Làng hoa kiểng Sa Đéc : Đua nở trước giờ “G”

Trăm hoa đua nở non ngày
Làng hoa kiểng Sa Đéc : Đua nở trước giờ “G”

Trận mưa trái mùa kéo dài cả tuần lễ hồi đầu tháng Chạp đã thúc hàng trăm ha hoa kiểng ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) hè nhau khoe sắc như đã vào xuân. Tuy nhiên, nhà vườn thì mặt mày bí xị. Bởi họ trồng hoa là để dành bán cho phiên chợ tết, nhưng giờ chúng đã nở bét trước tết đến hơn 2 tuần, chẳng biết bán cho ai.

Trăm hoa đua nở non ngày

Làng hoa kiểng Sa Đéc : Đua nở trước giờ “G” ảnh 1

Cúc mâm xôi nở bung trước tết gần 3 tuần.

Vừa đặt chân đến làng hoa kiểng Sa Đéc, nơi mà cả trăm năm nay nổi tiếng với việc cung ứng nhiều loài hoa tao nhã, quý hiếm cho thị trường trong lẫn ngoài nước, chúng tôi như bị nhòe cả đôi mắt trong ánh hoa chập chùng. Làng Tân Quy Đông, trung tâm trồng hoa kiểng lớn nhất của thị xã Sa Đéc như kéo cả mùa xuân về.

Đi từ tỉnh lộ 848 cho đến tận những con đường làng nhỏ hẹp, chúng tôi cũng thấy toàn hoa với hoa. Những nền đất ở đây đã bị phủ đầy bởi các loài hoa nằm trên giàn, cùng nhau khai nở bít kín. Trung tâm thị xã Sa Đéc đã sớm trở thành phố hội hoa xuân khi Tết Nguyên đán vẫn còn hơn 2 tuần nữa.

Theo nhiều nhà vườn tại làng hoa Sa Đéc, mỗi hộ trồng hoa nơi đây chỉ cần xuất bán trong mấy ngày xuân đã có thể nuôi sống gia đình năm, bảy miệng ăn trong suốt một năm. Nhưng giờ với việc cả làng hoa đột nhiên nở rộ, đã khiến người trồng hoa điêu đứng. “Mấy ngày nay cả nhà tui cứ bù đầu vào việc chiết hoa từ giỏ ra bỏ. 30% số chậu hoa cúc mâm xôi nhà tôi đã nở tét bét không bán được. Xử lý thuốc liên tục để những giỏ hoa còn lại chậm nở và cho lên xe. Thiệt hại không biết cơ man nào kể, nhưng vẫn phải bám mới có hàng bán tết, kiếm tiền xài” – một nông dân trồng trên 6.000 giỏ hoa cúc mâm xôi ở xã Tân Khánh Đông (Sa Đéc) tâm sự.

Đi trên những cung đường xứ hoa nhìn sang những đường ô nằm lọt giữa các luống hoa thẳng tắp, chúng tôi thấy nhiều nông dân đang lúi húi lao động cật lực trong mấy vườn hoa. Thỉnh thoảng họ lại đưa kéo nhấp đứt ngọt những nhành hoa nở đẹp lung linh, rực đỏ. Đó là cảnh nhà vườn đang ráo riết xử lý hiện tượng hoa nở sớm, hầu vớt vát đợt bông sau cho mấy ngày tết tới đây.

Vẫn còn hy vọng kiếm lời

Bà Thái Thị Huế, Phó Phòng Kinh tế thị xã Sa Đéc, cho biết: tính đến đầu tháng 1-2009, làng hoa Sa Đéc có 1.853 hộ làm nghề, trồng trên diện tích hơn 260 ha. Mỗi ha đất trồng hoa kiểng tại đây hàng năm cho lãi ròng trên 140 triệu đồng. Tổng doanh thu từ làng hoa này lên trên 92 tỷ đồng/năm và thu hút hàng ngàn nhân công lao động. Đợt mưa trái vụ đầu tháng Chạp vừa rồi, làng hoa bị thiệt hại đến 50% diện tích. Tuy nhiên, đây là hiện tượng chung nên hy vọng với tay nghề lão luyện của các nhà vườn Sa Đéc, tết này họ vẫn kiếm được lời, vì thị trường tết sẽ khan hiếm hoa.

Tấp vào làng hoa tại xã Tân Khánh Đông (Sa Đéc), chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh nhiều nhà vườn ngồi đăm chiêu nhìn xuống những luống hoa trồng. Một thanh niên trạc tuổi 40 buông tiếng thở dài: “17 năm theo nghề trồng hoa chưa năm nào thời tiết bất lợi như xuân năm nay.

Riêng hoa hồng gia đình tôi bị thiệt hại trên 20% diện tích. Còn ông anh của tôi thiệt hại gần 50%. Hoa cúc Đài Loan, cúc Tiger và hoa hồng lửa đều đua nhau nở. Giỏ hoa ngày tết bán tới 10.000 - 15.000 đồng, bây giờ chỉ bán tháo có 1.000 đồng/giỏ. Có cái chẳng ai mua, mình mang đi vứt xuống kênh luôn” - anh Trần Văn Út, người trồng trên chục ngàn giỏ hoa hồng các loại tại làng hoa kiểng Sa Đéc nói.

Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng hoa đón tết ở Sa Đéc, mặc dù bị thiệt hại nhiều do mưa bão thất thường, nhưng khả năng kiếm lời trong đợt bán hoa tết này vẫn còn cao. Anh ba Thành, người trồng hơn 10.000 chậu cúc Đài Loan ở phường Tân Quy Đông bảo: “Cúc của tôi cũng có một số bị nở sớm phải chiết bỏ.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề tôi vẫn hy vọng đợt hoa còn lại này bán có lời. Bởi vì ở nhiều tỉnh khác, hoa mai, vạn thọ, cúc mâm xôi cũng nở sớm như ở đây. Thị trường miền Bắc sau trận lũ lụt vừa rồi hoa kiểng cũng bị chết gần như hết sạch. Do vậy, hoa kiểng tết năm nay sẽ hút hàng, giá cả sẽ tăng cao. Chúng tôi cố dưỡng để lấy đồng lời cao từ thị trường khan hiếm để bù cho đợt thiệt hại từ thời tiết xấu vừa qua. Hy vọng còn kiếm lời chút đỉnh”.

Nhiều nhà vườn khác ở các xã, phường của thị xã Sa Đéc cũng đặt niềm tin vào việc mất mùa nhưng hàng hóa khan hiếm sẽ có giá cao. Mặc dù cơn mưa trái mùa đã làm 50% diện tích hoa hồng, cúc Đài Loan và cúc Tiger gần như mất trắng vì nở sớm, nhưng anh Trần Văn Tiếp ở phường Tân Quy Đông vẫn lạc quan: “Tôi đã cắt hết giàn hoa hồng lửa nở sớm, xịt liền mấy cữ thuốc kích thích xử lý cho đợt bông sau. Hơn 20 ngày nữa đợt hoa này sẽ ra đúng vào tết. Thời tiết thất thường ai cũng chịu chung hoàn cảnh, vấn đề là ai lành nghề hơn sẽ “hốt bạc” khi thị trường tết hút hàng”.

Thúy Hằng

Miền Trung chạy đua với thời tiết

(SGGP).- Ngày 8-1, thời tiết tại hầu hết các tỉnh miền Trung nắng ráo, nông dân đẩy mạnh việc đấu úng, làm đất và xuống giống cho những diện tích lúa, rau màu bị mất trắng vì mưa lũ trái vụ trong những ngày qua.

Tại Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Giai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết, hai hôm nay tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân các huyện, đặc biệt là các huyện vùng thấp như Quảng Ninh, Lệ Thủy đã huy động mọi phương tiện để đấu úng, làm đất và xuống giống lại cho hơn 3.000ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Thời tết thuận lợi, 5 ngày nữa nông dân trên địa bàn sẽ hoàn thành việc xuống giống vụ lúa đông xuân.

Ngày 8-1, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định trích ngân sách 1 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp nông dân mua giống lúa. Theo tính toán với mật độ lúa gieo lại 100-120kg giống/ha, nông dân Quảng Trị cần 20 tỷ đồng để mua giống gieo lại cho 5.500 ha lúa gieo sạ, hoa màu bị mất trắng và 350 tấn lúa đã ngâm ủ bị hư hỏng, vì vậy việc hỗ trợ cho các địa phương sẽ tiếp tục được xem xét cũng như trông chờ ngân sách hỗ trợ Trung ương. Theo kế hoạch, ngày 20-1, toàn tỉnh Quảng Trị sẽ hoàn thành việc xuống giống cho diện tích lúa đông xuân. UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho biết trích gần 9 tỷ đồng để miễn phí thủy lợi cho nông dân trên địa bàn.

Trong ngày 8-1, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định  phân bổ 825 tấn lúa giống, trong đó có 11 tấn lúa lai, cho các huyện hỗ trợ nông dân các vùng ngập lũ gieo sạ lại vụ đông xuân. Mức hỗ trợ là 120kg/ha đối với lúa thuần và 50kg/ha đối với lúa lai.

V.Thắng - L.Ngọc - H.Trọng

Tin cùng chuyên mục