ích cho dân đã trở thành việc làm thường xuyên của đảng viên, cán bộ khu phố.

Không còn chuyện lớn không dám làm

 

“Mỗi tập thể một công trình, mỗi cá nhân một việc làm có ích cho dân”, cách học và làm theo tấm gương Bác của khu phố 3 đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, có tác động đến các khu phố khác. Khu phố 3 phường 9, quận 8 là điển hình cơ sở được đề xuất Thành ủy TPHCM biểu dương nhân dịp 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2016).

 

Việc lớn ở khu phố là sửa hẻm chống ngập, cần số tiền lớn và liên quan nhiều hộ gia đình. Hẻm 703 Hưng Phú, khu phố 3, suốt 10 năm qua thường xuyên ngập nước. Gần đây, khu phố lại phát sinh hẻm 258 Nguyễn Duy ngập cả nửa mét. Việc sửa sang hẻm, nâng ống thoát nước bàn tới bàn lui nhiều lần không xong. Nếu nâng hẻm theo phương án chỉnh trang do quận và phường duyệt thì kinh phí quá lớn, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng người dân khó lòng góp phần còn lại. Trong tình thế lưỡng nan, Chi bộ và Ban điều hành khu phố 3 đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính người dân. Những người dân làm việc trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế được huy động, lập ra bản thiết kế sửa chữa mới cho các con hẻm. Số tiền được rút lại còn chừng 1/3 so với phương án ban đầu vốn dây dưa nhiều năm: hẻm 703 tốn gần 38 triệu đồng, hẻm 258 tốn gần 84 triệu đồng, được chia đều tới từng hộ gia đình đóng góp. Một số nhà dân sợ nâng hẻm sẽ gây ngập nhà nên chưa thuận. Bà Trần Thị Sáu đứng ra cam kết: “Sau khi nâng hẻm, chỉnh đường ống thoát nước, nếu nhà anh chị ngập, anh chị cứ kêu em. Tụi em sẽ theo dõi và sẽ có trách nhiệm, không phải làm hẻm xong rồi thôi”. Trước sự tận tâm của cán bộ khu phố, người dân đều đồng thuận và hai con hẻm nhanh chóng được nâng cấp theo phương châm “dân đầu tư, dân giám sát và dân sử dụng”.

Không chỉ tặng tập vở đầu năm học cho các trẻ em khó khăn, điểm độc đáo là khu phố 3 đã mở được một điểm đọc sách đặt ngay tại trụ sở khu phố. Từ số sách tự có khoảng 300 cuốn, bà Nguyễn Thị Ánh Hằng đã vận động mạnh thường quân, mua sách giá rẻ và nhờ các đoàn thể trong phường đóng góp nâng tổng cộng lên trên 2.000 đầu sách các loại, phục vụ người dân, nhất là trẻ em. Những trẻ em nhập cư khó khăn, không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu được khu phố liên hệ với cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Nga mở lớp xóa mù, phổ cập buổi tối trong phường…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hằng tâm đắc, việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cán bộ, đảng viên ở khu phố không phải là học trên giấy mà là bằng thực tiễn, bằng công việc cụ thể. “Việc gì lớn quá, khó quá, khu phố càng cân nhắc, đưa ra bàn bạc với dân, việc gì cần thiết, đúng với tâm tư nguyện vọng của người dân thì cố gắng làm. Khi đã quyết tâm thì làm cho bằng được, bằng phương pháp cụ thể, thực hiện rõ ràng, minh bạch và quan trọng là có sự đồng thuận trong nhân dân. Chứ không phải việc lớn quá thì không dám làm, còn nhỏ quá thì cũng không buồn làm”, bà Nguyễn Thị Ánh Hằng chia sẻ.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục