Lãng phí lớn từ bia rượu

Theo Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong năm 2014, người Việt Nam chi ít nhất khoảng 3,1 tỷ USD (khoảng hơn 61.000 tỷ đồng) để uống bia (chưa kể chi phí bia nhập khẩu, bia xách tay từ nước ngoài...).

Theo Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong năm 2014, người Việt Nam chi ít nhất khoảng 3,1 tỷ USD (khoảng hơn 61.000 tỷ đồng) để uống bia (chưa kể chi phí bia nhập khẩu, bia xách tay từ nước ngoài...).

Với mức tiêu thụ khoảng 30 lít bia/người/năm, Việt Nam là nước có lượng bia tiêu thụ trên đầu người ở mức trung bình thế giới (đứng thứ 50). Nếu tính cả mức tiêu thụ rượu thì con số sẽ còn lớn hơn nhiều. Trong khi đó, thu nhập bình quân (tính theo sức mua) của nước ta vào năm 2013 đứng hạng 129 với khoảng 3.550 USD/người. Có thể thấy đây là một nghịch lý không nhỏ: dân Việt Nam còn nghèo nhưng chi tiêu cho bia rượu ở mức khá lớn, ngoài ra uống nhiều bia rượu thì mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, nguyên nhân gây tai nạn giao thông; lý do dẫn đến không ít vụ ẩu đả, phạm pháp…

 Tuy tiêu thụ bia rượu ở mức khá cao tác động đến việc phát triển của ngành sản xuất bia rượu nhưng ngành công nghiệp này không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, tức càng tiêu thụ thì càng tốn kém, chứ không đem lại lợi ích cho xã hội. Trong khi đó, sản xuất bia rượu nhiều phải tiêu thụ nhiều lương thực mà lẽ ra số lương thực có thể phục vụ chăn nuôi hoặc tăng lượng xuất khẩu. Và càng tiêu thụ nhiều bia rượu thì có thể càng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và là tác nhân gây ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Gần đây, việc tuyên truyền “uống bia có trách nhiệm” được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhất là trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, mức độ tác động của việc tuyên truyền này chưa thực sự rộng khắp. Không ít vụ tai nạn giao thông hay chống người thi hành công vụ có nguyên nhân từ việc quá chén. Do vậy, việc kiểm soát bia rượu ngày càng trở nên cấp thiết và phải được thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp. Về vĩ mô, cần có những quy định hạn chế việc tiêu thụ bia rượu, như tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc tiêu dùng loại sản phẩm này, tăng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép, tăng cường tuyên truyền tác hại của bia rượu trên các phương tiện truyền thông… Bên cạnh đó, cần xây dựng thói quen sử dụng bia rượu có trách nhiệm và có văn hóa, nhất là ở nơi công cộng.

TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục