Lệch pha cung cầu bất động sản

TPHCM từng được xem là “đầu tàu” thị trường bất động sản (BĐS) của cả nước. Tuy nhiên vài năm qua, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM phải đi các địa phương khác như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Bình Định… để đầu tư dự án mới.

Về nguyên nhân, theo các nhà đầu tư, TPHCM không còn quỹ đất lớn, công tác đền bù giải tỏa ngày càng khó khăn, nên xu hướng dịch chuyển đầu tư ra các địa phương có lợi thế về quỹ đất, môi trường đầu tư cạnh tranh là đều dễ hiểu. Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở tại thành phố bị thanh, kiểm tra khiến cho thời gian thực hiện dự án kéo dài, dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định đầu tư.

Tập đoàn Novaland là một ví dụ. Là doanh nghiệp hàng đầu về BĐS, cách đây khoảng 5 năm, TPHCM là địa bàn chủ lực để tập đoàn phát triển các dự án mới. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, các dự án mới của Novaland tại TPHCM giảm hẳn. Vừa qua, công bố chiến lược phát triển trong thời gian tới với quy mô quỹ đất lên đến 10.600ha, nhưng tại TPHCM, tập đoàn này chỉ có được một dự án mới đưa ra thị trường là Grand Sentosa, vốn đã “trùm mền” hơn 10 năm nay.

Số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM minh chứng rõ. Kể từ năm 2015 khi Luật Nhà ở có hiệu lực, đến nay gần như toàn bộ các dự án BĐS tại thành phố đều rơi vào “bế tắc”. Nhờ dự án đã được phê duyệt pháp lý trước đó nên năm 2017 thành phố mới có 92 dự án công bố, là năm “phát triển đỉnh cao” của thị trường BĐS trong giai đoạn 2011-2021. Nhưng sau khi “xài hết” và không được cung cấp mới thì các dự án nhà ở đủ điều kiện bán ra thị trường sụt giảm mạnh.

Cụ thể, so với năm 2017, số lượng dự án của năm 2021 giảm 79,4%. Tương ứng, số lượng nhà ở bung ra thị trường cũng giảm mạnh: năm 2021 chỉ có 14.443 căn nhà, giảm 66,5% so với năm 2017. Bên cạnh việc “hẻo nguồn cung” thì thị trường BĐS TPHCM cũng rơi vào tình trạng chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của số đông là người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho thấy sự đáng quan ngại: Năm 2020, căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh, chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường; năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà mở bán đã không còn căn hộ bình dân!

Nhìn cơ cấu sản phẩm nhà ở nói trên là biểu hiện rõ nét của tình trạng “lệch pha cung - cầu”, BĐS phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững. Do vậy, thành phố cần có giải pháp tháo gỡ pháp lý nhằm tăng nguồn cung, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội để góp phần hạ nhiệt giá nhà cũng như giải quyết an cư cho người thu nhập thấp.

Tin cùng chuyên mục