
Nằm ở rẻo đất bên kia sông Hoài về phía Đông của thị xã Hội An (tỉnh Quảng Nam) là làng mộc Kim Bồng. Sản phẩm mộc Kim Bồng vang danh xứ Đàng Trong thế kỷ 15-16 thông qua thương cảng Hội An sầm uất. Thợ mộc Kim Bồng nổi tiếng khéo tay và sáng tạo. Rồi làng mộc ly tán vì chiến tranh. Phải đến những năm 90, “thương hiệu” Kim Bồng mới lại được nhắc đến…
- Hai cha con nghệ nhân ”giữ lửa”

Anh Huỳnh Sướng và tác phẩm do mình sáng tạo.
Chúng tôi đến xưởng mộc của nghệ nhân Huỳnh Ri-người duy nhất của làng mộc Kim Bồng còn lưu giữ và phát triển nghề. Nghe nói ông vừa đi ký hợp đồng trang trí nội thất ở tận Hạ Long (Quảng Ninh). Anh Huỳnh Sướng (con trai ông Huỳnh Ri), 37 tuổi, tiếp tôi ngay tại xưởng mịt mù bụi gỗ. Ngoài cha ra, Sướng là thợ có tay nghề tinh xảo nhất trong cái xưởng 60 thợ lành nghề này.
Sướng nói: “Cái xưởng nhỏ vậy thôi, lời lãi chẳng nhiêu nhưng nó đã cùng làng mộc Kim Bồng thăng trầm qua bao dâu bể. Làm nghề này, cực lại độc hại nhưng không bỏ được, bởi lẽ, cha con tui luôn thao thức với nghề và khát khao khôi phục làng nghề”.
Rồi Sướng phân tích thêm: nét khác biệt giữa mộc Kim Bồng với các sản phẩm của các làng mộc nổi tiếng khác trong nước chính là tính dân dã, phóng khoáng trong đường nét chạm khắc. Để đạt được điều ấy, các nghệ nhân xưa đã đạt tới mức giao hòa với vũ trụ, ít chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến. Bằng chứng cho thấy là đường nét trên các sản phẩm còn lưu lại là hình ảnh cách điệu từ cỏ, cây, hoa, lá, từ những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống đời thường.
Theo Sướng, sở dĩ những con rồng chạm gỗ của một số vùng khác thường mang nét dữ tợn, hoành tráng và cân đối là do bị tác động của uy quyền phong kiến. Còn rồng do thợ Kim Bồng tạc uyển chuyển, mềm mại và tươi vui; khi chạm mây, mây của những làng nghề khác thường mang hình khối to lớn bao trùm, trong khi thợ Kim Bồng là những nét mảnh mai điểm xuyết cho toàn bộ tác phẩm.
Một nét độc đáo nữa của thợ Kim Bồng là cái tràng. Tràng là một cái đục rất mảnh, thân không thẳng mà lại gấp khúc rất lạ. Khi sử dụng để chạm những đường nhỏ như gân lá hay mí mắt rồng, người thợ luôn đánh tràng đi ngược về phía sau tạo nên những nét mảnh. Khác với việc dùng đục hình chữ V của các làng thợ khác, tràng giúp thợ mộc Kim Bồng tạo ra những đường nét chạm khắc tinh tế, dày mảnh khác nhau chứ không đều đều như dùng đục chữ V.
Sướng nói thâm trầm: “Cái khó nhất để giữ được nghề là không chạy theo thị hiếu để sản xuất hàng loạt. Cha con tui xác định, hàng cốt tinh, không cốt nhiều”. Khác với một số nơi, để đáp ứng những đơn hàng lớn, thợ thường đóng ẩu, phun keo vào mộng cho nhanh, thợ của Huỳnh Ri vẫn kiên nhẫn chăm chút từng ly cho từng chiếc mộng, từng đường chạm. Được biết, để làm ra một bộ bàn ghế có thể mất hàng tháng trời. Đó cũng chính là nét riêng để giữ bản sắc làng nghề.
