Chưa đầy 1 tuần sau khi đảng cánh tả Hy Lạp Syriza chiến thắng trong bầu cử Quốc hội Hy Lạp, chính phủ mới Hy Lạp bắt đầu mở chiến dịch đàm phán với các chủ nợ quốc tế về vấn đề nợ vay.
Ngày 31-1, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đến Pháp để gặp người đồng cấp Michel Sapin trao đổi về vấn đề trên. Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng dự kiến sẽ đến Italia và Pháp trong tuần này.
Hiện thời, các chủ nợ của Hy Lạp gồm bộ ba Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Để được vay tiền, bộ ba này đã yêu cầu Hy Lạp phải tiến hành cải cách triệt để và cắt giảm chi tiêu ngân sách hết sức khắc nghiệt.
Chính phủ mới Hy Lạp đã tuyên bố không cần đến bộ ba này nữa, kể cả khoản vay 7 tỷ EUR dự kiến giải ngân cuối tháng 2. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nhấn mạnh Hy Lạp chỉ đàm phán nợ với EU chứ không đàm phán với bộ ba nói trên.
Dư luận quốc tế nhận định đây là chủ trương hết sức táo bạo của chính phủ bởi nợ công của Hy Lạp đã lên đến mức trên 175% GDP. Theo báo Kathimerini, Hy Lạp tiết lộ chính phủ nước này chỉ còn chưa tới 2 tỷ EUR và đến cuối tháng 2 sẽ… hết sạch tiền. Thêm vào đó, trong năm 2015, Hy Lạp phải trả 22,5 tỷ EUR tiền nợ cho các chủ nợ châu Âu, trước mắt đến cuối tháng 3 phải trả nợ 4 tỷ EUR.
Đài RFI bình luận, Hy Lạp với chính sách kinh tế thay đổi sẽ tạo làn gió mới cho châu Âu đang khắc khổ. Đối với số đông cử tri Hy Lạp, chính sách tiết kiệm do IMF, EU và ECB áp đặt như một liều “thuốc đắng” vừa thiếu hiệu quả vừa là một sự sỉ nhục cho Hy Lạp sau 9 đợt cải cách.
Không phải chỉ có cử tri Hy Lạp, nhiều tổ chức cánh tả của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp xem chủ trương tranh đấu của Syriza là luồng gió cách mạng trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế chung trong Eurozone với tỷ lệ tăng trưởng tà tà từ 1% - 2%.
Theo Tổng thư ký đảng Xã hội Bồ Đào Nha Antonio Costa, chiến thắng của cánh tả Hy Lạp là dấu hiệu đổi mới ở châu Âu. Đối đầu với khó khăn, Hy Lạp và Tây Ban Nha đã liên kết với nhau chống đường lối khắc khổ của Bruselles theo mô hình Đức. Đối với Italia thì biến cố lịch sử tại Hy Lạp sẽ làm cho châu Âu bớt cứng rắn hơn.
Về phần châu Âu, một tuần trước ngày bầu cử Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu tung biện pháp mua bớt nợ cho các nước thành viên khoảng 1.100 tỷ EUR đúng theo mong muốn của thành phần công luận chỉ trích Bruselles ù lì. Nói cách khác, Hy Lạp của đảng cực tả không thể bỏ châu Âu “ra khơi” một mình và ngược lại, châu Âu cũng cần Hy Lạp nhưng các định chế ở Bruselles từ nay phải quan tâm đến ý dân châu Âu.
Có lẽ phải cần một thời gian mới có thể thấy được những chủ trương của Syriza thành hiện thực, nhưng điều chắc chắn là kết quả bầu cử Hy Lạp đã mang lại niềm hy vọng cho cánh tả châu Âu muốn chinh phục quyền lực từ tay các đảng truyền thống để thực hiện một chính sách kinh tế ngược với chủ trương khắc khổ.
VIỆT ANH