Làng nghề, di tích trong “cơn lốc”đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là làm suy giảm những giá trị văn hóa truyền thống.
Làng nghề, di tích trong “cơn lốc”đô thị hóa

Quá trình đô thị hóa đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là làm suy giảm những giá trị văn hóa truyền thống.

Lây lất làng nghề

Nếu như ngày trước, khi nhắc đến huyện Hóc Môn, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh 18 thôn vườn trầu, những ngôi nhà ba gian hai chái đậm nét kiến trúc dân tộc, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những lễ hội văn hóa đặc sắc… thì ngày nay những hình ảnh, hoạt động văn hóa đó ngày càng mai một.

Ông Phạm Văn Liêm ở xã Bà Điểm (Hóc Môn) nhớ lại: Bà Điểm xưa kia nổi tiếng với những vườn trầu, vườn cau xanh mướt. Xã có diện tích tự nhiên hơn 700ha, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp. Bao đời nay người dân sống bằng nghề trồng trầu, trồng cau, sản xuất lúa và rau màu. Trước đây toàn xã có khoảng 15 - 17ha đất trồng trầu, cau. Hơn chục năm qua, đô thị hóa làm đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, toàn xã chỉ còn 160ha đất nông nghiệp, trong đó còn khoảng 9ha đất trồng trầu, cau nằm rải rác ở các xóm, ấp. Cả xã bây giờ còn chưa tới trăm hộ trồng trầu, cau.

Trầu, cau Bà Điểm xưa kia tiêu thụ khắp Nam kỳ lục tỉnh và xuất sang các nước và vùng lãnh thổ có truyền thống ăn trầu như Malaysia, Đài Loan… Nhưng nay thì “Buôn bán ế ẩm lắm chú ơi. Hồi này không còn nhiều người ăn trầu. Đến cả đám cưới bây giờ người ta cũng ít mua trầu, cau. Buồn lắm, chắc vài năm nữa trầu, cau Bà Điểm chắc không còn. Vườn trầu giờ trở thành “vườn rầu” rồi, chú ơi!”, bà Ba Vân, người có hơn 40 năm bán trầu ở chợ Bà Điểm, tâm sự.

Một trong số ít vườn trầu còn lại ở Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Đỗ Hạnh

Làng nghề rổ rá tại xã Tân An Hội cách thị trấn Củ Chi chừng 1km về phía Tây mang dấu ấn đậm nét của một vùng nông thôn truyền thống. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân An Hội thì hiện chỉ còn gần 300 hộ gia đình làm nghề, giảm nhiều so với trước. Mỗi hộ cũng chỉ có một người, hai người làm chính và thường là những người trên 40 tuổi. Lao động nữ chiếm khoảng 95%, nam giới chỉ làm các công đoạn “lận” cho sản phẩm. So với 5, 10 năm trước, cơn lốc đô thị hóa làm làng nghề ngày một thu hẹp, diện tích đất tự nhiên mất dần, làm giảm chất lượng ngay từ cái… miệng rổ. Miệng rổ được ép bởi hai vành trong và ngoài, ở giữa có nắp đậy làm cho vành rổ có tính thẩm mỹ cao. Anh Vũ Ngọc Thành, một người dân, cho biết: Trước đây mây được sử dụng nhiều trong việc nứt rổ nên sản phẩm làm ra rất bắt mắt, có tính thẩm mỹ cao và bền. Do đất canh tác thành nhà xưởng, người dân lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… nên những bụi mây trước đây bạt ngàn nay ngày càng vắng bóng. Không có mây, bà con phải dùng dây thép để nứt rổ. Thép thì dễ bị han gỉ khi tiếp xúc nhiều với nước nên làm hạ thấp độ bền của sản phẩm. Nứt rổ bằng dây thép, sản phẩm cũng không đẹp.

Nếu năm 1999, TPHCM có khoảng 65 làng nghề thủ công truyền thống đang hoạt động sôi nổi thì đến nay chỉ còn khoảng 16 làng nghề đang lây lất.

Di tích bị xâm hại

Xã Bà Điểm (Hóc Môn) trước đây là một vùng di sản kiến trúc với các ngôi nhà chữ đinh, cửa rống, ba gian hai chái. Nay với cơn lốc đô thị hóa, cả vùng chỉ còn duy nhất một ngôi nhà cửa rống của ông Năm Kéo là còn giữ được kiến trúc truyền thống. Loại nhà chủ yếu của giới trung lưu khá giả này xuất hiện ở vùng ven thời Pháp thuộc, phổ biến vào những năm 1940. Đây là loại nhà đặc trưng: “Bình Dương cửa hông, Hóc Môn cửa rống”. Cửa chính làm bằng gỗ, hai bên là hai cửa rống hình chữ nhật với 10 thanh gỗ xà ngang cách nhau khoảng 5cm. Cách xếp đặt trong nhà cũng đơn giản gần giống như nhà chữ đinh.

Nhà chữ đinh, nhà cửa rống, nhà ba gian hai chái đều được xây dựng trong tổng thể hài hòa với sân trước, sân sau, cây cao bóng mát “chuối sau, cau trước” cho thấy con người sống hài hòa với thiên nhiên.

Tiến sĩ Trương Hoàng Trương (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho biết: “Loại nhà này mất dần do chiếm nhiều diện tích, không còn giữ được chỗ trong môi trường đô thị hóa. Không gian trong từng ngôi nhà cũng được cải tạo cho phù hợp với không gian của từng cá nhân, từng thành viên trong gia đình. Mái ngói thay bằng mái tôn, tôn giả ngói, cột gỗ được thay bằng cột xi măng. Trong một nghiên cứu được thực hiện mới đây tại xã Bà Điểm và Vĩnh Lộc A, chúng tôi thấy xu hướng thay đổi trong kiến trúc của những ngôi nhà truyền thống ở vùng ven TPHCM. Hầu hết nhà được xây dựng theo kiểu mới”. Vườn trầu biến mất, nhà cổ không còn, Bà Điểm chỉ còn là hoài niệm.

Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, PGS-TS-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, nhấn mạnh: “Dấu ấn của thời gian, của lịch sử, mỗi một công trình kiến trúc là tập hợp những thông điệp vô cùng giàu có về bối cảnh xã hội mà nó được khai sinh. Trên nguyên tắc, một công trình kiến trúc được xem là di sản, là những công trình có giá trị lịch sử, mang phong cách tiêu biểu của một giai đoạn, đánh dấu những bước phát triển của kỹ thuật xây dựng, trong đó vật liệu xây dựng cũng có tính lịch sử về sự phát triển của nó. Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp giá trị văn hóa phải nhường bước cho lợi ích kinh tế, nhất là trong quá trình đô thị hóa tự phát. Các ngôi đình của TPHCM là những trường hợp điển hình cho thấy sự yếu thế của các kiến trúc truyền thống trước áp lực kinh tế”.

Yếu tố mà các đình bị xâm hại đầu tiên có thể nói đó là khuôn viên đình, sân đình, hoa viên. Nó đã bị khai thác thành “đất vàng” của những dự án đô thị mới. Đình An Hòa (quận 8) bị dân chiếm quanh vách tường để dựng lều quán buôn bán, làm cho cảnh quan quanh đình nhếch nhác. Đình Bình Hòa (Gò Vấp) bị dân chiếm lấn sân sau cho đến sát vách chánh điện và nhà túc. Nội thất đình Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) một phần bị trưng dụng làm lớp học, một phần bị dân tự động chiếm ở. Cổng của các đình cũng bị biến dạng trước áp lực đô thị hóa. Cổng đình thường rộng và có bia ông hổ án ngữ. Nhưng nhiều đình ở vùng nội thành không còn cổng tam quan vì đường được nới rộng ra cho thuận tiện giao thông đô thị. Có nơi đường lấn sâu vào địa phận đình, như ở đình Xuân Hòa (quận 3), bia ông hổ đã nằm sát ven đường Lý Chính Thắng, bên cạnh là các xe bán bánh mì, cà phê. Hình ảnh mẫu của một ngôi đình với kiểu kiến trúc truyền thống, có đầy đủ võ ca, võ quy, chánh điện, nhà túc, các cảnh quan chung quanh là cây cao bóng mát, sân trước, sân sau, với bia ông hổ, bàn thờ thần nông, đàn xã tắc hầu như không còn thấy ở TPHCM.

