Thôn Ngọa Cương có 85 hộ nghèo trên tổng số 143 hộ. Không một tấc đất sản xuất, cuộc sống chỉ biết dựa vào việc khai thác củi trên rừng đem bán. Nay chính quyền cấm phá rừng, chặt củi nên họ tìm mọi cách mưu sinh với nghề “thợ đụng”. Đời sống của người dân thôn Ngọa Cương đang bấp bênh như con thuyền trước sóng lớn.
Từ “tiều phu”...
Đường vào thôn Ngọa Cương (Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình) chật hẹp, quanh co khúc khuỷu. Nhà cửa tạm bợ, xiêu vẹo, trống hoác… đủ nói lên sự khốn cực ở nơi này.
Ngồi co ro trong căn nhà được dựng sơ sài ở lưng chừng núi, bà Dương Thị Khương, nói như oán trách cho định mệnh: “Hơn 20 năm trước, làng chúng tôi có nghề hẳn hoi chứ đâu phải thất nghiệp như bây giờ. Nghề làm gốm sứ đã nuôi không biết bao nhiêu thế hệ. Thế nhưng, khoảng năm 1992 - 1993, nghề này mai một dần và mất luôn do sản phẩm làm ra không bán được, lại thêm quy định về môi trường nên những lò nung cũng đập bỏ đi. Từ đó, chúng tôi phải lên rừng kiếm củi để bán, đong gạo từng bữa”. Thế là nghề “tiều phu” ra đời từ đó. Cả làng dắt díu nhau lên rừng đốn củi. “Những ngày đầu chỉ đi vài bước là đến rừng. Cây cối um tùm, tha hồ mà chặt. Nhưng rồi đốn riết cũng hết. Dần dần phải vào tận rừng sâu, đi cả chục cây số mới tìm được củi tốt, bán mới được giá. Vì thế, việc chặt đốn củi cũng trở nên vất vả hơn nhiều” – bà Khương cho biết.
Trong sự khốn khó, người dân trong làng đùm bọc lẫn nhau. Nếu người nào xảy ra tai nạn hay bị rắn độc cắn trong lúc đốn củi, tất cả ngưng tay đưa người đó xuống núi cấp cứu. Và điều đặc biệt không ai bảo ai, họ tự đặt cho nhau một quy định không bao giờ trộm củi của người khác.
Tình trạng chặt củi của dân thôn Ngọa Cương khiến rừng đầu nguồn bị thiệt hại nghiêm trọng. Chính quyền xã kiểm soát gắt gao hơn công việc của người dân. Lại thêm, ngày nay người ta dùng bếp than, bếp gas, bếp từ… chứ không còn dùng nhiều củi như ngày xưa. Củi người dân đổ mồ hôi nước mắt kiếm về xếp chồng chất, ế chỏng chơ. Lại một lần nữa, người dân thôn Ngọa Cương thất nghiệp.
...đến “thợ dụng”
Ông Dương Công Hiển, Trưởng thôn Ngọa Cương, cho biết: “Cả thôn không có đất nông nghiệp. Người dân thu nhập không ổn định, ai thuê việc gì làm việc đó. Nhưng vẫn còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề đi củi, vì công việc làm thuê không đủ nuôi sống gia đình”.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Tỉnh với 2 lao động chính mà phải nuôi 5 miệng ăn. Các con ông đều đang đi học, hai đứa lớn học ở Sài Gòn và Đà Nẵng, một tháng ít nhất phải chu cấp 3 triệu đồng. Vì thế 2 vợ chồng ông xoay như chong chóng với bất kỳ công việc gì có thể kiếm tiền.
Không trình độ, không nghề nghiệp, nên người dân chạy khắp nơi tìm việc. Bất kể việc gì có tiền họ đều làm, từ phụ hồ, bốc vác, đến ở đợ… Chị Khách, người phụ nữ già hơn rất nhiều so với tuổi 35, vui mừng khoe: “10 ngày qua, may mắn được họ thuê phụ hồ với giá cao, được hơn 2 triệu đồng. Cả năm mới “trúng” dịp may như thế”.
Chen chúc trong kho nhà ông Hùng, chủ một cơ sở sản xuất xi măng, 5 - 6 người bịt kín mặt, mồ hôi nhễ nhại đang làm công việc đóng bao. Tiền công được trả cho việc này cao hơn nhiều lần những việc khác, khoảng 60.000 đồng/tấn xi măng. Nhưng đây là công việc vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều nhất nên không phải ai cũng được thuê. Nhiều người túng quẫn, đến năn nỉ ông Hùng cho làm vài ngày kiếm tiền trang trải nhưng không được đồng ý. Theo ông Hùng, cơ sở của ông nhỏ xíu mà người cần việc quá đông nên ông không thể giúp hết được.
Bà Trần Thị Huyền Trang, cán bộ văn hóa xã Cảnh Hóa, trăn trở: “Người dân quê mình không có nghề nghiệp ổn định nên số hộ nghèo ngày càng tăng. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quảng Trạch đã nhiều lần tạo điều kiện để họ đi học nghề mây tre đan, đan nón, chăn nuôi, thú y... nhưng học xong, người dân không có kinh phí đầu tư sản xuất và sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ nên họ không muốn học nữa. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, dân có kiến nghị về vấn đề việc làm nhưng hiện tại huyện chưa có hướng giải quyết thiết thực.
HỒNG THÚY