Láng giềng gần

Hôm nay, ngay trước thềm đại lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít, lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) gặp nhau tại Mátxcơva. Không phải ngẫu nhiên Nga - nước chủ tịch luân phiên SNG năm nay tổ chức hội nghị vào đúng thời điểm này.

Hôm nay, ngay trước thềm đại lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít, lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) gặp nhau tại Mátxcơva. Không phải ngẫu nhiên Nga - nước chủ tịch luân phiên SNG năm nay tổ chức hội nghị vào đúng thời điểm này.

Nga vừa muốn nhắc lại mối quan hệ “ruột thịt” từng chung vai sát cánh chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít giữa các nước anh em trong Liên bang Xô Viết, vừa muốn khẳng định đó là chiến thắng chung của nhân dân Liên Xô (cũ) chứ không phải của riêng Nga. Từ những ký ức đó, Nga có vẻ đang muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong liên minh có quan hệ đặc biệt này: từ anh em chuyển thành láng giềng.

Có thể nói SNG cho đến nay vẫn chưa thật sự gắn bó như mong đợi bởi ngay từ lúc thành lập, các chính phủ thành viên dường như còn lo toan với tình hình mới của đất nước sau ngày tách ra khỏi Liên bang Xô Viết vào những năm đầu thập niên 90. Nga rồi đến các nước Trung Á lần lượt rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra vẫn có tâm lý ở một số nước như đang muốn tìm kiếm cái gì đó mới mẻ từ thế giới phương Tây. Cũng có tâm lý cho rằng thành lập SNG là chỉ để mình còn “có chút gì để nhớ”. Khi các nước tạm thời vượt qua khủng hoảng thì bắt đầu bùng nổ các cuộc cách mạng màu, làm thay đổi khá sâu sắc mối bang giao trong khu vực.

Bên cạnh đó giữa các thành viên thỉnh thoảng lại xảy ra chiến tranh như Armenia với Azerbaijan, mâu thuẫn giữa Nga và Gruzia (Gruzia đã rút khỏi SNG năm 2009 sau cuộc xung đột ở vùng tự trị ly khai Nam Ossetia giữa Gruzia và Nga tháng 7-2008). Và SNG dường như trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết vào những năm đầu thế kỷ 21. Có những lúc, dư luận đã đặt câu hỏi: SNG tồn tại hay không tồn tại?

Nhưng anh em xa không bằng láng giềng gần. Trong khi những nước đồng minh mới của các thành viên SNG ở phương Tây lại không phải anh em, chưa kể họ chỉ lợi dụng các nước này để chơi ván cờ cô lập nước Nga. Người láng giềng gần mới thật sự là những người “tối lửa tắt đèn có nhau”. Về kinh tế, Nga cùng các nước SNG khác là những thị trường truyền thống của nhau. Nga nhập khẩu ngũ cốc, thịt, bông từ các nước thành viên ở Trung Á, các nước này nhập thiết bị, máy móc và công nghệ của Nga.

Thế thì việc Nga tìm lại ảnh hưởng của mình trong khu vực là điều tất nhiên vì bất cứ quốc gia nào cũng muốn có những người láng giềng tốt và hòa thuận. Dư luận cho rằng cơ hội để các nước SNG đoàn kết hơn đã đến khi một Ukraine xích lại gần Nga hơn, một Kyrgyzstan đang củng cố quan hệ đồng minh với Nga…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nội dung chính cuộc họp năm nay là tăng cường quan hệ trong chính sách đối ngoại, như thế có nghĩa là trước hết SNG sẽ tìm tiếng nói chung trong cách ứng xử với bên ngoài. Thế nhưng, làm thế nào để có một SNG đoàn kết là một bài toán khó bởi những mâu thuẫn trong suốt gần 20 năm không thể giải quyết một sớm một chiều, chưa kể vẫn hiện hữu đâu đó chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài. Nếu các thành viên SNG đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, lựa chọn mục tiêu hòa bình, ổn định cùng phát triển thì sẽ thấy ngay lời giải cho bài toán này. 

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục