
Sự kiện tỷ phú giàu nhất nước Pháp, ông Bernard Arnault, muốn từ bỏ quốc tịch Pháp để nhập quốc tịch Bỉ đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt tại quốc gia này. Không ít người cho rằng, ông Bernard Arnault là “kẻ phản quốc” khi không muốn đóng thuế tại Pháp, số khác lại cho rằng do chính sách thuế khắc nghiệt đã khiến các doanh nhân Pháp phải rời bỏ đất nước.
Trốn tránh trách nhiệm?
Tỷ phú Arnault, 63 tuổi, được Tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng giàu thứ 4 thế giới đã từng sống 3 năm tại Mỹ. Sau khi ông Francois Mitterrand của đảng Xã hội trở thành Tổng thống Pháp năm 1981, ông mới trở về Paris và tiếp tục phát triển thương hiệu xa xỉ như: LV, Hennessy, Dior, Tag Heuer… trên toàn cầu.

Ông Bernard Arnault.
Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi ông Arnault nên thể hiện lòng yêu nước bằng cách đóng thuế giúp nền kinh tế Pháp hồi phục. Tuy đã khẳng định nhập quốc tịch Bỉ vì lý do cá nhân nhưng giới chính trị Pháp cả phe tả lẫn cực hữu đều kịch liệt chỉ trích ông Arnault “chỉ biết làm giàu cho cá nhân, xin nhập quốc tịch Bỉ để trốn thuế”. Với khối tài sản lên tới 41 tỷ USD, ông Arnault được cho là không muốn bị thất thoát một đồng xu nào.
Mức áp thuế mới lên tới 75% dành cho những người có thu nhập trên 1 triệu EUR/năm đang khiến giới doanh nhân Pháp tìm cách chạy khỏi đất nước để tránh đóng thuế do chính sách này nhằm vào giới nhà giàu vốn chỉ chiếm 1% dân số Pháp. Trong thời kỳ khủng hoảng nợ công làm trì trệ nền kinh tế, công việc làm ăn kinh doanh tại Pháp cũng ngày càng trở nên phức tạp.
Các doanh nghiệp nhận thấy họ đang phải chịu gánh nặng trách nhiệm xã hội khá lớn. Họ cho rằng việc “chạy quốc tịch” đến quốc gia khác sẽ làm giảm bớt khoản thâm hụt thu nhập để tích lũy được nhiều tài sản hơn trong thời buổi khó khăn này. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, nếu chính phủ càng áp mức thuế cao, giới thượng lưu càng tăng cường chuyển tài sản của mình sang nơi trốn thuế khác an toàn hơn.
Tại Pháp, làn sóng “chạy quốc tịch” mới xảy ra sau khi chính phủ áp mức thuế mới nhưng câu chuyện này đã xảy ra tại Mỹ và Trung Quốc từ năm ngoái.
Theo Bloomberg, kể từ khi Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ năm 2008 bị phanh phui chuyện giúp khách hàng nước ngoài (phần lớn là người Mỹ) trốn thuế đến nay, số người Mỹ giàu có từ bỏ địa vị là công dân Mỹ đã lên gấp 7 lần. Nếu năm 2007 chỉ có 235 người xin từ bỏ quốc tịch thì năm 2011 có đến 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán của Mỹ xin làm thủ tục trên.
Theo điều tra của Thượng viện Mỹ, nước này mỗi năm mất khoảng 100 tỷ USD vì những hành vi trốn thuế ở nước ngoài.
Còn ở Trung Quốc, hàng ngàn doanh nhân tìm đường xuất ngoại để bảo đảm tài sản. Hãng AP cho rằng, sự phát triển kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong hơn 10 năm qua đang trên đà chững lại, nên động thái này của giới người giàu Trung Quốc không đáng ngạc nhiên.
Một khảo sát tiến hành năm 2011 đối với gần 1.000 triệu phú đô la tại Trung Quốc cho thấy 60% trong số họ có ý định chuyển đi sống ở nước ngoài. Hiện Trung Quốc là một trong những nước có lượng người di cư đến Australia nhiều nhất.
Tìm lỗ hổng để ngăn chặn
Theo NBC news, một nghiên cứu của James Henry, từng là chuyên gia kinh tế tại hãng tư vấn McKinsey cho biết từ năm 1970 đến cuối năm 2010, giới siêu giàu thế giới giấu ít nhất 21.000 tỷ USD tại các thiên đường thuế bí mật. Số liệu thực tế có thể lên tới 32.000 tỷ USD. Các dữ liệu dùng để phân tích được lấy từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, World Bank và chính phủ nhiều nước. Số tiền này thuộc về khoảng 92.000 cá nhân trên thế giới, là những người giàu nhất trong giới siêu giàu.
Điểm đến của giới nhà giàu Pháp hiện nay thường là các quốc gia láng giềng. Trong đó phải kể tới Luxembourg, nơi các doanh nghiệp và cá nhân được bảo vệ bí mật thông tin về tài sản và thuế doanh nghiệp ở mức thấp.
Thụy Sỹ là thiên đường thuế điển hình, bởi nước này có hệ thống ngân hàng đảm bảo sự bí mật tuyệt đối thông tin về chủ tài khoản mặc dù gần đây có nhiều áp lực buộc chính phủ Thụy Sỹ phải thay đổi chính sách này. Anh, quốc gia bên kia eo biển Manche có nhiều duyên nợ với Pháp cũng có sức hút đặc biệt, nhất là ở London và quần đảo Cayman đều là những trung tâm tài chính nổi tiếng thế giới, với độ bảo mật thông tin cao và mức thuế thấp.
Một số nhà kinh tế học và xã hội học cho rằng, xu hướng nhập cư này cũng có thể dẫn tới cuộc đua về chính sách thuế, trong đó những quốc gia như Singapore đưa ra mức thuế thu nhập hấp dẫn để hấp dẫn người giàu có nhằm tăng hoạt động tiêu dùng và đóng thuế.
Để đối phó với tình trạng nguồn tiền thuế bị tuồn ra nước ngoài, Mỹ đã áp dụng việc đánh thuế công dân cho dù họ cư trú ở đâu để tấn công vào các “thiên đường thuế” ở nước ngoài nhằm tránh thất thu thuế trong bối cảnh thâm hụt ngân sách gia tăng. Nhiều ngân hàng Thụy Sỹ và Đức vì vậy hiện rất ngại giao dịch với các khách hàng giàu có của Mỹ.
Ngoài ra, công dân Mỹ còn đang đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về kê khai tài sản theo đạo luật về đánh thuế vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Theo ông Brendan Barber, Thư ký của Liên đoàn Lao động Anh, việc đóng lại các lỗ hổng được giới siêu giàu tận dụng để né thuế là rất cần thiết để giảm thâm hụt.
Bằng cách này, chính phủ các nước có thể tập trung vào kích thích kinh tế thay vì cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đối với 99% dân số còn lại, vốn không hề giàu có trong xã hội.
THANH HẰNG