Lấy sơn vẽ lá cờ cách mạng

“Việc đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp quản là treo lá cờ cách mạng lên để khẳng định quyền làm chủ và tạo sự phấn khởi trong anh em công nhân và người dân” - ông Hà Tăng, nguyên là cán bộ Hoa vận, chia sẻ cảm xúc của mình trong buổi gặp gỡ, giao lưu “Thời khắc tháng tư lịch sử” do LĐLĐ TPHCM tổ chức vào chiều ngày 26-4. 

“Việc đầu tiên của chúng tôi khi được tiếp quản là treo lá cờ cách mạng lên để khẳng định quyền làm chủ và tạo sự phấn khởi trong anh em công nhân và người dân” - ông Hà Tăng, nguyên là cán bộ Hoa vận, chia sẻ cảm xúc của mình trong buổi gặp gỡ, giao lưu “Thời khắc tháng tư lịch sử” do LĐLĐ TPHCM tổ chức vào chiều ngày 26-4. 

Bằng giọng đầy cảm xúc, ông Hà Tăng đã tái hiện lại thời khắc lịch sử hào hùng của cán bộ công vận người Hoa trong ngày giải phóng rất sinh động: “Khi đơn vị được giao công tác chuẩn bị khởi nghĩa, tinh thần anh em rất phấn khởi. Chúng tôi chuẩn bị vũ khí, loa, truyền đơn, khẩu hiệu, cờ và cả con dấu. Lúc đã giành thắng lợi, đêm đó chúng tôi không ngủ được, phần vì lo bảo vệ các kho nguyên liệu, phần lo trị an trên địa bàn. Chỉ đến khi bàn giao chính thức cho ủy ban cách mạng lâm thời thì nhiệm vụ của lực lượng công vận người Hoa mới hoàn thành”.

Ông Võ Thành Đô, bí danh Năm Đô, nguyên Trưởng ban Công vận huyện Thủ Đức (cũ), kể lại những câu chuyện về hoạt động công vận của mình và đồng đội rất mạch lạc. “Dù đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng anh em công nhân quyết nổi dậy chiếm giữ các nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm an toàn, nguyên vẹn để phục vụ nhân dân, không cho địch phá hoại” - ông Đô chia sẻ. Câu chuyện của ông xoay quanh những người công nhân Xí nghiệp Dệt Liên Phương (Công ty Dệt Phước Long bây giờ) mướn nhà ở gần xí nghiệp, chuẩn bị khẩu hiệu, cờ, băng rôn để khi xe tăng quân giải phóng tiến về Sài Gòn thì ngay lập tức treo cờ, thu súng của phòng vệ dân sự và tiếp quản nhà máy. Hay công nhân Nguyễn Văn Thiên, Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, quyết phải bảo vệ nhà máy để đảm bảo nguồn điện. Khi trong nhà máy không có vải màu để may cờ, anh đã lấy sơn vẽ lá cờ đỏ sao vàng để treo trong ngày độc lập. Công nhân Nguyễn Văn Muốn, tức Hai Dây ở Nhà máy nước Thủ Đức, đã đề xuất với giám đốc đưa gia đình công nhân vào nhà máy để anh em an tâm làm việc, mục đích là để đưa lực lượng vào lập tổ khởi nghĩa. 

Trong câu chuyện của mình, các cô, chú tham gia chương trình đã cho thấy chính lá cờ đỏ khi được treo lên bằng bàn tay của những người công nhân trực tiếp tại các nhà máy, xí nghiệp đã làm địch hoang mang rời đi, giúp giai cấp công nhân giữ được nhà máy đến khi lực lượng đến tiếp quản.

Tham gia buổi giao lưu “Thời khắc tháng tư lịch sử”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ: “Giai cấp công nhân Sài Gòn - Gia Định đã kế thừa truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc, với bản chất cách mạng kiên cường, luôn hướng về cách mạng cùng với sự gan góc, bền bỉ đấu tranh liên tục kiên quyết bám trụ nhà máy, xí nghiệp, cùng mưu trí khôn khéo đã bảo vệ được nhà máy, ổn định sản xuất. Tôi rất xúc động và tự hào với những chiến công của các đồng chí cán bộ công vận, cán bộ công đoàn hưu trí trong khởi nghĩa, nổi dậy bảo vệ nhà máy, trong tiếp quản và khôi phục sản xuất”

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục