Làng võ không thể thiếu "võ gà"

Đá gà là thú tiêu khiển trong xã hội loài người từ rất xa xưa, thu hút cả bậc đế vương. Hình ảnh các cuộc đá gà, đấu vật… đã được khắc họa nhiều di tích lịch sử nổi danh thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến con gà hiển hách không kém gì anh hùng danh tướng cổ kim như vậy bởi nó “có võ”. Nghe hơi “lạ lỗ tai”! Nhưng nếu có dịp đến trường gà, chúng ta sẽ được thưởng thức không ít chiêu thức độc đáo của mấy chú gà nòi chẳng khác gì võ sĩ nơi sàn đấu.…
Làng võ không thể thiếu "võ gà"

Đá gà là thú tiêu khiển trong xã hội loài người từ rất xa xưa, thu hút cả bậc đế vương. Hình ảnh các cuộc đá gà, đấu vật… đã được khắc họa nhiều di tích lịch sử nổi danh thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến con gà hiển hách không kém gì anh hùng danh tướng cổ kim như vậy bởi nó “có võ”. Nghe hơi “lạ lỗ tai”! Nhưng nếu có dịp đến trường gà, chúng ta sẽ được thưởng thức không ít chiêu thức độc đáo của mấy chú gà nòi chẳng khác gì võ sĩ nơi sàn đấu.…

  • Cú "Hồi mã thương"
Làng võ không thể thiếu "võ gà" ảnh 1
HLV Tô Xuân Trường (môn phái Vịnh Xuân Kim Long), HCV Hội thi Võ cổ truyền toàn quốc trong thế Kim kê độc lập..

Xem các tuồng tích trên sân khấu hát bội hoặc cải lương, thỉnh thoảng chúng ta sẽ thấy cảnh sau một chập giao đấu nơi chiến trường, 1 trong 2 vị tướng bỗng dưng bỏ chạy 1-2 vòng rồi bất ngờ xoay người đâm thương ngược trở lại phía sau để hạ gục đối thủ đang mải mê đuổi theo. Ở trường gà cũng thế, quần thảo, chèo kéo lẫn nhau một hồi, bỗng một con rút đầu ra giả thua bỏ chạy, con kia “tưởng bở” lật đật rượt theo. Không ngờ, con gà đang chạy bất ngờ dừng chân, quay đầu lại đá thật mạnh vào đầu, cổ, mắt, thân đối phương đang bất cẩn xông đến.

Lãnh đủ một vố đau như vậy, không chịu nổi, con gà đuổi theo bị loại khỏi vòng chiến, bằng không cũng suy giảm thể lực… Thì ra, chú gà đã giở trò trá bại (giả thua) để chơi cú hồi mã thương - miếng võ sở trường của dòng họ La (nổi tiếng nhất là La Nghệ, La Thành, La Thông) trong truyện Thuyết Đường của Trung Quốc.

Còn trên đấu trường thì sao? Người võ sinh thu chân phải vòng qua gối trái để tọa tấn (tấn ngồi), xoay người một vòng ngược chiều kim đồng hồ rồi đứng lên và cùng lúc 2 tay chụp thẳng tam công (ngón trỏ, giữa và cái) vào mặt đối thủ đang xông đến… Hoặc từ đinh tấn, võ sinh nhảy lùi về sau trụ chân phải, chân trái co lên cao, sau đó xoay người, hạ chân trái xuống và xỉa thẳng 2 tay về phía trước… So sánh thường khập khiểng nhưng đó chính là những cú hồi mã thương trong bài Hùng kê quyền!

  • Hùng kê quyền

Hùng kê là bài quyền (còn gọi là bài thảo) do lão võ sư Ngô Bông (Quảng Ngãi) giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm1993. Tương truyền bài thảo này do Nguyễn Lữ (em của Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và Vua Quang Trung Nguyễn Huệ) chế tác sau nhiều lần quan sát các trận đá gà. Nguyễn Lữ sinh năm 1754, từng được thầy Trương Văn Hiến truyền dạy miên quyền (nhu quyền) - chuyên dùng sức nhẹ để thắng mạnh-hợp với phụ nữ và người tính khí ôn hòa. Hiện nay, võ phái An Bình (gốc Tây Sơn - Bình Định) tại TPHCM vẫn đang thờ Tướng quân Nguyễn Lữ.

Võ sư Nguyễn Công Tâm (Hội Võ cổ truyền TPHCM) cho biết: “Hùng kê quyền vận dụng nhiều thế miếng của gà nòi (gà đá, gà chọi) thành những đòn thế chiến đấu có giá trị cao: nhanh, biến hóa, phòng thủ, đánh xa, đánh gần, giả thua…”.

Làng võ không thể thiếu "võ gà" ảnh 2

...với cú đá bay.

Về thủ, võ sinh đứng theo nhiều thế tấn (tạm hiểu là thế đứng thăng bằng trong võ thuật) khác nhau, trong đó có kê tấn: đứng chân phải, chân trái co lên cao, bàn tay thủ bộ kê thủ (gập 4 ngón: cái, giữa, áp út, út) đồng thời 2 cánh tay dang rộng như 2 cánh gà trông rất oai phong, hùng dũng để vừa ghìm đòn, vừa hù dọa đối phương… Lối thủ này kín toàn thân và đối thủ có thể lãnh trọn ngọn cước cùng cú xỉa vào mắt nếu vô ý xông vào.

Lúc tấn công, võ sinh có thể tung liên tục 2 cú song phi cước bên phải và trái. Khi bay đá, 2 bàn tay vỗ vào nhau như gà tung 2 cánh bay đá 2 chân. Đây phải chăng là miếng xạ rơi (quăng) của gà nòi khi 2 bên vừa xáp độ, sức lực còn dồi dào? Ông Vương Hồng Sển giải thích miếng xạ rơi như sau: “Quăng hay xạ rơi: không cắn gà nọ, chỉ cánh bay lên, chân xạ tới, vừa chân vừa cựa phóng hết, xạ hết vào mình gà địch, không khác trận “vũ bão” của võ sĩ thiện nghệ “ban cho” kẻ đối phương”.

Khi nhập nội (đánh gần), võ sinh thực hiện các thủ pháp (đòn tay) như tấn công (đánh bằng cạnh bàn tay), tam công, nhất chỉ (xỉa, mổ, đâm bằng ngón trỏ hoặc biến thế bằng cách dùng ngón cái như cựa gà) để đánh vào mắt, yết hầu... Cũng có khi chân phải thu về quy tấn (tấn quỳ), xoay người đứng lên tấn công vào mặt đối phương bằng kê thủ phải và trái rồi đánh chỏ thốc vào thân đối thủ. Lối đánh này gần giống như “đòn vỉa” (có nơi gọi là vô vỉa) của gà nòi, nghĩa là luồn đầu vào nách con gà kia, dùng mỏ nắm cổ nắm vai, nắm lông lưng và đá thốc lên. Dính đòn vỉa nhiều lần, con gà kia sẽ bị yếu gân cốt, đá không còn mạnh nữa, thậm chí còn bị gãy cánh…

Các thế võ gà còn xuất hiện ở một số bài quyền khác - Kim kê độc lập trong bài Mai hoa quyền. Mê đá gà và yêu thích thế võ này, ông Đặng Văn Anh (1921-1998) lấy tên võ đường mình là Kim Kê - Tây Sơn Nhạn, đào tạo nhiều võ sĩ đấu đài nổi tiếng tại TPHCM. Ở miền Trung, các võ sư Nguyễn Hồng (Quảng Ngãi), Kim Đình (Bình Định)… cũng là dân chơi gà đòn đồng thời thường trá bại để xoay người tung cú chỏ lật hoặc đá hậu (nghịch lân cước) rất có hiệu quả trong một số trận đấu…

  • Kê quyền trong võ lâm Trung Quốc

Trong võ thuật Trung Quốc, Trần gia Thái cực quyền cũng có thế Kim kê độc lập và Hàn kê bộ ở Mai hoa Đường lang môn. Tại tỉnh Phước Kiến (miền Nam Trung Quốc), Kê quyền rất nổi tiếng với các thế Kim kê chủy mễ (gà vàng mổ gạo) - một tay khóa tay đối phương, bàn tay kia chụm lại mổ vào mắt; Kim kê song đẩu sí (gà vàng rung 2 cánh) - 2 bàn tay đè 2 tay đối phương xuống rồi thuận lực xỉa đầu ngón tay vào mắt đối thủ; Kim kê đối mục (gà vàng nhìn nhau) - một tay khóa tay đối thủ, cổ tay kia đánh vào hông; Liêu âm thủ - bàn tay vổ vào hạ bộ. Kê quyền cũng sử dụng 2 cánh tay như 2 cánh chim - gạt qua 2 bên và tung chân đá lên hạ bộ. Đá là sở trường của loài gà nên Kê quyền còn dạy cho võ sinh luyện tập Nhật nguyệt cước - nhảy đá liên tục 2 chân.

Ở miền Bắc Trung Quốc, ba chi phái Tâm Ý Lục hợp quyền (tỉnh Hà Nam), Hình Ý quyền (tỉnh Hà Bắc) và Đới thị Tâm Ý quyền (tỉnh Sơn Tây) đều sử dụng Hình kê quyền. Tâm Ý Lục hợp quyền tung chiêu Kê đẩu mao (gà rung lông) - tay tấn công vào hạ bộ biểu thị cho động tác gà dùng cánh để đàn áp đối thủ hoặc Kê bào thực (gà bới đất tìm thức ăn) - kéo tay đối thủ xuống và dùng vai đánh vào thân. Xa thị Hình Ý quyền dùng chân đạp vào vùng hạ đẳng, tay tấn công vào mắt như gà vừa đá vừa mổ. Nói chung, những thế Kê quyền thường bắt chước các điệu bộ mổ, phất cánh và đá rất lợi hại của loài gà.

Võ thuật xuất phát từ nhu cầu tự vệ để sinh tồn. Quan sát hoạt động bản năng của các loài vật, những hiện tượng thiên nhiên… cộng với tư duy, con người đã chế tác ra nhiều thế miếng. Chính vì vậy mới có Hầu quyền, Hạc quyền, Hổ quyền, Xà quyền, Kê quyền... Những chiến binh ngày trước đeo những chiếc móng sắt ở tay hay hiệp sĩ vùng Cận đông sử dụng thanh kiếm cong đều mang hình ảnh cái cựa gà. Hoặc nhìn cây liễu mềm mại quằn thân xuống rủ bỏ lớp băng tuyết nặng trĩu để vươn lên, ông Kano Jigoro (người Nhật) đã sáng tác ra môn võ Judo (Nhu đạo). Mỗi môn võ, thế võ đều có giá trị riêng trong từng tình huống cụ thể, quan trọng nhất đối với người học võ vẫn là sự tinh luyện để vận dụng khi “đụng trận”.
 

THIỆN TÂM - HOÀNG THỊNH

Tin cùng chuyên mục