
Đánh dấu 40 năm kể từ khi được ban biên tập tờ Washington Post giao nhiệm vụ khai thác thông tin liên quan đến vụ bê bối chính trị - gián điệp thông tin lớn nhất lịch sử Mỹ, hai phóng viên nổi tiếng Bob Woodward và Carl Bernstein lần đầu tiên “tái hợp” để nhắc lại sự kiện trên. Bài viết đăng trên Washington Post ngày 11-6 có tựa đề: “40 năm sau vụ Watergate, Tổng thống Nixon tồi tệ hơn chúng ta đã biết”.
Theo hai tác giả, trong suốt hơn 5 năm ở cương vị ông chủ Nhà Trắng bắt đầu từ năm 1969, Tổng thống Nixon đã vận hành triệt để thành công 5 cuộc chiến: chống lại phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam, chống lại truyền thông, đảng đối lập Dân chủ, hệ thống tư pháp và cuối cùng là chống lại chính lịch sử Mỹ. Tất cả những bằng chứng được lưu giữ đã phản ánh được bản chất của Tổng thống thứ 37 của Mỹ: bất chấp thủ đoạn, kể cả hành vi phạm pháp để đạt được mục đích chính trị. Trên thực tế Watergate là gì? Là cuộc chiến được ví như con bạch tuộc 5 vòi mà Tổng thống Nixon là người cầm trịch.

Carl Bernstein và Bob Woodward tại tòa soạn tờ Washington Post năm 1973.
Dập tắt phản chiến và truyền thông
Tổng thống Nixon đánh giá những hành vi dẫn đến vụ bê bối Watergate là cách để chính quyền ông duy trì vị thế, củng cố sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến ở Việt Nam. Năm 1970, Tổng thống Nixon phê chuẩn Kế hoạch Huston, là một trong những đòn đánh vào tự do và sự riêng tư cá nhân trắng trợn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó cho phép các cơ quan tình báo mở thư, dùng các phương pháp giám sát điện tử và thậm chí cho phép do thám đối với công dân Mỹ. Thomas Charles Huston, trợ lý làm việc tại Nhà Trắng – tác giả của kế hoạch trên từng cảnh báo với Nixon đây là hành vi trái pháp luật nhưng Nixon vẫn bất chấp thông qua.
Ngày 17-6-1971, đúng một năm trước khi vụ Watergate bị phanh phui, Tổng thống Nixon đã có cuộc gặp với Chánh Văn phòng Nhà Trắng Bob Haldeman và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ Henry Kissinger tại Phòng bầu dục. Chủ đề chính của buổi gặp bất thường đó đề cập đến tập tài liệu mà trong đó cựu Tổng thống Lyndon Johnson trình bày về quyết định ngừng ném bom ở Việt Nam năm 1968. Nixon khi ấy đã ra lệnh cho Bob Haldeman bằng mọi cách đánh cắp tài liệu đó về để phân tích. Trong suy nghĩ hiếu chiến của mình, Nixon cho rằng quyết định trên của Lyndon Johnson đã làm hạn chế quyền lực của Nixon đối với cuộc chiến Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Đến năm 1974, Nixon càng tỏ thái độ hiếu chiến hơn với việc hiển nhiên công nhận các hành động ném bom xuống vùng trời Việt Nam là hành động tự vệ.
Ở thời điểm Tổng thống Nixon tại vị, truyền thông Mỹ đã phản ánh một sự thật rằng lòng tin của người Mỹ đối với chính quyền đã dần mất. Báo chí đổ dồn tập trung vào các hoạt động phản chiến và khẳng định tác động tích cực từ các hoạt động này. Khi ấy, cái gai đầu tiên của chính quyền Nixon là Daniel Ellsberg - nhân viên phân tích quân sự cao cấp của Mỹ, người đã công bố “Hồ sơ Lầu Năm góc” vào năm 1971, tiết lộ về những góc khuất của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Daniel Ellsberg đã cung cấp những tài liệu quý báu này cho một số tờ báo uy tín lúc bấy giờ, chủ yếu là tờ New York Times, Washington Post. Sau khi những tài liệu này được công bố, làn sóng phản chiến bùng lên dữ dội, được xem là đòn chí mạng giáng xuống Nixon. Tổng thống Nixon buộc phải ra lệnh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy bắt Daniel Ellsberg.
Việc Tổng thống Nixon yêu cầu trừng trị ông Ellsberg đã được tiết lộ trong một đoạn băng ghi âm. Tổng thống Nixon: “Hãy tống tên rác rưởi này vào ngục”. Kissinger: “Vâng, chúng tôi đã bắt hắn”. Tổng thống Nixon: “Không cần lo lắng về việc xét xử hắn. Hãy dùng báo chí để xét xử hắn, giết chết hắn... Hiểu chưa?”.
Tổng thống Nixon đã giao trọng trách bôi nhọ Ellsberg cho hai thuộc hạ của mình và họ đã ép buộc bác sĩ tâm lý của Ellsberg chứng nhận ông là kẻ hoang tưởng, kẻ đồng tính, rắp tâm dùng sức ép dư luận để buộc Ellsberg tự sát. Đồng thời, họ còn sai người vào phòng giam Ellsberg tra tấn ông.
Tuy nhiên, sự “nhúng tay” này quá trắng trợn nên bất thành. Daniel Ellsberg vẫn sống để năm 2002, ông cho ra mắt quyển “Tiết lộ hồi ức về Việt Nam và tài liệu Lầu Năm góc”. Trong một thu âm từ cuộc họp ngày 22-2-1971 tại Phòng Bầu dục, Nixon đã nói: “Để tiến hành cuộc chiến trong lâu dài, hãy giết các nhà báo. Chúng là kẻ thù. Hiểu không?”.
Trong quá trình Washington Post nhập cuộc vào vụ Watergate để khai thác thông tin, Tổng thống Nixon không ngừng hăm dọa tờ báo này, gây sức ép đối với nữ Tổng biên tập Katharine Graham. Bà Katharine Graham nổi tiếng với câu nói: “Khi đã bơi đến chỗ sâu nhất của dòng sông thì phải tiếp tục bơi vì không có đường rút lui nữa” để đáp trả lại thái độ hung hăng của Nixon.

Những cuộn băng ghi âm Nhà Trắng có được trong chiến dịch nghe lén đối thủ được Tổng thống Nixon tiến hành.
Dùng hệ thống tư pháp để phạm luật
Đầu năm 1972, John N. Mitchell (cựu Bộ trưởng Tư pháp, sau đó là Giám đốc Ủy ban tái cử của Tổng thống Nixon) đã liên lạc với Thư ký Ủy ban tái cử của tổng thống là Gordon Liddy – cựu nhân viên FBI - để người này giới thiệu kế hoạch “Gemstone”. Đây là kế hoạch gián điệp bên trong trụ sở Ủy ban tranh cử quốc gia đảng Dân chủ nhằm phá hoại đối thủ cho cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ. Chi phí cho hoạt động này được kê lên đến 1 triệu USD.
Chưa hết, chiêu thức quen thuộc của Nixon là dùng phụ nữ để khai thác điểm yếu của đối thủ. Trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 38 diễn ra, Nixon đã lập cho mình danh sách những đối thủ đáng gờm nhất, trong đó có thượng nghị sĩ Edward Kennedy của đảng đối lập, chính trị gia được dân Mỹ ngưỡng mộ, để tìm những điểm yếu của họ. Nixon đã tìm thấy được “gót chân Achilles” của Edward Kennedy ở vụ tai nạn 1969 do ông này gây ra khi lái xe đâm vào một cây cầu ở Chappaquiddick gần nhà, khiến một phụ nữ thiệt mạng. Nixon đã dùng điểm này để bôi nhọ uy tín của ông Kennedy. Một cách bôi nhọ đối thủ mà Nixon thường làm là gán cho họ đặc điểm của người đồng tính.
Ngày 17-6-1972, khi 5 gián điệp thông tin bị bắt tại trụ sở của Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ Mỹ, trong khu nhà văn phòng của khách sạn Watergate tại thủ đô Washington, “ngày tàn” của Nixon vẫn chưa đến. Chính quyền Nixon đã gây áp lực trở lại đối với CIA và FBI vì cho rằng, nếu những thông tin này bị tiết lộ sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Cho đến khi bài viết đầu tiên của Bob Woodward và Carl Bernstein về vụ gián điệp thông tin của Nixon xuất hiện trên mặt báo Washington Post thì Nixon mới cuống cuồng. Ông cho rằng Washington Post và New York Times đã làm “tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia” và ngay lập tức chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ ra lệnh cấm công bố các tài liệu tuyệt mật.
Tuy nhiên, ngày 21-6-1971, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết hai tờ báo trên thắng kiện, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử báo chí của Mỹ. Và Richard Nixon là tổng thống duy nhất của Mỹ từ trước đến nay phải từ chức.
Trong bài báo của mình, Bob Woodward và Carl Bernstein viết: “Những bài viết về Watergate mà chúng tôi đã viết trên Washington Post trong giai đoạn 1972 - 1974 không phải là Watergate dưới góc nhìn của thời đại ngày nay. Đó chỉ là bề nổi, cái nhìn thoáng qua của những gì mà đến nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục tìm hiểu và phán xét. Tổng thống Nixon không còn lựa chọn nào ngoài việc từ chức nhưng những gì ông làm đã biến Nhà Trắng thành một “tập đoàn gây tội ác” bằng thủ đoạn tinh vi nhất thời bấy giờ. |
NHƯ QUỲNH (Tổng hợp)