
Theo giới sử học, làng cổ Hòa Mục (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã có 1.500 năm tuổi. Đây là một trong số ít làng cổ với nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhà cổ... còn sót lại ở Thủ đô. Tuy nhiên, đến năm 2003, dự án làm đường Láng Hạ kéo dài đã cắt đôi không gian làng cổ. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2006, UBND TP Hà Nội tiếp tục xây khu đô thị mới dọc hai bên đường, nghĩa là tiếp tục “khoét sâu” vào phần làng cổ.
- Phá vỡ không gian làng cổ
Ông Lai Viết Cường, 54 tuổi, chỉ vào ngôi nhà của mình, bảo: “Ngôi nhà này của tôi đã có trên 150 năm tuổi. Tính đến đời tôi, đã có 5 đời sống ở đây”. Ông nói rõ thêm, thực ra đây là ngôi từ đường của họ Lai, thờ ông tổ Lai Viết Cây. Thuở trước, nhà bằng gỗ lim, cửa bức bàn, ngói mũi hài. Thời kháng chiến chống Pháp, nhà bị trúng đạn, con cháu sửa chữa vài chỗ nhưng vẫn giữ được kiến trúc cũ, gồm 5 gian. Trong nhà còn nguyên hương án, hoành phi, câu đối cùng sập gụ, tủ chè, tràng kỷ cổ giá trị… Nhiều lần, con cháu giục ông dỡ nhà cũ xây nhà mới, nhưng ông bảo: “Phá làm sao được! Giữ lại không chỉ vì nó gắn với công lao cha ông mà còn là di sản của làng. Ngôi nhà này cùng hàng trăm ngôi nhà cổ khác và các đền, đình, chùa, ao, giếng… đã tạo nên cả quần thể di tích cổ”.

Nhưng cuối năm 2003, ngôi nhà cổ của ông phải dỡ bỏ. Tuyến đường Láng Hạ kéo dài (nay gọi là đường Lê Văn Lương) chạy qua, “xén” mất 3 gian nhà cổ. Bây giờ, đường đã hoàn thành, xe cộ qua lại nườm nượp. Một phần vỉa hè, lòng đường đã từng là nơi gia đình ông đặt hương án, hoành phi, câu đối.
Đứng dưới lòng đường trông lên, căn nhà của ông chỉ còn lại một gian gác cổ. Toàn bộ hương án sơn son thiếp vàng, tủ chè, sập gụ, tràng kỷ… không còn chỗ để, phải xếp chồng lên nhau trong căn buồng rộng khoảng 20m2. Hoành phi, câu đối cổ không đủ chỗ treo, dựng vào một góc. Đồ cổ ném dưới gầm giường. Cánh cửa, rui, xà lim… dỡ ra chất ngoài cổng, số khác thì đem cho. Khi dỡ nhà, một số ngói cổ cũng đã vỡ. Phần nhà sót lại, ông phải mua ngói fibrô-ximăng lợp tạm.
Đưa tôi vòng ra ngõ sau để ngắm ngôi nhà kỹ hơn, ông Cường chỉ lên mé tường đầu hồi, nơi đính nổi hàng chục chiếc đĩa cổ men lam thành hàng, rơm rớm nói: “Ngôi nhà quý như thế này mà tôi đành phải phá đi. Trước khi phá, tôi phải thuê thợ ảnh đến chụp lại. Thi thoảng mang ảnh ra ngắm lại càng thấy tiếc”. Tuy nhiên, trở vào nhà, ông lại bảo: “Biết là tiếc, nhưng vì lợi ích của Hà Nội, cần phải có một con đường để làm đẹp thủ đô, nên chúng tôi đã sẵn sàng nhường đất để mở đường. Mọi việc lẽ ra đã dừng ở đây, nếu như mới đây UBND TP Hà Nội không đưa ra thêm chủ trương tiếp tục lấy đất ở hai bên đường để xây biệt thự và chung cư 14-15 tầng”.
“Nếu làm như vậy, không gian, cảnh quan làng cổ Hòa Mục sẽ bị xé nát. Rất nhiều nhà cổ, di tích văn hóa sẽ bị đè lên”, bà Nguyễn Thị Đào, 69 tuổi, sống cùng tổ 31, xót xa bày tỏ.