- Đưa thương hiệu mộc Kim Bồng ra thế giới
Nếu như hai cha con nghệ nhân Huỳnh Ri là người giữ lửa cho làng mộc Kim Bồng và kiến tạo ra những sản phẩm tinh tế thì Đinh Văn Lời là người đưa thương hiệu mộc Kim Bồng vượt biên giới. Thương binh Đinh Văn Lời nguyên là đội trưởng đội biệt động thị xã Hội An, còn gọi là Lời “biệt động”.
Năm 1991, ông Lời được cấp 2 sào đất tại xã Cẩm Nam nhưng không sản xuất được vì ở vùng trũng luôn luôn bị ngập lụt. Cực quá nên mới trở lại với… nghề mộc - ông kể. Năm 1993, được vay 3 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, ông liền rủ mấy anh em trong gia đình mở xưởng mộc vừa tạo công ăn việc làm vừa để sử dụng lại nghề gia truyền. Ban đầu, hàng làm ra chủ yếu là rẻ tiền nên chẳng ai mua, xưởng mộc của Đinh Văn Lời lại chẳng có… lời. Không nản, ông tiếp tục len lỏi đến các làng mộc nổi tiếng như Hà Bắc, Hà Tây, Hà Nam Ninh rồi vào TPHCM “tầm sư học đạo”. Trở về quê, ông tuyển chọn được khoảng chục thợ giỏi bắt tay vào làm hàng tinh xảo và hàng thủ công mỹ nghệ.
Ông nói: Năm 1995, xưởng quyết định đột phá sang thị trường Lào. Hàng bán chạy, nhưng trừ chi phí… lỗ nặng. Năm 1996, ông thuê căn nhà 106-108 Nguyễn Thái Học (thị xã Hội An) trưng bày sản phẩm với mục đích thu hút khách du lịch. Số phận đã mỉm cười với ông. Khách hàng đầu tiên là một cặp vợ chồng người Đan Mạch, đặt mua ngay 1 bộ bàn ghế. Lần này thì: lời được 500 USD. Đây cũng là bước ngoặt khởi nghiệp của ông. Có bàn đạp, ông Lời đăng ký cho mình hẳn một website để quảng bá, giới thiệu thương hiệu mộc Kim Bồng ra thế giới. Nhờ vậy, việc kinh doanh có… lời.
Hiện tại, mỗi năm mộc Kim Bồng của ông xuất hàng đi nước ngoài có giá 3-4 tỷ đồng. Thị trường chủ yếu là các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, tại cửa hàng, mỗi tháng, ông đón 2.000 – 2.500 khách nước ngoài đến tham quan và mua hàng. Nhiều khách xem hàng cứ “good, good…”. Không những vậy, khi về nước họ còn giới thiệu với bạn bè và gửi email qua để đặt hàng tiếp. Từ một xưởng nhỏ, giờ thì Mộc Kim Bồng đã trở thành 1 tập đoàn gia đình với 3 công ty Tân An, Trường An và Kim Bồng, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động. Hàng năm, 3 công ty này xuất hàng đi nước ngoài trị giá cả chục tỷ đồng.
Làng mộc Kim Bồng đã hồi sinh và đang tiếp tục phát triển. Điều đó không hề hão, từ năm 1996, dưới sự trợ giúp của chính quyền thị xã Hội An, cha con anh Huỳnh Sướng đã mở lớp dạy nghề mộc đầu tiên cho 20 thanh niên trong xã. Bằng cả tấm lòng, hai cha con muốn truyền lại cho thế hệ sau cái “nhất nghệ tinh” của cha ông để lại. Đến nay, cha con anh đã mở được 3 lớp với gần 60 học viên. Huỳnh Sướng… nói: “Mình phải truyền cho các em “lửa” yêu nghề. Muốn như vậy, ngay trong bản thân mình phải tâm huyết, phải có “lửa” thì các em mới tin, mới giữ được nghề, duy trì và làm rạng danh mộc Kim Bồng”.
HÀ MINH - AN HỘI