Lắng nghe doanh nghiệp

Tỉnh Bình Dương đang triển khai chuyển đổi công năng, thực hiện di dời các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) ở phía Bắc lên phía Nam của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho các địa bàn phát triển sau.

Đây là quyết sách lớn, tác động rộng rãi đến hàng ngàn doanh nghiệp, được tỉnh thực hiện thận trọng trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng doanh nghiệp, người lao động, đồng thời vẫn đảm bảo tiến độ theo lộ trình.

Để chuyển đổi công năng các KCN đã hình thành hàng chục năm qua tại các địa bàn TP Thuận An, TP Dĩ An; tỉnh yêu cầu thực hiện từng bước và thí điểm tại KCN Bình Đường (TP Dĩ An) để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong đó phải đánh giá kỹ các ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đời sống công nhân, người lao động, qua đó từng bước hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với từng đối tượng cụ thể. Đối với các doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy, hoạt động ổn định lâu năm với hàng ngàn lao động đã an cư gần nhà máy, xí nghiệp, việc chuyển đổi địa điểm đặt ra nhiều thách thức.

Theo đại diện một số doanh nghiệp thuộc diện di dời, các nhà máy xen cài trong khu dân cư có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh, nên cần có đánh giá, phân loại khách quan trên cơ sở quan tâm đến sự phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương Trương Thị Thúy Liên băn khoăn, khi doanh nghiệp chuyển vào các KCN ở khu vực phía Nam tỉnh, vấn đề khó khăn nhất là nguồn lao động, do đó lãnh đạo tỉnh cần tính kỹ điều này, đưa ra lộ trình chuyển đổi hợp lý để doanh nghiệp và người lao động có thời gian sắp xếp, ổn định.

Cùng lo lắng này, đại diện một doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ trên địa bàn TP Dĩ An cho rằng, tuyển dụng lao động sẽ khó khăn, trong khi dự báo có nhiều công nhân không đi cùng nhà máy đến địa điểm mới...

Để giảm thiểu các tác động trong việc thực hiện di dời KCN, trong năm 2024, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời; xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ và tổ chức hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí xác định và chính sách liên quan. Sau khi thực hiện thí điểm, ngành chức năng sẽ tổng kết, đánh giá kết quả.

Các chính sách dự kiến áp dụng gồm: trợ cấp mất việc cho người lao động phải nghỉ việc do di dời, hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách đặc thù hỗ trợ nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ về khuyến công, xúc tiến thương mại; chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong KCN, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ vay vốn, tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới...

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện di dời gần 2.900 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại các KCN nằm rải rác trong khu dân cư đến địa bàn các huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo với nhiều KCN đã và đang xây dựng như Cây Trường, Rạch Bắp mở rộng.

Tin cùng chuyên mục