
Có thời điểm, tại TPHCM, các dự án xây dựng rạp hát hoành tráng ào ạt “đổ bộ” trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhen nhóm niềm hy vọng về những sân khấu, rạp hát quy mô, đầy đủ công năng và các công trình hỗ trợ, giúp nghệ sĩ có nơi làm nghề ổn định. Thế nhưng, đến nay những dự án vĩ mô ấy vẫn còn nằm trên… giấy.
Thiếu, yếu và mất dần
GS-NS Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM, từng nhận xét, thiết chế văn hóa TPHCM so với cả nước là kém nhất. Theo thời gian, hàng loạt rạp hát bị biến chuyển công năng, không ít rạp nổi tiếng một thời, gắn bó với cư dân TP, giờ đã biến mất.
Hiện nay, số rạp hát ở TP còn hoạt động được đếm không hết đầu ngón tay. Rạp Hưng Đạo xây chưa xong, rạp Thủ Đô, rạp Kim Châu, Nhân Dân, Long Phụng, Lệ Thanh… xuống cấp trầm trọng, rạp Đại Đồng cho sân khấu kịch Sài Gòn thuê. Ba nhà hát đắt giá nhất hiện nay là Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành đang cho thuê mặt bằng biểu diễn, tổ chức sự kiện, hội nghị…
Trong khi sân khấu cải lương khiêm tốn lui về diễn tạm ở rạp Thủ Đô (quận 5), sân khấu kịch nói lại hoạt động khá xôm tụ ở các trung tâm văn hóa (TTVH), nhà thiếu nhi (NTN) các quận trung tâm, khu dân cư. Sân khấu kịch Hồng Vân thuê 2 điểm diễn ở TTVH quận Phú Nhuận và ở Trung tâm Thương mại Superbowl (Tân Bình); sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sau 2 năm trụ ở Nhà Thiếu nhi TPHCM nay phải dời về NTN quận 10; IDECAF thuê sân khấu của Viện Trao đổi văn hóa với Pháp và NTN quận 1; sân khấu Thế Giới Trẻ nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM; sân khấu Sao Minh Béo trụ ở TTVH quận 11; sân khấu kịch Tâm Ngọc mới dời về rạp Vườn Lài (quận 10); sân khấu kịch Lê Hay đóng đô ở TTVH quận Bình Thạnh; sân khấu kịch Thuần Việt tiến quân ra quận ven, thuê hội trường của NTN quận 2… Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần tuy không phải lo lắng chi phí thuê điểm diễn, nhưng sân khấu nằm tận lầu 3, lại quá cũ kỹ. Chỉ có Nhà hát kịch TPHCM có sẵn cơ ngơi là rạp Công Nhân.

Nhà hát kịch TPHCM có sẵn cơ ngơi là rạp Công Nhân.
Bà “bầu” sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - đạo diễn, nghệ sĩ Ái Như và Giám đốc sân khấu kịch Tâm Ngọc - Phạm Vũ Kiên từng trải qua một thời gian dài tìm kiếm điểm diễn vô cùng vất vả. Không chỉ vậy, giá thuê các điểm diễn này lại khá cao, từ 3,5 triệu đồng đến 5 - 6 triệu đồng/đêm diễn. Với chi phí thuê mướn mặt bằng khá đắt đỏ, cộng thêm các khoản đầu tư cơ bản cho sân khấu, đặt viết kịch bản, dàn dựng, cát sê diễn viên… thì không ít bầu sô phải gồng mình.
Đầu tư phù hợp thực tế
Trong một số cuộc họp với các đại biểu HĐND TPHCM, với Sở VH-TT-DL, NSND Hồng Vân đã bày tỏ những trăn trở, bức xúc của anh em nghệ sĩ, đang chịu nhiều áp lực, nhất là về cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư quảng bá nghệ thuật. Chị nhấn mạnh, các sân khấu kịch hiện nay toàn phải đi thuê lại các cơ sở NTN, TTVH các quận huyện để hoạt động. Trong khi, hầu hết cơ sở này đều xuống cấp, không phù hợp với yêu cầu của sân khấu kịch nói. Giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn bủa vây ấy, các nghệ sĩ đã phải bươn chải, gồng gánh đến mỏi mệt… nhưng anh em nghệ sĩ vẫn không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực nào từ các cơ quan quản lý văn hóa.
NSƯT Thành Hội từng ví von các đơn vị nghệ thuật nhà nước là con đẻ của Sở VH-TT-DL TPHCM, vậy các đơn vị xã hội hóa sân khấu giống con nuôi. Tuy nhiên, chí ít sở phải có sự quan tâm, chăm sóc, vì ít nhiều các sân khấu xã hội hóa đều chịu sự quản lý của Sở VH-TT-DL TPHCM trong định hướng hoạt động. Hơn thế nữa, “những đứa con nuôi” này lại làm việc có hiệu quả, góp phần đem lại bộ mặt văn hóa đa dạng, phong phú, sôi nổi cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật TPHCM nhiều năm qua. Thế nhưng, đến nay sự quan tâm cụ thể và thiết thực dành cho các đơn vị xã hội hóa vẫn chưa thấy. Trên thực tế, các đơn vị xã hội hóa kịch nói vẫn phải tự bươn chải, tự thu tự chi, tự làm tự chịu. Có lỗ lã, có khó khăn đến mấy cũng tự giải quyết chỉ với mong muốn được làm nghề.
Ngay với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO), nhu cầu cần có một sân khấu để biểu diễn ổn định cũng là vấn đề đau đầu. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát bày tỏ: “Trong tình hình khó khăn này, tôi không mơ vài ngàn tỷ đồng để xây nhà hát hoành tráng. Thực tế, chúng tôi mong muốn được bàn giao lại địa điểm 23 Lê Duẩn, để nhà hát thực sự có nhà”.
Theo ý kiến của nhiều nghệ sĩ, với đặc thù của sân khấu kịch nói, điểm diễn không cần phải quá lớn, chỉ cần sân khấu có chừng 150 - 300 ghế là được. Không gian nhỏ ấm cúng sẽ tạo được sự giao lưu, gần gũi giữa sân khấu, nghệ sĩ và khán giả. Giám đốc sân khấu kịch IDECAF - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Vấn đề rạp tôi đã nói cách đây cả chục năm rồi, nhưng đâu lại vào đấy. Nhiều người hỏi tôi có nên xây nhà hát 1.000 chỗ hay không và xây theo cách nào? Tôi đáp rằng, khi tôi qua Nhật Bản biểu diễn, NVH ở Nhật cũng không quá lớn.
Các đơn vị nghệ thuật ký hợp đồng thuê chừng 10 năm rồi lại di chuyển địa điểm diễn sang vùng khác. Những điểm diễn thường ở gần điểm dừng của các bến xe điện, khu đông dân cư, tạo điều kiện để khán giả đến xem. Còn ở Việt Nam, những rạp hát còn hoạt động được thì các đơn vị sân khấu xã hội hóa không thể bước chân vào nổi vì tiền thuê mướn khá cao và còn nhiều trở ngại khác. Chúng tôi chỉ còn biết tìm đến các NTN, TTVH các quận, vì các đơn vị này cũng có nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên. Trước mắt, chúng ta đừng quan tâm xây dựng các nhà hát hoành tráng.
Chỉ cần xây rạp hát khoảng 400-500 chỗ là tiện lợi. Mặt khác, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp các rạp hát đang có. Bên cạnh đó, một việc cấp thiết cần phải làm ngay chính là xây dựng nguồn lực - đội ngũ những người làm ra sản phẩm văn hóa, quản lý văn hóa và cả người biết thưởng thức các sản phẩm văn hóa đó”.
THÚY BÌNH