Khi cả tỷ người dõi theo trái bóng Euro trên khắp hành tinh thì làng Mới (Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) vắng bóng niềm vui này. Làng chỉ cách quốc lộ 1A 5km nhưng hoàn toàn không điện.
Làng Mới được dựng từ năm 1966. Anh Đinh Mậu Sỹ, trưởng thôn, kể: “Năm 2004, thế hệ lập làng đi qua làng Mới Sen Thủy, thấy bên đó có điện, mấy làng xung quanh có điện mà làng Mới lại không có. Mấy người già trong làng làm đơn lên xã, lên huyện. Huyện ngạc nhiên, nói trên núi chưa có điện mới tin, chứ làng ở ven quốc lộ chưa có điện, ai tin? Nhiều cán bộ huyện gạt đơn. Nhưng kêu mãi, họ về cũng phải tin, làng không có điện thật”.
Ngồi với trưởng thôn, đi một vòng khắp làng chúng tôi mới biết, làng chẳng có đất canh tác gì nhiều, chỉ có 2ha lúa kiểu da beo, đất vườn nhà được 20ha. Cả làng làm ăn, mưu sinh chỉ trông vào đất vườn. Theo trưởng thôn Đinh Mậu Sỹ, nhiều lần dân muốn thoát nghèo bằng cách lập dự án đi vay tiền về trồng cao su trên 20ha quanh làng nhưng không được. Đến nay chẳng nhà nào có sổ đỏ. Hỏi sao không kiến nghị, nhiều người đồng thanh: “Làng có làm đơn lên huyện xin cấp sổ đỏ nhà cửa, vườn tược mãi mà không có hồi âm, dân âm thầm sống trong chờ đợi. Tới giờ, đất đồi có giá thì dân mơ thoát nghèo cũng chẳng được”.
Trưởng thôn Đinh Mậu Sỹ cho biết thêm, làng chẳng có điện, chẳng có đường, không trường, không trạm. Trẻ con mầm non có 16 đứa phải vào học ké ở xã Thái Thủy, vì trong đó có điện. Học cấp một có 17 em cũng vô Thái Thủy học nhờ, cấp hai 14 em, cấp ba có 2 em vô tận gần thị trấn Kiến Giang.
Ở làng Mới, mỗi căn nhà được xây lên đến 20 năm mới hoàn thành. Nhà trưởng thôn Đinh Mậu Sỹ làm, cả làng xúm vào giúp công. Người xin bờ lô, người xin cát, trưởng thôn làm thuê được ít tiền mua đòn tay, rui mè xong hè nhau làm, có chừng nào làm chừng đó đến 20 năm mới xong. Xong nhà này, làm nhà khác, cũng hơn 10 năm, cứ thế mới giúp nhau dựng nhà ở vùng đất khô cằn. Khó khăn nên người làng tình cảm, việc gì cũng nương tựa vào nhau, kể cả cái ăn.
Làng Mới nghèo lắm, nhưng giàu lòng hiếu học. Trưởng thôn Đinh Mậu Sỹ khoe: “Làng có ai đến tuổi ưng chữ dù nghèo mấy cũng cầm cố tài sản, vay mượn tiền bạc cho con cái đi học nên làng đã có 4 cử nhân rồi”. Ông Nguyễn Quang Hưởng, có 3 con vào đại học, nói: “Con tui ưng chữ lắm, rứa là học tới mô tui cũng vay mượn, làm thuê, cho mấy đứa đi học. Một đứa đã đi làm ở Hà Nội, còn hai đứa nữa đang học sư phạm. Nợ nần dữ lắm nhưng vui, thấy đàn con có chữ thì gạt nước mắt, bấm bụng nuôi chữ cho con”. Cạnh nhà ông Hưởng là nhà ông Hoạt cũng có một cử nhân. Làng Mới nhỏ nghèo, có đến 4 cử nhân là một sự phấn đấu lớn.
Trưởng thôn Đinh Mậu Sỹ tâm sự: “Nghèo cả làng nên chẳng nhà nào xây tường rào bằng xi măng, làm hàng rào bằng cây xanh, đường làng nện đất, ngõ vào lối nhà dân bằng cây cối hết nên nắng không rang như mấy vùng khác”. Đi dưới bóng làng Mới, màu xanh của mít, của tre, của khế, của tràm, của ổi như một sự bù đắp cảnh thiếu điện. Làng Mới cái gì cũng thiếu, chỉ một màu xanh ấy là không thiếu.
Phong-Dung