Lì xì và câu chuyện từ người lớn

“Alô, năm nay có đổi tiền mới mừng tuổi tụi nhỏ không? Đổi bao nhiêu thì báo sớm, chứ cận như năm ngoái không có đâu nha”, nhỏ bạn nhắn hối. Tôi hẹn bạn hôm sau sẽ báo cụ thể số tiền cần đổi, đặng còn hỏi thêm mấy chị đồng nghiệp xem có đổi chung không.
Lì xì và cách tiếp nhận lì xì của con trẻ đến từ chính suy nghĩ của cha mẹ chúng
Lì xì và cách tiếp nhận lì xì của con trẻ đến từ chính suy nghĩ của cha mẹ chúng

1. Năm nào mấy chị em cũng hùn vào, đổi mỗi mệnh giá vài triệu đồng chia nhau lì xì cho con cháu may mắn ngày đầu năm mới.

Tôi may mắn khi chưa bị pha nào phải “muối mặt” vì chuyện lì xì nhưng năm nào cũng nghe, thành thử ít nhiều cũng rút ra được bài học.

Như chị Hà đồng nghiệp, năm ngoái thấy kể là muốn độn thổ vì bị đứa cháu con chú út bên chồng “bóc phốt”. Sáng mùng một tết, đại gia đình nhà chồng tập trung đồng đủ, mừng tuổi cho người lớn, lì xì cho trẻ nhỏ trong nhà để chúc một năm mới bình an. Chị Hà kể, sau khi nhận lì xì của mọi người, đám trẻ chạy ra sân, mở lì xì rồi so sánh mệnh giá tiền trong từng bao. Không rõ tụi nhỏ bàn luận gì mà sau đó đứa cháu con chú út “điểm mặt” nói, mang tiếng bác ở tận miền Nam về mà lì xì có 50.000 đồng. Cậu bé không quên khoe: “Mẹ cháu lì xì cho con bác hẳn một trăm ngàn đấy”. Người lớn trong nhà nghe thấy vậy cũng trách phạt thằng bé. Biết là con trẻ nhưng trong lòng chị đến giờ vẫn nặng trĩu.

Đợt này, tiện có nhỏ bạn hối đổi tiền mới, tôi hỏi chị đổi cùng để đi nhận luôn. Chị nhẩm tính một hồi rồi quyết định đổi nhiều gấp đôi năm trước. Thấy lương thưởng năm nay nhắm chừng ít hơn nên tôi cũng ngạc nhiên khi chị đổi thêm nhiều tiền mới. Chị bảo, tính đổi mệnh giá 100.000 đồng để lì xì đám trẻ bên nội, còn mệnh giá 50.000 đồng thì lì xì bên ngoại. Dù gì, một năm cũng chỉ có một lần, cũng không muốn mất thoải mái chỉ vì vài ba chục ngàn lì xì cho con cháu.

2. Tết nhất trẻ con đứa nào chẳng mong lì xì nhưng không phải bé nào cũng hiểu được ý nghĩa của nó. Bởi vậy mà năm nào cũng có phụ huynh than “muối mặt” về cách ứng xử của con trẻ khi nhận lì xì. So sánh mệnh giá, vòi vĩnh lì xì của khách, mở bao lì xì ngay trước mặt khách… là những câu chuyện thường gặp nhất. Nhưng công bằng mà nói, chuyện này chẳng thể trách phạt con trẻ mà do người lớn đôi khi chưa tế nhị trong câu chuyện hoặc chưa chỉ dạy mà ra.

Như nhỏ em dâu tôi, nhắc hoài mà vẫn vô tư đến vô tâm trước mặt con trẻ. Ai đời, trước mặt con mà lấy lì xì ra đếm, rồi còn bô bô nói với chồng là năm nay thất thu, chi mấy triệu tiền lì xì mà chỉ thu về được một nửa. Thậm chí còn lôi từng bao lì xì ra hỏi các con xem cái này, cái kia của ai. Cũng bởi vậy mà đi đâu mấy đứa cháu cũng bảo mọi người phải lì xì tiền to; lì xì tiền nhỏ là không nhận.

Rồi chưa đến tết, nhiều phụ huynh còn mua heo đất, mua túi cho con để đựng lì xì, lên kế hoạch cho con mua gì từ khoản tiền ấy. Khi món đồ mình mong muốn được cha mẹ “giao khoán” hẳn cho tiền lì xì thì chúng ngóng chờ là chuyện bình thường và phản ứng tiền nhiều, tiền ít cũng là điều dễ hiểu.

3. Những năm gần đây, chuyện con trẻ ứng xử với lì xì được đem ra mổ xẻ nhiều trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhưng nhìn một cách khách quan thì có lẽ bản chất là mổ xẻ ứng xử của phụ huynh với những phong bao lì xì thì đúng hơn.

Trước những hành vi được cho là làm mất mặt người lớn của con cái khi nhận lì xì, đã có phụ huynh tuyên bố sẽ không lì xì cho ai vào ngày tết và cũng cấm con mình nhận lì xì từ người khác. Theo các chuyên gia tâm lý, đây không phải là cách hay, bởi một khi trẻ nhỏ bị cấm nhận quà mà những đứa bé xung quanh đều được nhận, đều trông ngóng thì chúng sẽ có những phản ứng khác, thậm chí là sẽ hình thành hành vi chưa chuẩn mực. Ngay cả việc giải thích cho con về ý nghĩa của bao lì xì, dạy con cách nhận lì xì văn minh, lịch sự nhưng bản thân người lớn không thoát được suy nghĩ hay tính toán mệnh giá tiền bỏ vào bao lì xì thì những giải thích này cũng chưa hẳn sẽ có hiệu quả.

Bởi vậy, cách tốt nhất để thay đổi cách ứng xử của trẻ nhỏ với lì xì là phải thay đổi suy nghĩ của người lớn, khi tất cả người lớn đều mặc định phong bao lì xì đơn thuần chỉ là lời chúc may mắn, mệnh giá bên trong lớn, nhỏ không quan trọng, thậm chí chỉ là những lời chúc viết bằng tay đong đầy tình cảm cũng rất đáng quý. Và khi tự bản thân người lớn không còn trăn trở với số tiền bỏ vào bao lì xì cũng như số tiền nhận lại, thì khi đó con trẻ mới vô tư với món quà may mắn đầu năm mới.

Không biết tụi nhỏ hiểu hết giá trị đồng tiền hay không nhưng đúng là trẻ nhỏ nói vô tình, còn người lớn nghe lại hữu ý. Bởi vậy mà thực tế có người gánh “còng lưng” vì khoản lì xì đầu năm mới, dù khó khăn nhưng vẫn phải xoay xở để bao lì xì được tươm tất như mọi người, cũng để khi mình trao đi và nhận lại không cảm thấy áy náy.

Tin cùng chuyên mục