Sống được nhờ bản sắc riêng
Nhìn vào tổng thể hoạt động sân khấu kịch XHH hiện nay, dễ thấy chỉ còn vài ba sân khấu duy trì được sự sống bằng phong cách, bản sắc riêng, độc đáo. Sân khấu Hoàng Thái Thanh trung thành với kịch tâm lý tình cảm xã hội, chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Từng vở kịch đi sâu vào lòng người xem bằng những câu chuyện tình cảm đôi lứa, tình yêu gia đình; những biến thiên của cuộc sống nhân vật luôn gần gũi với đời sống xã hội, tâm lý con người thời đại, nên dễ được khán giả đón nhận.
Sân khấu kịch Idecaf cuốn hút khán giả bằng tài năng của dàn diễn viên giỏi nghề
Không chỉ thế, hai nghệ sĩ trụ cột là NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như chính là “thẻ bài” giúp lôi kéo khán giả đến với các vở kịch, gắn bó và ủng hộ sân khấu. Dù vậy, thời gian qua, sân khấu này cũng rơi vào tình trạng thiếu kịch bản chất lượng. Khi trào lưu nhạc kịch, hài kịch chiếm vị thế trên thị trường, Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã thử thay đổi một chút trong đầu tư xây dựng tác phẩm, đổi đạo diễn, đổi cách thức dàn dựng, song hiệu quả đạt được vẫn không cao.
Với Sân khấu kịch Idecaf, việc trung thành với phong cách hài kịch vui nhộn, đậm tính nhân sinh, nhân văn, khéo lồng ghép những vấn đề thời sự xã hội đang được công chúng quan tâm, cộng thêm sự diễn xuất chuyên nghiệp của dàn diễn viên tên tuổi, đã giúp sân khấu này thường xuyên “cháy” vé. Tại TPHCM hiện nay, đây cũng là sân khấu kịch duy nhất có tình trạng khán giả phải mua vé chợ đen để được xem kịch, thậm chí khán giả xếp hàng chờ mua vé trước cả khi quầy vé mở cửa.
Còn Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ thì đang tạm ngưng chờ sửa chữa nâng cấp. Sân khấu kịch Hồng Vân ở cả hai địa điểm Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Superbowl, hiện hoạt động cầm chừng. Nhiều tác phẩm do diễn viên, đạo diễn, tác giả trẻ phối hợp dàn dựng và biểu diễn, chất lượng có phần giảm sút so với trước.
Sân khấu kịch Minh Nhí - Quốc Thảo sau khi ra mắt, hoạt động được vài tháng, đến nay cũng đã ngưng diễn. Sân khấu kịch Hồng Hạc đang cố gắng duy trì lịch diễn, một số tác phẩm kịch của đơn vị mang nặng tính học thuật nên kén khán giả. Sân khấu kịch Sài Gòn dù trung thành với dòng kịch ma mị, kinh dị, nhưng đến thời điểm này đã bị bão hòa, khán giả đến rạp thưa vắng hơn. Các sân khấu kịch - cà phê tuy còn hoạt động rải rác, song chưa thể bứt phá, tạo dấu ấn bằng những tác phẩm chất lượng hay đội ngũ diễn viên trẻ tài năng.
Ngay cả đơn vị Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, sàn diễn đóng cửa hai năm qua vì chờ sửa chữa, xây dựng. Đến thời điểm này, điểm diễn từng là sân khấu thử nghiệm lẫy lừng của thành phố, là cái nôi nuôi dưỡng và đóng góp cho đời sống văn hóa nghệ thuật TPHCM nhiều nghệ sĩ tài năng, vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ dự án xây dựng, nâng cấp. 5B vẫn là một không gian bỏ ngỏ, ngổn ngang những vật dụng sắt thép sàn diễn, ghế ngồi khán giả được tháo dỡ đã lâu.
Mịt mờ giải pháp
Không thể phủ nhận, nhiều năm qua, chất lượng nghệ thuật, tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả lĩnh vực sân khấu nói chung và sân khấu kịch XHH nói riêng bị giảm sút là do thiếu đội ngũ sáng tác hùng hậu, có tài, có kinh nghiệm nghề, sự sáng tạo, kiến thức sâu rộng. Thiếu đi tác phẩm hay, xuất sắc thì không thể có được những vở diễn hay, độc đáo. Chưa kể, đội ngũ đạo diễn sân khấu có tay nghề hiện cũng hiếm hoi, nên không thể xây dựng những vở diễn có sự bứt phá.
NSND Trần Ngọc Giàu lo lắng: “Hiện nay, nhiều đạo diễn sân khấu kịch dựng không ra tác phẩm hoàn chỉnh, vở diễn đầy lỗi và tất cả vẫn dựng vở theo cảm tính. Càng về sau, người dạy nghề đạo diễn càng thiếu, người học không được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho nghề. Tôi sợ nhất là tại các game show truyền hình, các em chỉ mới dựng được một tiểu phẩm nhưng ban giám khảo đã tung hô, khen ngợi, dùng những từ như “bái phục, khâm phục”… Một game show và một tiết mục sân khấu dàn dựng hoàn toàn khác nhau”. Chính khoảng trống hụt hẫng trong công tác đào tạo đội ngũ kế thừa suốt nhiều năm qua đã khiến cho lĩnh vực sân khấu thiếu hụt trầm trọng những đạo diễn có tay nghề, giỏi chuyên môn”.
Tình trạng này đã và đang tồn tại, diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi, nhưng đến nay, đơn vị quản lý văn hóa TPHCM là Sở VH-TT cùng các ban ngành liên quan vẫn chưa tìm ra được một giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với những khó khăn, bức bách, tồn tại của các sân khấu XHH.