“Các con là trẻ mồ côi, sau này khi lớn lên hãy cố gắng tìm mọi cách nuôi dưỡng và giúp đỡ các em mồ côi cơ nhỡ giống mình, như bố, mẹ đã từng nuôi dưỡng các con…”, mẹ Phạm Thị Túy Hiền nhắc lại lời dặn của các bố, mẹ khi còn ở trong làng SOS.
Hơn 4 tuổi, 3 anh em Túy Hiền phút chốc trở thành trẻ mồ côi khi mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ tai nạn giao thông. Cả 3 anh em được các bố, mẹ tại Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp, TPHCM) nhận về cưu mang. Đến lượt mình, 22 năm sau, Hiền đến xin việc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức, tình nguyện trở thành mẹ của những mái đầu trẻ thơ không nơi nương tựa.
“Mẹ” Hiền năm nay đã 50 tuổi. Tại ngôi nhà số 16, mẹ đã nuôi nấng hàng chục đứa con lớn khôn, nên người. Đã 21 năm qua, bằng tình thương và trách nhiệm, mẹ luôn làm tròn bổn phận của mình với những đứa con. Cả khi các con khôn lớn, rời làng đi lập nghiệp, rồi kết hôn, có con cháu, không lúc nào, mẹ Hiền không thôi nhớ về chúng. Công việc mỗi ngày của mẹ từ tờ mờ sáng, khi các con còn ngon giấc, mẹ đã lục đục dưới bếp lo bữa sáng, rồi cùng chúng tập thể dục. Không lúc nào các mẹ rảnh tay, hết giặt giũ, nấu ăn, lau nhà, lại đi chợ. Quá 23 giờ, mẹ mới được nghỉ ngơi, sau khi các con đã học bài xong. Đấy là chưa kể những khó nhọc khi phải chăm lo cho các em đặc biệt ốm yếu hay thiểu năng trí tuệ. Mẹ còn phải đút từng muỗng cơm, chăm nom suốt mấy tuần lễ ở bệnh viện với những em nằm viện.
Mẹ Hiền nhớ lại: “Hồi năm 2000, tôi có nhận nuôi một đứa bé 2 tháng tuổi bị bỏ ở cổng làng. Lúc đó, chưa có tổ sơ sinh, tôi thì không lập gia đình, chẳng có con nên không biết chăm trẻ nhỏ. Tối đó, do không có kinh nghiệm chăm bé nên tôi quấn khăn quá chặt làm bé khóc suốt đêm, vậy nên tôi cứ ôm con vào lòng mà thức. Đứa bé ấy cứ hay ói, cho ăn vất vả lắm. Nay cháu đã được 14 tuổi rồi”. Đó là mẹ Hiền nói đến em Đào Hiếu Nghĩa. Em rất hiểu chuyện và chăm ngoan, nhiều năm là học sinh giỏi toàn diện.
Từng lớp trẻ lớn lên rồi tự lập, xa rời vòng tay của mẹ là bấy nhiêu lần mẹ nhớ. Mẹ Hiền vừa là người mẹ, vừa là người bạn sẵn sàng chia sẻ cùng các con những khó khăn trong cuộc sống. Mẹ Hiền cũng không thể quên 4 đứa con quê ở Kiên Giang, cả 4 đứa tâm trí phát triển chậm hơn bình thường nên việc dạy học, kèm cặp rất vất vả. Mẹ đọc từng chữ, con học từng chữ. “Giờ 2 trong 4 đứa đã có gia đình riêng và làm nghề đánh cá. Mỗi khi đi biển cả tháng về là chúng hay điện thoại hỏi thăm. Tôi nhớ chúng lắm, nuôi con lâu quen tay, quen chân, giờ xa xôi ít được thấy mặt con…”, mẹ Hiền nói trong nước mắt.
Cũng giống mẹ Hiền, bảo mẫu Lý Thị Mùi (22 tuổi) được đưa vào làng nuôi dưỡng khi còn rất nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam ngành điều dưỡng, Mùi không xin việc nơi khác mà tiếp tục về với làng để cùng với các mẹ chăm sóc đàn em đồng cảnh ngộ.
Chị Võ Thị Tươi, Trưởng phòng Quản lý nuôi dưỡng giáo dục, cho biết: Hiện tại Làng Thiếu niên Thủ Đức có 12 mẹ ở các gia đình và 4 dì (người thay thế khi các mẹ nghỉ phép), 26 cô ở Tổ Sơ sinh. Mọi người mỗi tháng nhận lương gần 4 triệu đồng, thêm 220.000 đồng trợ cấp độc hại, hàng tháng có 6 ngày phép để về thăm nhà hay đi khám, chữa bệnh. Đã theo công việc này là các mẹ đã xác định ở vậy nuôi con. Hiện tại, đa số các mẹ trong làng trên dưới 50 tuổi chuẩn bị về hưu nhưng việc tìm lớp người kế tục là một bài toán nan giải.
Khi vào đây, các chị phải cam kết 10 năm độc thân, cũng có một vài chị đã lập gia đình nhưng hôn nhân không được vẹn toàn. Mẹ Nguyễn Lê Kim Ngân (31 tuổi) trẻ nhất trong 12 bà mẹ cũng đã làm việc tại làng được hơn 3 năm sau khi chuyện gia đình bất ổn. “Làm công việc điều dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Thị Nghè đang ổn định thì tình cờ tôi biết được các trẻ mồ côi ở đây đang thiếu sự chăm sóc. Tôi thấy thương và mong muốn được chăm sóc cho những em cơ nhỡ mồ côi. Cho tới nay, quyết định trên đang đem lại cho tôi những niềm vui thật sự”, mẹ Kim Ngân nói.
Ngôi làng đầy ắp tình thương này đã từng chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt của những người mẹ và con. Lớp này lớn lên rồi ra đi và những đứa con khác lại đến với mẹ - những người “mẹ” không cùng huyết thống và giàu lòng nhân ái.
ANH TUẤN