Bình Phước: Thống nhất vùng bảo vệ di tích giã gạo nuôi quân tại Sóc Bom Bo

Sáng 11-6, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức cuộc họp thống nhất biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích địa điểm ghi dấu phong trào giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo, thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp

Để có cơ sở xác định các khu vực bảo vệ di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phối hợp với các cơ quan hữu quan đã khảo sát, đo đạc và khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 17.041,2m2, bao quanh bởi đường bê tông hiện hữu. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích 1.571,8m2, là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích phải được bảo vệ nguyên trạng, gồm các công trình có giá trị gắn với lịch sử sóc Bom Bo, gồm: Nhà dài truyền thống (nhà 1) có diện tích 228,8m2, nhóm tượng mỹ thuật (giã gạo) có diện tích 51,2m2; sân lễ hội có diện tích 1.010,5m2, nhóm tượng mỹ thuật (đâm trâu) có diện tích 49,6m2; nhà dài truyền thống (nhà 2) có diện tích 231,7m2.

- 9.jpg
Đông đảo du khách đến tham dự Lễ hội vang mãi "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" diễn ra tháng 11-2024

Khu vực bảo vệ II có diện tích 15.469,4m2 là phần diện tích còn lại bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I của di tích, là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Khu vực này bao gồm các hạng mục: Nhà sinh hoạt cộng đồng, khuôn viên cây xanh, nhà vệ sinh, nhà lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác như bộ cồng chiêng, bộ đàn đá.

- 1.jpg
Tiết mục múa cồng chiêng của đồng bào S'tiêng trong một lễ hội truyền thống diễn ra tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ và đi đến thống nhất như nội dung bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích địa điểm ghi dấu phong trào giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo. Đây được xem là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng khai thác hiệu quả hơn nữa Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trong thời gian tới.

Năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo với diện tích 113,4ha, khái toán kinh phí xây dựng 298 tỷ đồng. Năm 2015, khu bảo tồn khánh thành giai đoạn 1 với kinh phí 85,65 tỷ đồng. Công trình có những hạng mục như: nhà đón tiếp, sân lễ hội, 2 nhà dài truyền thống dân tộc S’tiêng, 4 làng nghề truyền thống và 8 căn nhà cấp cho các hộ đồng bào có công với cách mạng, già làng, các nghệ nhân. Trong khu nhà trưng bày các hiện vật thể hiện sống động cuộc sống và câu chuyện lịch sử hào hùng của đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo anh hùng.

- 2.jpg
Đồng bào dân tộc S'tiêng giã gạo trong một lễ hội truyền thống diễn ra tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Vừa qua, tại hội thảo “Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất” tổ chức tại TPHCM, công trình kiến trúc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công nhận là một trong 50 công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Địa danh sóc Bom Bo - một hậu phương vững chắc của cách mạng, trong chiến tranh đồng bào S’tiêng bản địa nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Di tích địa điểm ghi dấu phong trào giã gạo nuôi quân tại sóc Bom Bo là biểu tượng của tình đoàn kết quân - dân thắm thiết trong cách mạng giải phóng dân tộc. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt.

Tin cùng chuyên mục