Lao đao sân khấu kịch

Từ nhiều năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa mà sân khấu kịch đạt được nhiều thành tựu khả quan. Thành công của kịch nói không những đến từ sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ diễn viên, biên kịch, đạo diễn mà còn đến từ tình cảm yêu quý, hâm mộ của đông đảo khán giả thành phố.

Từ nhiều năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa mà sân khấu kịch đạt được nhiều thành tựu khả quan. Thành công của kịch nói không những đến từ sự cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ diễn viên, biên kịch, đạo diễn mà còn đến từ tình cảm yêu quý, hâm mộ của đông đảo khán giả thành phố.

Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi ấy của sân khấu kịch dường như đã khép lại. Với mức cát-sê khiêm tốn, khán giả thưa thớt, kịch nói thành phố đang rơi vào tình cảnh lao đao. Mặc dù kịch nói quy tụ nhiều tài năng sân khấu tiêu biểu như NSƯT Việt Anh, NSƯT Thành Lộc, danh hài Hoài Linh, NSƯT Hữu Châu… nhưng bấy nhiêu con người có tâm huyết ấy vẫn chưa đủ để góp phần xây dựng một con đường tươi sáng hơn cho kịch nói. Cát-sê là yếu tố rất quan trọng tác động lớn đến chất lượng vở diễn.

Nhìn qua tình hình ở một số sân khấu kịch như IDECAF, Thế giới trẻ, Nụ cười mới, Hoàng Thái Thanh, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B… để thấy trung bình cát-sê cho diễn viên hạng A khoảng trên dưới 1 triệu đồng/suất, cát-sê cho diễn viên phụ, diễn viên quần chúng thường chỉ đủ chi phí xăng xe, ăn uống và son phấn bình dân! Một vở kịch muốn dàn dựng chỉn chu cần chi phí phù hợp và quy tụ khá nhiều diễn viên.

Nếu trừ các chi phí thuê điểm diễn, đóng thuế, trật tự vệ sinh, thù lao diễn viên… thì thu nhập mà kịch mang lại không thu hút người đứng ra tổ chức hoạt động sân khấu nữa. Khi cát-sê kịch không đủ nuôi sống nghệ sĩ họ phải tự tìm môi trường khác để phát huy là điều không thể tránh khỏi. Do đó, tình trạng đa số diễn viên kịch đều tranh thủ chạy sô đóng phim kiếm thêm thu nhập hoặc làm MC, tham gia các game show, sự kiện… đã vô tình đẩy sân khấu vào tình cảnh thêm khó khăn.

Ngoài ra, tình hình sân khấu còn bị áp đảo, lấn lướt bởi phim rạp, phim truyền hình, ca nhạc, thời trang, trò chơi giải trí trong và ngoài nước… Khán giả hiện nay có rất nhiều lựa chọn trong hưởng thụ văn hóa. Trung bình giá vé xem kịch khoảng 100.000 đồng/1 vé, với giá ghế hàng VIP còn cao hơn nữa. Trong khi giá vé xem phim trung bình lại rẻ hơn, nhất là điểm chiếu tại các NVH-CLB, rạp của công ty điện ảnh… phù hợp với túi tiền của phần đông khán giả, nhất là khán giả trẻ, học sinh - sinh viên. Tuy đã có nhiều biện pháp cải thiện tình hình, thu hút các bạn trẻ đến với sân khấu kịch như bán vé online giảm giá đến 40% (Kịch thế giới trẻ, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B, Kịch Sài Gòn…) để lấp ghế trống nhưng đó vẫn là giải pháp tạm thời và kết quả chưa bền vững.

Nói vậy không có nghĩa là hết cơ hội. Việc đầu tư, chăm chút đổi mới về hệ thống điểm diễn, tìm kịch bản hay, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho khán giả đến với sân khấu, quảng bá sâu rộng nội dung hấp dẫn của vở, giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng… là một trong nhiều giải pháp vực dậy sân khấu nói chung và kịch nói riêng. Thiết nghĩ, việc xã hội hóa sân khấu hiện nay vẫn là mô hình tốt, cần phát huy nhưng bên cạnh đó cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước có liên quan nhằm tạo một cơ chế thuận lợi giúp vực dậy sức sống vốn có của sân khấu thành phố.

Khánh Linh

Tin cùng chuyên mục