Trên đường đưa tôi trở về nhà, từ xa bà đã chỉ ngôi nhà được thiết kế theo lối cổ nằm giữa 3-4 ngôi nhà cổ khác, chung quanh cây cối um tùm. Trong nhà, ông Nguyễn Khắc Mạnh Vật, chồng bà, đang ngồi đăm chiêu, lặng lẽ. Ông bảo: “Tôi đã nhiều lần mang đơn đi kêu gọi chính quyền TP Hà Nội hãy cứu lấy ngôi làng cổ Hòa Mục”. Dẫn tôi đi quanh ngôi nhà, ông tâm sự: “Ngôi nhà này chính bố tôi xây. Đã trên 100 tuổi. Tôi năm nay cũng đã 70 tuổi. Thế nhưng, sắp tới, ngôi nhà này cũng sẽ bị xóa sổ để lấy đất làm chung cư”.
Ông còn cho biết, khi mở đường Láng Hạ kéo dài, một số ngôi từ đường cổ của các dòng họ Ngô, Phùng, Nguyễn, Lai, Hoàng, Đoàn… đã bị “vạt” đi một nửa. Nếu chính quyền TP Hà Nội tiếp tục “khoét” sâu vào 2 bên đường thì các từ đường trên sẽ biến mất hẳn. Anh Nguyễn Văn Sơn, 49 tuổi, sống tại tổ 31, cùng nhiều người dân khác cũng khẳng định: Khi nối dài đường Láng Hạ, 5 ngôi nhà cổ của dân rất đẹp đã bị phá đi. Và nếu triển khai dự án làm chung cư, sẽ còn hàng chục ngôi nhà đã có tuổi 100-200 năm tiếp tục bị mất đi.
Ông Nguyễn Khắc Mạnh Vật cũng nói như vậy. Theo ông, không thể xây một hệ thống chung cư cao tầng giữa ngôi làng cổ. Bởi vì kiến trúc hiện đại sẽ làm tổn hại không gian, cảnh quan, vẻ đẹp của làng cổ. Còn ông Lai Viết Cường thì bảo: “Cả Hà Nội không còn mấy ngôi làng cổ như Hòa Mục. Bởi vậy, chính quyền TP Hà Nội nên nghĩ tới việc bảo tồn, đầu tư tôn tạo hơn là xâm hại một di sản hiếm như vậy”.
- Vẫn xây chung cư cao tầng
Được biết, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội là đơn vị được giao chủ trì dự án xây chung cư cao tầng tại làng Hòa Mục. Theo bản vẽ quy hoạch, dự án trên gồm 4 khu chung cư được đánh số N6.7, N6.8, N 5.1, N5.5 nằm dọc 2 bên đường Láng Hạ kéo dài.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án Láng Hạ-Thanh Xuân, khẳng định, theo kế hoạch, ngay đầu năm 2006 sẽ triển khai 2 khu chung cư N6.7 và N6.8 với 6 tòa nhà 9-18 tầng, đến năm 2008 sẽ hoàn thành. Sẽ có 300 căn hộ dùng để tái định cư tại chỗ và tái định cư cho quỹ nhà phải giải phóng mặt bằng của Hà Nội.
Theo người dân trong làng, nếu làm chung cư, sẽ có 81 hộ dân ở tổ 31 và 14 hộ ở tổ 32 sẽ mất nhà, mất đất, phải chuyển đi nơi khác. Bà Lai Thị Văn, 64 tuổi, sống tại tổ 32, cho rằng việc quy hoạch xung quanh đường Láng Hạ kéo dài là tùy tiện. Theo bà, năm 2001, người làng Hòa Mục đã bị thu hồi 20ha đất (trồng lúa) để xây chung cư Trung Hòa-Nhân Chính. Đến năm 2003, họ lại mất tiếp 100.000m2 đất thổ cư để mở đường, bây giờ lại sắp mất tiếp 100.000m2 làng cổ.
Trả lời câu hỏi nếu làm chung cư thì không gian làng cổ sẽ bị xâm hại nghiêm trọng, ông Nguyễn Duy Cường khẳng định rằng khu vực sẽ lấy đất làm chung cư không có nhà cổ, di tích cổ nào. Còn chuyện làm khu đô thị mới sát một làng cổ, phá vỡ không gian làng cổ, vi phạm Luật Di sản, thì ông Cường cho rằng: “Đây là việc của các nhà vẽ quy hoạch”
Văn Phúc