Làng nghề Phú Tân

Phú Tân là huyện cù lao của tỉnh An Giang, được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Nam) và kênh Vĩnh An (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Bắc).
Làng nghề Phú Tân

Phú Tân là huyện cù lao của tỉnh An Giang, được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Nam) và kênh Vĩnh An (nối sông Tiền với sông Hậu ở phía Bắc).

Nhờ vậy, cù lao Phú Tân có phù sa tốt tươi, ruộng vườn trù phú. Thế mạnh ở nơi đây là nông nghiệp và cũng từ nông nghiệp mà Phú Tân đã hình thành những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển đến nay đã hàng trăm năm.

Làng lò rèn 100 năm

Làng nghề Phú Tân ảnh 1

Hàng rèn của Phú Tân nổi tiếng nhờ uy tín, chất lượng

Chuyến xe khuya đưa tôi từ TPHCM đến bến phà Năng Gù (thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) khoảng 3 giờ sáng, cũng vừa lúc gà trong xóm gáy râm ran xa gần. Bến phà Năng Gù nối liền hai bờ sông Hậu - cửa ngõ chính của huyện Phú Tân giao thương với các địa phương khác có khá đông người, xe máy, xe đạp thồ, xe lam, xe tải nhỏ… đổ về ồ ạt. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã của những người buôn bán lẻ sang Phú Tân mua hàng nông sản kịp về bán buổi chợ sáng làm nhộn nhịp cả bến phà đêm về sáng.

Tôi đứng gần một thanh niên chạy xe máy, hai bên phía sau xe có 2 cái tụng đệm to tướng. Anh cho biết đang qua xóm lò rèn Phú Tân lấy hàng về bỏ mối cho bạn hàng bán lẻ ở các chợ, kể cả những chợ ngoài tỉnh như Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Anh nói, vùng đồng bằng sông Cửu Long đồng ruộng bạt ngàn, là vựa lúa của cả nước, bà con miền Tây sống theo từng mùa lúa, nên nông cụ vô cùng cần thiết, bà con nông dân cần thứ gì, anh đặt hàng cho làng rèn làm thứ đó. Nét mặt anh ánh lên niềm vui với nụ cười tươi tự hào khi nói về các mặt hàng của làng rèn Phú Tân sản xuất: “Nói chung, hàng rèn của Phú Tân nổi tiếng nhờ uy tín, chất lượng rất bền, được người tiêu dùng tin tưởng và bán được lắm”. Anh cười hóm hỉnh, giới thiệu: “Tôi thứ tư, do chuyên bán hàng của làng rèn Phú Tân nên mọi người gọi tôi là Tư Phú Tân”. Thấy còn lâu phà mới chạy chuyến đầu tiên, anh sôi nổi trò chuyện tiếp với tôi trong sự hứng khởi của nghề nghiệp buôn bán. “Nông dân Campuchia ưa chuộng mấy thứ dụng cụ nông nghiệp như lưỡi cày, lưỡi cuốc, rựa, lưỡi hái, dao yếm… của làng lò rèn Phú Tân nên tôi chở thẳng qua biên giới giao tận nơi, bà con đặt hàng làm không kịp”.

Tôi theo Tư Phú Tân đến tham quan làng rèn khi trời vừa rạng sáng. Đó là một xóm nhỏ nhà cửa khá đẹp, sầm uất, nằm dọc theo một con rạch nước thủy triều đang lên, thuộc thị trấn Phú Mỹ - trung tâm của huyện Phú Tân. Từ xa tôi đã nghe tiếng búa dập bình bịch rộn rã cả xóm. Tiếng búa như điệu nhạc vui xen lẫn nét thâm trầm, một đặc trưng chỉ có ở làng rèn Phú Tân. Ánh lửa từ những lò rèn bập bùng sáng rực, thể hiện sức sống bừng lên của làng rèn. Tư Phú Tân dẫn tôi vào một lò rèn đang đỏ lửa mà anh đặt hàng làm lưỡi hái để bán qua Campuchia. Anh Sáu, chủ lò rèn vui vẻ tiếp chúng tôi. Anh chậc lưỡi tiếc rẻ và chỉ tay vào bộ chày dập hàng là bộ moteur điều khiển cây chày, nói: “Cái moteur này mới bị hư nên phải rèn bằng tay, chứ lâu nay chúng tôi đã cải tiến khâu dập rèn, không còn làm bằng tay nữa. Nhờ công cụ máy móc hỗ trợ nên chỉ cần một người ngồi trở để dập thôi. Trước kia, do công việc nặng nhọc lại ngồi kế bên lò lửa quá nóng nên chủ yếu sản xuất vào ban đêm cho mát, còn ban ngày nghỉ. Còn bây giờ có máy móc, nhiều người đặt hàng phải làm suốt ngày đêm”.

Nghe tôi hỏi về quá trình hình thành làng rèn Phú Tân, anh Sáu mau mắn giải thích: “Làng rèn này hình thành đến nay đã hàng trăm năm rồi. Hầu hết đây là nghề gia truyền, riêng gia đình tôi làm từ thời ông cố cho đến tôi, đã 4 đời. Tôi nghe ông bà kể là thuở ban đầu chỉ có vài hộ làm thôi, dần dần thấy nghề này sống được, mọi người cùng nhau làm, hiện nay có hơn 100 hộ làm nghề rèn. Miền Tây là vùng nông nghiệp, nên bà con nông dân phải thường xuyên sử dụng các mặt hàng từ lò rèn. Do vậy, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh miền Tây. Sau này sản phẩm có bán sang Campuchia và mới đây đã sang tận Lào, Trung Quốc”.

Trong lúc anh Sáu làm thủ tục giao nhận hàng với anh Tư Phú Tân, tôi lân la tham quan các lò rèn khác. Tại lò rèn của anh Chín Hòa, chuyên sản xuất đủ loại kéo; từ chiếc kéo nhỏ cắt giấy, cắt vải đến kéo lớn tỉa cây kiểng, tỉa cành lá. Anh Chín Hòa cho biết: “Ở làng nghề này, mỗi lò rèn có từng sản phẩm riêng chứ không sản xuất đại trà, thứ hàng nào cũng làm, như lò rèn của tôi chuyên làm kéo, không làm thứ nào khác”.

Bánh phồng nếp đặc trưng

Cánh đồng Phú Tân rộng khoảng 30.000ha và có tới 90% diện tích trồng nếp. Nếp Phú Tân nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây, có hương vị rất độc đáo, hiếm nơi nào sánh bằng. Hạt nếp Phú Tân trắng ngà, thon dài; nấu xôi vừa dẻo vừa thơm; đặc biệt, có hậu ngọt, ăn vào không cần đường mà vị vẫn còn thấy ngọt ở đầu môi. Với sản lượng nếp nhiều và ngon nên ở Phú Tân đã hình thành nghề làm bánh phồng nếp khá lâu đời tại thị trấn Phú Mỹ. Khi tôi đến nơi thì bầu trời đã sáng rực, mọi người vừa làm xong công đoạn quết bánh phồng và chuẩn bị cán bánh. Thấy tôi tiếc rẻ vì không được thấy cảnh quết bánh phồng, chị Sáu Hậu - chủ lò bánh phồng, giải thích: “Bây giờ làng bánh phồng không còn quết bánh bằng tay mà dùng máy móc như bên lò rèn, khỏe lắm, chỉ cần một người ngồi vùa và thời gian quết cho đến lúc bột chín rất mau, nhanh hơn quết tay hơn 1 giờ”.

Trước hàng hiên nhà, hai con gái của chị Sáu Hậu tuổi khoảng đôi mươi, vậy mà tay nghề cán bánh phồng đã ngót cả chục năm rồi. Tôi thấy đôi tay hai cô thoăn thoắt dùng ống tre cán bánh, cái bánh nào cũng đều tăm tắp, tròn vành vạnh như trăng mười sáu. Nhưng có lẽ phải phục tài đơm bột của cậu con trai út. Cậu Út đôi tay như cái máy, đều đặn đơm từng cục bột bằng nhau như đã cân đong đo đếm. Nhờ vậy, khi các cô gái cán bánh không thừa cũng không thiếu, cái bánh nào cũng đều như nhau. Ngoài sân, chủ lò bánh là chồng chị Sáu Hậu đang mang từng vỉ bánh ra sân phơi. Anh Sáu từ tốn cho biết, khi trời vừa sáng đã hết hơi sương, phơi bánh lúc này sẽ dẻo, không mất chất thơm của nếp. Nếu phơi bánh lúc nắng gắt sẽ làm bánh giòn, mất đi chất mềm dịu của bánh phồng nếp. Hỏi ra mới biết gia đình anh Sáu Hậu làm nghề bánh phồng đến nay đã hơn năm chục năm và anh còn có chân trong ban chủ nhiệm tổ hợp tác nhân giống nếp chất lượng của xã Phú Hưng. Tổ nhân giống có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nếp giống không bị thoái hóa và cung ứng giống cho nhiều địa phương khác canh tác.

Tôi đi dọc theo bờ sông Hậu tìm đến xã Phú Bình, nơi có làng nghề bó chổi bông sậy cũng lâu đời không kém làng lò rèn và làng bánh phồng nếp, nhưng hiện tại không khí sản xuất ở đây có vẻ ảm đạm hơn. Ông Tám Bạc có nghề bó chổi ngót 50 năm, trải lòng: “Chổi bông sậy của làng Phú Bình có mặt hầu hết các tỉnh miền Tây, riêng ở TPHCM thì sản phẩm của chúng tôi chiếm đa số. Nhưng đặc biệt năm nay, từ khi hạn mặn nặng nề khiến cây bông sậy chết khá nhiều, do vậy việc sản xuất có bị chựng lại vì thiếu nguyên liệu. Bây giờ cả làng nghề này chỉ còn vài gia đình sản xuất cầm chừng”.

Phục hồi nguồn cá hiếm

Tôi theo tỉnh lộ 954 đến bến phà Thuận Giang để về xã Phú Trung. Đây là xã sớm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp, tạo tiền đề gắn kết thương mại, dịch vụ và du lịch của Phú Tân. Xã Phú Trung đã xây dựng xong khu công nghiệp và đi vào sản xuất ổn định, nhiều nông dân đã trở thành công nhân. Đặc biệt, xã Phú Trung có ngã ba sông Vàm Nao là nơi hội tụ cá hô và cá ba sa hàng năm về đây sinh sản. Do vậy, Phú Trung trở thành điểm du lịch tham quan cảnh đẹp thiên nhiên, ngoài tìm hiểu nông thôn đổi mới với nhiều phong cảnh hữu tình, du khách còn về đây vào tháng 10, tháng 11 xem cảnh bắt cá ba sa làm cá giống và nhất là được thấy cá hô mà nhiều người từ lâu đã nghe nói chứ chưa thấy tận mắt. Ông Ba Tam, dân chài lưới cố cựu ở xã Phú Trung, cho biết: “Cá hô là loài cá to nhất trong họ cá chép và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trước kia, tôi thường vây lưới bắt được cá hô, có con nặng gần 200kg nhưng bây giờ không còn bắt được nữa. Mới đây, chính quyền địa phương đã thả hơn 11 tấn cá về môi trường thiên nhiên, trong đó có 2 loài cá quý hiếm là cá chày và cá hô để phục hồi nguồn giống”.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục