Liên hoan Phim quốc gia lần thứ 15: Nhiều kỷ lục mới

Bên lề chuẩn bị LHP
Liên hoan Phim quốc gia lần thứ 15: Nhiều kỷ lục mới

Liên hoan Phim quốc gia (LHPQG) lần thứ 15 của Điện ảnh Việt Nam chính thức diễn ra từ ngày 21 đến 24-11-2007 tại TP Nam Định. Trong lịch sử LHPQG, đây là lần đầu tiên phim truyện nhựa tham gia với số lượng nhiều nhất. Ngoài ra, LH này còn xác lập một số kỷ lục cho LHPQG...

Nhiều đạo diễn Việt kiều tham gia nhất 

Liên hoan Phim quốc gia lần thứ 15: Nhiều kỷ lục mới ảnh 1

Cảnh trong phim “Dòng máu anh hùng”.

Đó là Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, Đoàn Minh Phượng với Hạt mưa rơi bao lâu, Charlie Chánh Trực với Dòng máu anh hùng, Lưu Huỳnh với Áo lụa Hà Đông, Othello Khanh với Sài Gòn nhật thực, và một  đạo diễn nước ngoài là Lý Vĩ (người Trung Quốc) đồng đạo diễn phim Hà Nội - Hà Nội… Đều nghiêng về khuynh hướng hoài cổ.

Nếu Nghiêm Minh đắm đuối với số phận dân nghèo trong mùa nước nổi của đồng bằng sông Cửu Long những năm 40 thì Minh Phượng lạ và sâu sắc với cuộc đời của Lý An, một cô gái trẻ không cam chịu cuộc sống tù túng sau lũy tre làng thời phong kiến.

Lưu Huỳnh lại thông qua hình ảnh chiếc áo dài trắng chia sẻ nỗi cảm thông về thân phận người phụ nữ trong thời loạn lạc của chiến tranh, lũ lụt trải dài từ 1940-1960;

Charlie Nguyễn độc đáo và mới mẻ khi trở về những năm 20 ngợi ca ý chí bất khuất, tinh thần trượng nghĩa trong bối cảnh khởi nghĩa nông dân… đồng thời “mở màn” cho dòng phim võ thuật - hành động Việt Nam; còn Lý Vĩ  và Bùi Tuấn Dũng cùng hành trình tìm về cội nguồn Việt đậm bản sắc dân tộc qua hình ảnh một cô gái trẻ đến từ Trung Quốc… Những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều đều được đầu tư lớn về kỹ thuật và ít nhiều đoạt giải thưởng trong và ngoài nước.

Nhiều đạo diễn thế hệ 7X nhất
 
Nổi bật trong danh sách các đạo diễn trong nước, tham gia LHP lần này là các đạo diễn thế hệ 7X như Lê Bảo Trung - phim Võ lâm truyền kỳ và Đẻ mướn; Đào Duy Phúc - phim 2 trong 1, Sinh mệnh, Chiến dịch trái tim bên phải; Bùi Tuấn Dũng - phim Đường thư, Vũ điệu tử thần và Hà Nội - Hà Nội; Nguyễn Quang Hải - phim Chuyện của Pao; Bùi Thạc Chuyên – phim Sống trong sợ hãi; Nguyễn Quang Dũng - phim Hồn Trương Ba da hàng thịt; Bùi Trung Hải - Nắng thu về…

Các đạo diễn 7X chủ yếu chọn đề tài đương đại, gần gũi với thế hệ mà họ sinh ra và lớn lên. Dù làm phim đề tài chiến tranh (Sinh mệnh), tâm lý xã hội (Chiến dịch trái tim bên phải) hay phim tâm lý- hài (2 trong 1) thì nổi bật trong phim của Đào Duy Phúc vẫn là sự  trong trẻo, tinh tế, lãng mạn và cả hài hước;

Dù làm phim đề tài chiến tranh (Đường thư) hay phim tâm lý xã hội (Hà Nội- Hà Nội, Vũ điệu tử thần) Bùi Tuấn Dũng vẫn nổi trội với chất phiêu lưu và hành động; còn Bùi Thạc Chuyên quyết liệt và táo bạo trong Sống trong sợ hãi; Quang Hải lại lãng mạn, đậm bản sắc miền núi trong Chuyện của Pao…; và Lê Bảo Trung vừa hài hước, vừa sâu sắc cùng với những màn hành động rất cuốn hút…

Trong số đó, Bùi Thạc Chuyên từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Cánh diều vàng 2005, và giải Đạo diễn triển vọng ở LHPQT tại Trung Quốc năm ngoái…

Nhiều phim đoạt giải thưởng lớn nhất

So với các LHP trước,  lần này các bộ phim như Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Hạt mưa rơi bao lâu, Hà Nội - Hà Nội, Dòng máu anh hùng, Sinh mệnh, Áo lụa Hà Đông, Mùa len trâu… từng đoạt giải thưởng trong nước (như Cánh diều  vàng) và ngoài nước (các LHPQT).

Đặc biệt Mùa len trâu, Chuyện của Pao và Áo lụa Hà Đông đã đại diện cho điện ảnh Việt Nam tham dự Oscar’2006, 2007 và 2008 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Mới đây, trong thời gian chờ diễn ra LHPQG 15;

Áo lụa Hà Đông còn đoạt thêm giải Phim được khán giả yêu thích nhất tại LHP Kim Kê của Trung Quốc (tháng 10-2007). Tuy đã đoạt nhiều giải thưởng trong, ngoài nước song các bộ phim nổi trội kể trên vẫn có không ít sự khen - chê trái chiều, đó sẽ là một thử thách để BGK chọn ra một tác phẩm xuất sắc nhất khiến tất cả mọi người đều tâm phục, khẩu phục.

Nhiều hãng phim tư nhân tham gia nhất

Đây là LHP đầu tiên có sự tham gia của nhiều hãng phim tư nhân nhất, có thể kể như: Chánh Phương Film, Phước Sang - Phim Việt – Ánh Việt, Thiên Ngân… (so với LHP 14 lần đầu tiên có hãng phim tư nhân tham gia với duy nhất là hãng Thiên Ngân).

Đây cũng là LHP đầu tiên có sự đa dạng và phong phú nhất về các thể loại phim: Tâm lý-  xã hội, tâm lý-  tình cảm, tâm lý-  hài, tâm lý - cổ trang - hài… đặc biệt lần đầu tiên  có phim nhựa thuộc thể loại võ thuật - hành động (Dòng máu anh hùng). LHP lần này còn là LHP có nhiều phim được đầu tư kinh phí rất cao (trên chục tỷ đồng) như: Giải phóng Sài Gòn (15 tỷ); Dòng máu anh hùng (1,5 triệu USD); Áo lụa Hà Đông (1 triệu USD); Sài Gòn nhật thực (1,3 triệu USD)…

Ở nhiều LHP trước, rất ít phim đoạt doanh thu cao, thậm chí còn có nhiều phim mà khán giả “ngơ ngác” không biết phim công chiếu từ bao giờ, nội dung ra sao...

Tại LHP lần này, hầu hết các bộ phim đều đã chiếu ra rạp, trong đó có nhiều phim giải trí và cả phim được xếp vào dạng “nghệ thuật” có doanh thu cao đáng kể.

Những phim doanh thu bạc tỷ thuộc về: Nữ tướng cướp, Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ, 2 trong 1, Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Chuông reo là bắn, Hồn Trương Ba da hàng thịt… Trong đó, Dòng máu anh hùng tuy chưa thu được đủ số kinh phí đầu tư song là bộ phim Việt đầu tiên có thời gian “trụ rạp” lâu nhất, khởi  chiếu từ  cuối tháng 4-2007, thậm chí đã có DVD… lậu mà đến nay vẫn còn chiếu ở một số rạp (như Vinh Quang-TPHCM).

Như vậy, giải thưởng Phim được khán giả yêu thích nhất của LHP lần này có nhiều hy vọng trở thành hiện thực, xác lập thêm một “kỷ lục” mới về giải thưởng…  
 
Nam, nữ diễn viên chính: ai sẽ đăng quang?

Trương Ngọc Ánh vai Dần trong phim Áo lụa Hà Đông và Ngô Thanh Vân vai Thúy trong phim Dòng máu anh hùng là hai ứng cử viên sáng giá nhất cho giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Dù bị cho là gương mặt không có dấu ấn của thời gian, song diễn xuất nội tâm không ít lần đạt đến thăng hoa của Trương Ngọc Ánh trong vai Dần đã thực sự chinh  phục khán giả… Ngô Thanh Vân gây bất ngờ với hình ảnh mới, lạ trong vai Thúy của phim Dòng máu anh hùng nhờ những pha hành động, những động tác võ thuật đạt đến sự chân thực.
 
Bên cạnh đó, nhiều người “đề cử” giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Quốc Khánh, vai Gù trong phim Áo lụa Hà Đông; Trí Nguyễn vai Cường và Dustin Nguyễn vai Sĩ trong phim Dòng máu anh hùng. Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn là những diễn viên Việt kiều đầu tiên có phim (2 phim) tham dự LHP Việt Nam.

Những màn võ thuật tuyệt vời của Trí Nguyễn đã thỏa mãn phần nào ước mơ về một dòng phim võ thuật - hành động Việt Nam. Song Trí Nguyễn vẫn còn thiếu những cảm xúc nội tâm trong những trường đoạn cần thể hiện tâm lý. Dustin Nguyễn không chỉ rất xuất sắc ở những màn võ thuật - hành động mà còn ở lối diễn có chiều sâu tâm lý, đặc biệt là cách thể hiện một vai phản diện đầy sức thuyết phục…

PHÚC NHƯ THỦY  

Bên lề chuẩn bị LHP

- LHP lần thứ 15 có sự tham gia của 26 hãng phim với 113 phim, trong đó có 25 phim truyện nhựa, 9 phim truyện video, 9 phim khoa học, 17 phim hoạt hình và 53 phim tài liệu… LHP năm nay sẽ trao giải riêng cho hai thể loại phim Tài liệu và Khoa học, nhưng vẫn có chung một ban giám khảo (7 người/BGK).

- Chính thức cóù 7 đoàn điện ảnh (gồm diễn viên và nhà sản xuất) nước ngoài là Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ sang dự LHP lần này. Mỗi đoàn mang theo một bản DVD phim để chiếu xen kẽ.

- BTC năm nay quyết tâm xây dựng thành công giải Phim được khán giả yêu thích nhất. Việc phát phiếu cho khán giả bình chọn được thực hiện ở hai rạp lớn là Tháng Tám và Trung tâm Điện ảnh sinh viên (cùng có 450 ghế). Phiếu được in sẵn với hai tiêu chí là: “Thích” và “Không thích” được chia đôi bằng rãnh răng cưa. Khán giả chỉ cần xé góc phiếu đã chọn để bỏ vào thùng phiếu. Bộ phim nào có số khán giả bình chọn cao nhất sẽ được trao giải thưởng.

- Lễ khai mạc LHP bắt đầu từ 19 giờ 30 ngày 21-11 tại Quảng trường Trần Hưng Đạo và Nhà hát 3-2, TP Nam Định. Ngoài xem phim, khán giả được thưởng thức các hoạt động văn hóa đặc sắc như: thổi kèn đồng, thả đèn trời, hát chầu văn… 

Tin cùng chuyên mục