Phát triển du lịch

Bà Phan Đình Bích Vân, khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, cho biết: Mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa và tri thức bản địa của người dân. Kết hợp giữa sản xuất sản phẩm đặc trưng với phát triển du lịch là xu hướng tất yếu và đã được thực hiện thành công ở rất nhiều nơi. Làng trầu, cau Bà Điểm (Hóc Môn), làng nghề mây tre lá Thái Mỹ, mành trúc Tân Thông Hội, bánh tráng Phú Hòa Đông, rổ rá Tân An Hội, rế Phước Vĩnh An… (Củ Chi) nếu được khai thác tốt sẽ là những điểm đến cuốn hút du khách, góp phần phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa.

Bà Diệp Thị Mỹ Hạnh, tiến sĩ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM), cho biết: Trong chiến lược quy hoạch đô thị cần tăng cường hợp tác trong việc bảo tồn tài nguyên thực vật, trồng cây xanh, tôn trọng tỷ lệ mảng xanh cho đô thị, phục hồi sinh thái, lâm nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, kinh doanh, khoa học xã hội và truyền thông. Chúng ta cần xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa các cộng đồng địa phương và xây dựng các chương trình đô thị hóa trong xu hướng tôn trọng đa dạng thực vật nhằm bảo tồn và phát huy kiến thức bản địa, truyền thống và địa phương vì lợi ích của đất nước. Làm được như vậy sẽ đóng góp vào sự thành công các mục tiêu về an toàn thực phẩm và nông nghiệp bền vững, sức khỏe, năng lượng, đô thị, biến đổi khí hậu toàn cầu…

Không gian sống của con người ngày càng thay đổi, trong đó những vùng bị tác động và biến đổi nhiều nhất là những khu vực vùng ven đô thị. Quá trình phát triển vùng ven luôn luôn hàm chứa trong bản thân nó những mâu thuẫn, nó là nơi bị tác động và biến đổi nhiều nhất nhưng lại là nơi đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là đối với người đô thị. Vì thế không gian xanh và vùng ven đô là nơi để thư giãn, là nơi mà con người có thể tận hưởng được cuộc sống với thiên nhiên, là nơi rũ bỏ được cái ồn ào, căng thẳng của nhịp sống đô thị. Nếu những làng nghề vùng ven đô được quy hoạch tốt để giữ lại đất canh tác, người dân được đào tạo mỹ thuật, kiến thức kinh doanh, nghiệp vụ du lịch… thì chúng ta không những giữ được vành đai xanh cho đô thị mà còn tổ chức được những tour du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Khi người dân được lợi, họ sẽ góp phần bảo tồn văn hóa.

Số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM cho thấy, toàn thành phố có 297 đình, 448 miếu, 26 đền - lăng thờ cúng danh nhân, 40 đền thờ cúng tín ngưỡng thánh mẫu Liễu Hạnh, 66 đền thờ họ, 19 nhà vuông (võ) và gần 1.000 chùa chiền, cơ sở tín ngưỡng Phật giáo. Đình, chùa, lăng, miếu trên địa bàn TPHCM khá lớn về số lượng và phong phú, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, trước cơn lốc của đô thị hóa, những di tích lịch sử văn hóa này ngày ngày bị xâm hại. Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tại TPHCM có 1/3 số di tích bị lấn chiếm. TPHCM có 57 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì có tới 18 công trình bị xâm hại, một con số đáng báo động.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục