Trên chuyến xe buýt 08 Long Biên - Đông Mỹ, chúng tôi xuôi về thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) trong một buổi nắng hạ để tìm về làng nghề sơn mài có một không hai trên dải đất hình chữ S.
Thăng trầm lịch sử
Những người cao niên nhất ở đây cũng không biết chính xác làng nghề bắt đầu hình thành từ năm nào, chỉ biết rằng những bức hoành phi câu đối trong đình làng do người làng làm có ghi niên đại từ thế kỷ 18. Theo ký ức của nghệ nhân Vũ Huy Mến thì tổ nghề là ông Đinh Công Thành, người ở làng bên (Duyên Trường, Thường Tín) nhưng người có công đưa sơn mài Hạ Thái lên tầm nghệ thuật là cụ Cả Thiều (Đinh Văn Thành). Cụ Cả Thiều là một trong những sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, người đã đưa những chất liệu mới vào sơn mài như vỏ trứng, vỏ trai, tạo màu vàng, màu son… và chính cụ cũng là người đầu tiên đưa những bức tranh sơn mài đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp) vào những năm đầu thế kỷ 20.
Những sản phẩm sơn mài độc đáo của nghệ nhân làng nghề Hạ Thái
Trải qua hơn 200 năm phát triển, làng nghề sơn mài Hạ Thái cũng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta, tranh sơn mài ban đầu chưa thể cạnh tranh được với dòng tranh sơn dầu, do sơn mài rất kén người thưởng thức. Nếu không hiểu những lớp lang bên trong của sơn mài sẽ không hiểu chìm sâu trong đó là ký ức, tinh hoa, tay mài và tâm hồn của những nghệ nhân. Khi đất nước thống nhất, do hạn chế thông thương nên sơn mài ít được bạn bè quốc tế biết đến, nhưng may sao những người con làng Hạ Thái vẫn quyết giữ nghề truyền thống và hiện nay sơn mài Hạ Thái đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản…
Tuy nhiên, những năm gần đây do sự phát triển của các làng nghề khác nên sơn mài gặp khó khăn trong chi phí đầu vào. Nếu như năm 2006, sơn ta (nhựa cây sơn) giá 300.000 đồng/kg thì nay đã tăng gấp đôi, lên 600.000 - 700.000 đồng/kg. Chính vì thế không ít hộ chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống. Hiện tại làng Hạ Thái có trên 400 hộ làm nghề, đây cũng là nguồn thu nhập chính của làng khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp.
Tinh hoa sơn mài
Sơn mài là một chất liệu đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, không chỉ để vẽ tranh mà còn tham gia vào nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác như hoành phi, câu đối, đồ gia dụng, tượng Phật… Chất liệu làm sơn mài cũng rất đặc biệt, đó chính là cây sơn, một loại cây chỉ mọc ở vùng trung du đồi núi Phú Thọ.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến say sưa sáng tác tác phẩm tranh sơn mài
Cây sơn có đặc tính rất độc, vì vậy trong lúc pha chế nếu không cẩn thận, để sơn dính vào da sẽ bị “ăn da” thành lở loét, chẳng vậy nên ông cha ta có câu tục ngữ “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, ý chỉ cây sơn có tính độc nhưng không phải độc với tất cả mọi người, vẫn có những người biết cách tránh. Hiện nay, ngoài cây sơn, người làng Hạ Thái còn sử dụng thêm dầu của cây điều như một chất liệu thay thế khi nguồn nguyên liệu sơn ta đang dần trở nên khan hiếm.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến (Phó chủ tịch Hội làng nghề Hạ Thái) dẫn chúng tôi vào xưởng vẽ và hướng dẫn quy trình cơ bản làm tranh sơn mài. Để có được tác phẩm sơn mài, trước tiên phải có tấm cốt vóc và nhựa cây sơn, nhựa cây sơn sống.
Trong bước làm vóc, ông Mến dùng lá mít để mài mịn lớp gỗ được chít bằng sơn và mùn cưa, mỗi lớp sơn đều phải mài rất kỹ. Sau đó mang tấm vóc vào ủ trong phòng kín có độ ẩm thích hợp mà chỉ nghệ nhân mới cảm nhận được. Sau khi ủ, tấm vóc tiếp tục được quyét lớp sơn thứ hai để tạo độ bền, độ bóng; cả thảy có 12 lớp sơn.
Gia đình nghệ nhân Vũ Huy Mến là một trong số ít hộ còn sử dụng lối vẽ cổ truyền và những vật liệu truyền thống trong những bức sơn mài khổ lớn. “Sơn mài có lối vẽ rất đặc trưng, công phu; chúng tôi gọi là vẽ chì mài da, việc này phải làm cụ thể mới hiểu hết được”, ông Mến hào hứng kể. Trong sơn mài, khâu mài chính là vẽ và ngược lại, vẽ chính là mài; công đoạn mài chính là nghệ thuật, vì nếu không cẩn thận sẽ làm hỏng bức tranh ngay tức thì.
Chất liệu vỏ trứng thường được gắn đầu tiên, vì sau mỗi lớp mài vỏ trứng có một màu tự nhiên; nghệ nhân gắn trứng cũng phải kiểm tra độ sáng tối của vỏ trứng, chỗ cần rạn to, chỗ rạn nhỏ, chỗ cần màu sẫm, chỗ cần màu tự nhiên… do đó, sơn mài không chỉ cần trí tưởng tượng bay bổng của họa sĩ mà phải có cả kỹ năng làm nghề.
Sơn mài không đứng độc lập với các nghề thủ công khác, ví như sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, đồ gỗ tiện Nhị Khê, sừng Thụy Ứng… đều kết hợp với sơn mài để đưa ra những sản phẩm nghệ thuật tích hợp.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến đưa chúng tôi đến xưởng vẽ của nhóm Sơn Ta, nhóm nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp các trường mỹ thuật về làng Hạ Thái mở xưởng làm nghề. Các nghệ sĩ trẻ trong nhóm cho biết, ở làng nghề này có sẵn nhiều nguyên liệu để làm nghề, bên cạnh đó cũng dễ hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tìm đầu ra cho sản phẩm. Với sự sáng tạo mạnh mẽ của nhóm Sơn Ta, các sản phẩm sơn mài như được “nâng tầm” về mẫu mã, cách truyền đạt ngôn ngữ, hình ảnh sinh động, bắt mắt hơn. Đặc biệt, các nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước, biết lợi dụng tính bắt sáng của màu sắc sơn mài làm nổi bật con rối, vừa lợi dụng tính phản quang của mặt nước để sơn mài thêm lần nữa trở thành sản phẩm có tính nghệ thuật cao.
Chờ tour du lịch làng nghề
Được công nhận là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội, nhưng dường như làng sơn mài Hạ Thái chưa thu hút được nhiều khách du lịch như các làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, thêu Quất Động… Vì sao? Theo ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng thôn Hạ Thái, do các làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng đều xây dựng được một chợ triển lãm ở đầu làng, sản phẩm được trưng bày nhiều, thuận tiện, tập trung… nên khách tham quan dễ bị thu hút. Còn ở làng Hạ Thái, các mặt hàng đa phần được bày tại nhà riêng của mỗi nghệ nhân, khâu quảng bá chưa mạnh, chưa tập trung nên khó có thể xuất khẩu tại chỗ được.
Bên cạnh đó, ông Thi cũng mong muốn rằng thành phố nên mở rộng tuyến xe buýt 08 (Long Biên - Đông Mỹ) tới tận làng Hạ Thái, chỉ cách đó 1km để giao thông thuận tiện hơn, giúp du khách, đặc biệt khách nước ngoài đến với làng Hạ Thái nhiều hơn; từ đó sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của làng, các dịch vụ du lịch kèm theo phát triển sẽ đáp ứng thêm phần việc làm cho dân làng.
Thiết nghĩ, những tour du lịch làng nghề sẽ góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của làng nghề, tạo động lực lớn để người dân giữ nghề cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Niềm mong mỏi của các nghệ nhân cũng chính là nỗi lòng chung của nhân dân thôn Hạ Thái, để nét tinh hoa sơn mài có thể vươn xa đến bạn bè năm châu.
Nguyễn Văn Công