
Con đường một chiều dẫn về làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) thẳng tắp. Cảnh bươn chải của người nông dân với ruộng đồng không còn. Dân Đồng Kỵ đã trở thành các đại gia đồ gỗ lớn trong cả nước. Họ ở nhà tầng, đi xe đời mới từ lâu rồi.
- Các tỷ phú làng

Mặt tiền cụm công nghiệp làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.
Dẫn chúng tôi xuống cụm công nghiệp làng nghề, ông trưởng thôn Nguyễn Văn Tám cho biết: “Làng này có hơn 1,3 vạn dân, chiếm 2/3 số dân trong xã. Trở nên khá giả như ngày hôm nay nhờ người dân có đôi bàn tay khéo léo trong sử dụng những cái dùi, cái đục, cái cưa”.
Còn nhớ, mười ba năm trước, Giám đốc Thu Huê vẫn đi đánh giấy ráp thuê cho nhà ông Ba Lầy ở xóm Bằng. Hôm nay, chị đã trở thành giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Quang Vinh với khu xưởng rộng hơn 4.000m2; thường xuyên có 80 người thợ chuyên nghiệp; cao điểm như dịp tết này có 120 người làm suốt ngày đêm.
Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm 1999, nghề nông còn chiếm 80% số hộ ở Đồng Kỵ. Nay giảm xuống còn gần 10%. đã có 90% hộ dân chuyển sang nghề truyền thống. Các khu xưởng đều trang bị máy móc hiện đại để giảm thiểu sức lao động. Việc thủ công cuối cùng của người thợ là làm họa tiết, trang trí sản phẩm. Nhờ đó rút ngắn được thời gian sản xuất. Một bộ bàn ghế lúc trước phải đóng hàng tuần lễ mới xong, nay chỉ mất có 3 ngày”.
Hiện thu nhập bình quân của một người thợ ở Đồng Kỵ từ 30.000đ đến 40.000đ/ngày công. Người thợ có tay nghề giỏi, đảm nhận được những phần việc khó, thu nhập từ 1,7 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Nhiều em học sinh, ngoài giờ học ở trường ra, về nhà tranh thủ đánh giấy ráp thuê cũng có thu nhập từ 14.000đ đến 15.000đ/buổi. Người Đồng Kỵ đã giàu lên bằng chính nghề truyền thống của mình. Tuy không thể thống kê được trong làng có bao nhiêu tỷ phú, nhưng ông Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Quang chắc chắn một điều với chúng tôi: “Đồng Kỵ không còn hộ nghèo, hộ đói”.
- Cụm công nghiệp: quy hoạch rồi nhưng... chưa đủ
Phương châm “Nắm bắt thị hiếu kịp thời, đưa ra sản phẩm đúng lúc” đã làm cho Đồng Kỵ khởi sắc vươn lên hơn một số làng nghề mộc khác ở Hà Tây, Hà Nam...
Năm 2003, cụm công nghiệp làng nghề Đồng Quang có diện tích 12,6 ha đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cụm công nghiệp chỉ đáp ứng cho 64 doanh nghiệp trong số 238 đối tượng được thuê đất. Sau đợt quy hoạch trên, nhiều hộ gia đình ấm ức, kêu ca vì bị... trượt vào khu quy hoạch. Ông Hồng Luân, chủ doanh nghiệp Trường Luân phàn nàn: “Giá cả thuê đất không quan trọng, nhà tôi được thuê 3.000m2 nhà xưởng, vẫn quá ít ỏi vì xưởng nhỏ. Muốn mua thêm máy về lại không có chỗ để, nhiều khi làm xong công đoạn này lại phải dọn máy lại để dựng máy khác nên rất mất thời gian”.
Hiện tại, làng Đồng Kỵ có hơn 100 doanh nghiệp và 2.000 hộ dân tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Diện tích của làng rộng gần 100 ha, nhà cửa xen lẫn với nhà xưởng gây ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt. Kho xưởng chật hẹp, bãi chứa gỗ thiếu, cửa hàng giới thiệu trưng bày sản phẩm không có khiến cho không ít hộ gia đình mất đi lợi thế cạnh tranh. Theo UBND huyện Từ Sơn, huyện đang quy hoạch thêm 2 khu công nghiệp với diện tích: một khu rộng 29 ha và một khu rộng 34 ha. Các hộ chưa được thuê đất trong đợt 1 có quyền hy vọng cho lần này, đó là cánh cửa cho sự sinh tồn, phát triển ngành nghề của họ.
Phạm Hải